Trong số 3 anh em ruột, tôi thuộc dạng có kinh tế vững vàng nhất. Gia đình tôi chưa bao giờ phải lăn tăn chuyện tiền bạc bởi mỗi tháng, tổng thu nhập của hai vợ chồng cũng hơn 50 triệu đồng.
Tuy có điều kiện nhưng chưa bao giờ tôi đường hoàng có thể giúp đỡ các em mình. Tất cả cũng bởi vợ tôi quá keo kiệt. Chính vợ tôi đã làm cho tình cảm anh em, bố mẹ chồng trở nên sứt mẻ từ khi nào không biết.
Dạo trước, bố tôi từ dưới quê lặn lội lên chơi. Vừa thấy ông bước vào cổng, tay không mang gì ngoài chục trứng gà, vợ tôi đã tỏ thái độ này nọ không bằng lòng. Cô ấy bảo: “Con thấy nhà người ta, ai dưới quê lên cũng tay xách nách mang cả đống đồ chứ chẳng ai tay không như bố đâu”.
Thấy bố ái ngại, tôi phải thanh minh rằng chính mình bảo bố làm như vậy. Với lại trên thành phố thiếu gì mà bắt cụ xách lên cho mệt.
Bố tôi mới ở lại chơi được hai ngày, vợ tôi đã nóng ruột vờ hỏi: “Bố định ở chơi bao lâu ạ? Vợ chồng con bận tối mắt sợ không có thời gian tiếp chăm sóc bố đâu”.
Lúc đầu, bố tôi tính chơi lâu nhưng nghe con dâu nói thế nên ông cũng lấy cớ để về quê sớm kẻo không ai chăm vườn tược.
Bố tôi lâu ngày mới lên chơi mà mâm cơm của vợ khiến tôi đến là xấu hổ vì toàn rau. Biết vợ tính toán nên tôi liền nhăn nhó bảo cô ấy nên cải thiện bữa ăn. Ai ngờ vợ tôi vừa chỉ tay dí mạnh vào cái bụng phệ của tôi vừa chua ngoa đáp lớn: “Cái bụng mỡ thế kia mà còn đòi ăn sướng. Bố ở quê, gà lợn nuôi cả vườn, thấy đã ngán chứ nói gì chuyện ăn thịt nữa”.
Cái lý lẽ để biện minh cho sự keo kiệt của vợ khiến tôi bẽ mặt với bố đẻ vô cùng!
Đến hôm bố tôi về quê, ông cụ có nhắc rằng cuối năm nay, họ hàng sẽ tổ chức lễ tảo mộ lớn. Ông yêu cầu vợ chồng tôi phải về và đóng góp 5 triệu đồng để sửa sang lại mộ tổ.
Tôi thì gật đầu đồng ý ngay còn vợ thì kêu oai oái, cô ấy không biết vô liêm sỹ liền hét toáng lên: “Ối giời! Ở quê cứ rảnh quá nên bày vẽ nhiều lễ lộc làm gì cho rách việc. Các cụ cứ tưởng trên này nhiều tiền lắm ấy nên muốn phán bao nhiêu thì phán”.
Xong câu nói của con dâu, bố tôi buồn lòng rồi đùng đùng bắt tôi chở ra bến xe. Tôi thì tức giận liền tát vào mặt vợ một cái để cảnh cáo thái độ láo xược của cô ấy.
Người thân thiết mà cô ấy đối xử không ra gì huống hồ là người ngoài. Vợ tôi keo kiệt đến nỗi còn trả giá cả tiền rác đóng mỗi tháng cho nhân viên môi trường và đủ các việc khác.
Có lần đưa con đi chơi công viên, thấy có đứa bé bán vé số mặc áo quần rách tả tơi nên tôi kêu lại mua dùm nó một tờ. Giá vé là 10 nghìn đồng nhưng tôi đã đưa 20 nghìn và bảo cháu bé đừng đưa lại tiền thừa. Vậy mà vợ tôi lại chạy đùng đùng đến lấy lại cho được tiền thừa. Đã vậy vợ tôi còn cao giọng đanh đá: “Anh bị mù à! Bọn nó ăn mặc thế để người khác thương hại chứ toàn là đóng giả đi lừa thiên hạ thôi”.
Đồng tiền hai vợ chồng kiếm được không phải eo hẹp gì, có cho người ta một chút thì có làm sao. Vậy mà vợ tôi lại hành xử một cách ghê gớm như vậy thì thật quá xấu hổ.
Nhiều lần tôi khuyên nhủ thậm chí to tiếng về chuyện chi tiêu tiền bạc dè dặt của vợ, cô ấy đều bốp chát đưa ra đủ lý do để không chịu tiếp thu.
Chính lối sống keo kiệt của vợ mà đến bạn bè và người thân của tôi cũng bị cô ấy làm cho bẽ mặt và dần quay lưng.
Chung sống với nhau đến 7 năm trời, có một đứa con kháu khỉnh và kinh tế cũng thuộc hàng khá giả. Vậy mà vợ tôi suốt ngày than thở như mình cơ cực lắm! Tôi cũng không phải thuộc dạng đàn ông thích tiêu xài phung phí nhưng nhìn cảnh vợ mình quá keo kiệt và bủn xỉn, tôi cũng mệt mỏi.
Tôi phải làm gì để vợ hiểu ra và bớt cái thói ki bo đây mọi người?