Chúng tôi đến Tiểu đoàn 11, Phòng Tham mưu Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân giữa lúc đơn vị đang tổ chức huấn luyện nội dung 16 động tác võ thể dục cho các chiến sĩ mới. Theo khẩu lệnh của chỉ huy, đội hình chiến sĩ mới thực hiện các động tác khá đều và dứt khoát, qua đó đã tạo nên không khí huấn luyện sôi nổi.
Thượng tá Bùi Quang Vinh - Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 367 cho biết: “Năm nay, quân số đơn vị được giao huấn luyện nhiều hơn so với năm 2016. Do đó, đơn vị gặp nhiều khó khăn cả về việc đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ khung huấn luyện. Thế nhưng, với tinh thần khắc phục khó khăn, đơn vị đã ưu tiên bố trí cơ bản đủ các chức danh cán bộ khung huấn luyện CSM theo quy định, với phương châm ưu tiên cán bộ trẻ, có tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn tốt. Riêng chức danh phó trung đội trưởng và tiểu đội trưởng, đơn vị bố trí các đồng chí quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan được đào tạo chức danh khẩu, tiểu đội trưởng có trình độ, năng lực đảm nhiệm”.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Quân - Trưởng ban Quân huấn Sư đoàn, việc lựa chọn, biên chế, bồi dưỡng cán bộ khung huấn luyện là một nội dung hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng huấn luyện. Để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ khung, thống nhất nội dung, hình thức tổ chức huấn luyện, Sư đoàn đã tổ chức tập huấn chiến thuật chiến đấu bộ binh và huấn luyện chiến sĩ mới cho các đồng chí là phó tham mưu trưởng trung đoàn phụ trách chung, trợ lý quân sự chung trung đoàn và cán bộ khung huấn luyện chiến sĩ mới từ cấp tiểu đoàn đến trung đội.
Sau tập huấn của Sư đoàn, các trung đoàn tiếp tục tổ chức tập huấn đến cấp tiểu đội. Nội dung tập huấn tập trung vào huấn luyện chiến thuật chiến đấu bộ binh như: Soạn giáo án huấn luyện chiến thuật bộ binh, thứ tự tổ chức một buổi thông qua giáo án; các hình thức chiến thuật; phương pháp lập kế hoạch huấn luyện, thống nhất hệ thống văn kiện huấn luyện chiến sĩ mới, thao trường, mô hình học cụ, vật chất huấn luyện chiến sĩ mới; thống nhất quy trình kiểm tra “3 tiếng nổ”, luyện tập điều lệnh đội ngũ tay không... Qua tập huấn đã nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ khung.
Song song với việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đơn vị đã chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ về phương pháp tổ chức điều hành huấn luyện, phương pháp quản lý, giáo dục bộ đội; quán triệt và thực hiện mô hình “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ) với chiến sĩ... Riêng ở Tiểu đoàn 11 - Đơn vị đảm nhiệm huấn luyện chiến sĩ mới nhiều nhất trong toàn Sư đoàn, ngoài đội ngũ cán bộ khung được biên chế từ cấp tiểu đoàn trở xuống, Sư đoàn còn cử Đoàn công tác gồm 3 đồng chí là cán bộ cơ quan Sư đoàn xuống theo dõi, giám sát và trực tiếp tham gia quản lý, chỉ huy, điều hành việc tổ chức huấn luyện, quản lý, giáo dục chiến sĩ mới.
Thiếu úy Nguyễn Hữu Kỳ - Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 5, Tiểu đoàn 11 chia sẻ: “Đây là năm thứ 2 tôi tham gia huấn luyện chiến sĩ mới. Trước khi bước vào mùa huấn luyện, chúng tôi đã được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Là một trung đội trưởng, bên cạnh công tác huấn luyện thì công tác quản lý, giáo dục bộ đội là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Với mô hình “4 cùng” với chiến sĩ, cán bộ trung đội, đại đội không chỉ là cấp trên mà còn như người anh trong gia đình, tạo sự gần gũi gắn bó giữa bộ đội với chỉ huy đơn vị, công tác quản lý, giáo dục bộ đội cũng vì thế mà thuận lợi và hiệu quả hơn”.
Còn Binh nhì Mai Phương Dĩ - Chiến sĩ Tiểu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 1, người dân tộc Khơ-me, quê Cần Thơ bộc bạch: “Khi mới về đơn vị, tôi vô cùng bỡ ngỡ, nhất là việc thực hiện giờ giấc và các chế độ trong ngày. Lần đầu xa nhà nên tôi cảm thấy hẫng hụt, lo lắng. Thế nhưng, được sự gần gũi động viên, hướng dẫn, chỉ bảo của cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội, tôi đã dần làm quen với cuộc sống quân ngũ, các nội dung huấn luyện được cán bộ truyền thụ rất dễ hiểu, dễ làm theo nên tôi cảm thấy yên tâm gắn bó với đơn vị hơn”.