Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án xây dựng sân bay Gia Bình

Sáng 10/12, tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công Dự án xây dựng Sân bay Gia Bình - sân bay phục vụ nhiệm vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo và bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân Công an nhân dân Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Lễ khởi công Dự án xây dựng sân bay Gia Bình. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Lễ khởi công Dự án xây dựng sân bay Gia Bình. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự sự kiện có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Bắc Ninh.

Sân bay Gia Bình là mô hình sân bay an ninh quốc phòng, sân bay chuyên dùng, tương đương cấp 4E. Cùng với phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân Công an nhân dân, Sân bay Gia Bình định hướng đảm bảo hoạt động của các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính khách quốc tế trên các loại tàu bay cánh bằng loại lớn; vận tải hàng hóa, hành khách khi có yêu cầu và đủ điều kiện.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 98/QĐ-TTg, ngày 17/9/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Sân bay Gia Bình. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng sân bay chuyên dùng với đường băng dài 1.500m, quy mô sử dụng đất khoảng 125ha tại xã Xuân Lai và thị trấn Gia Bình. Sau khi hoàn thành, Sân bay Gia Bình là sân bay trực thăng cấp 3, sân bay quân sự cấp 3, sân bay dân dụng tương đương cấp 3C theo tiêu chuẩn của ICAO. Tổng mức đầu tư dự án là 4.431 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công Dự án xây dựng sân bay Gia Bình. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công Dự án xây dựng sân bay Gia Bình. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay nước ta đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông, bao gồm hàng không; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống sân bay ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó có việc đầu tư xây dựng các sân bay lưỡng dụng, vừa phát triển kinh tế hàng không, khai thác không gian phát triển đất nước, vừa phục vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ luôn dành cho lực lượng Công an nhân dân sự quan tâm cao nhất; đặc biệt là thời gian gần đây đã quan tâm xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, cùng với xây dựng lượng con người tinh nhuệ, hiện đại phải có cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ thuật tinh nhuệ, hiện đại; hiện đại hóa đồng bộ, đầy đủ các lực lượng Công an nhân dân, trong đó có lực lượng Không quân Công an nhân dân.

Theo Thủ tướng, Cảnh sát cơ động là một trong 6 lực lượng của Công an nhân dân được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại. Việc xây dựng lực lượng Không quân Công an nhân dân và dự án xây dựng Sân bay Gia Bình là dấu mốc rất quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

Với sự quan tâm của Đại tướng Tô Lâm từ khi là Bộ trưởng Bộ Công an và trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện nay, các cơ quan đã khẩn trương trình các cấp có thẩm quyền, thực hiện các thủ tục theo quy định để triển khai dự án.

Nhấn mạnh, Sân bay Gia Bình là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống các công trình quốc phòng - an ninh, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Bộ Công an, các cơ quan, Bộ, ngành và Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã chủ động, tích cực phối hợp tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là các thủ tục về đất đai, đầu tư, vốn... để kịp thời khởi công; đặc biệt cảm ơn nhân dân đã nhường đất cho dự án.

Cho rằng, các kết quả đã đạt được để tổ chức được Lễ khởi công dự án mới chỉ là bước khởi đầu, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề; để hoàn thành, đưa Dự án vào khai thác đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị triển khai nhanh xây dựng sân bay giai đoạn 1, Bộ Công an chuẩn bị thủ tục, các điều kiện triển khai giai đoạn 2, với tinh thần 3 nhất: thi công nhanh nhất, chất lượng phải tốt nhất và giá thành rẻ nhất, hoàn thành dự án trong 18 tháng, đảm bảo an toàn, chống tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công Dự án xây dựng sân bay Gia Bình. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công Dự án xây dựng sân bay Gia Bình. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai giai đoạn 1 và chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 dự án; đồng thời nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường từ Sân bay Gia Bình tới trung tâm Hà Nội, với yêu cầu 3 nhất: ngắn nhất, hiện đại nhất, đẹp nhất, với mặt cắt ngang rộng từ 80-100m.

Giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an, tỉnh Bắc Ninh và các bộ, ngành liên quan triển khai giai đoạn 1 và chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 dự án; đồng thời triển khai xây dựng các công trình phục vụ lưỡng dụng, phát triển hệ sinh thái sân bay.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các nhà thầu, với kinh nghiệm xây dựng sân bay trước đây, tiếp tục chinh phục, lập kỷ lục mới; triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, không đội vốn, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh, môi trường; phấn đấu hoàn thành dự án trước 31/12/2025.

Chính quyền Xuân Mai, thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình và tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chăm lo, ổn định tình hình, đảm bảo cuộc sống, sản xuất cho người dân và đảm bảo nơi học tập của học sinh, với yêu cầu nơi ở, nơi học mới của nhân dân tốt hơn nơi ở, nơi học cũ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, trong quá trình triển khai nếu có vấn đề phát sinh kịp thời phối hợp giải quyết; nếu cần cơ chế, chính sách, điều kiện gì thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.

Hình thành thiết chế luật sư công tại Việt Nam từ góc nhìn thực tiễn hành nghề

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(PLVN) - Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là quyền tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế còn những hạn chế. Từ góc nhìn thực tiễn hành nghề luật sư, việc hình thành thiết chế luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý là một giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi pháp lý cho mọi tầng lớp Nhân dân.