Bất chợt em hỏi: Dọc dài khắp dải đất thân yêu có bờ biển thắt đáy lưng ong hình chữ S, có biết bao chợ cá được họp lúc rạng đông, khi những đoàn thuyền đánh cá sau một đêm ra khơi vất vả trở về tôm cá đầy khoang, mang no ấm về với gia đình?
Tôi ậm ừ chưa tìm được câu trả lời, nhưng thấy lòng ngập tràn xúc động khi bắt gặp những gương mặt dãi dầu nắng gió, thân thương của bà con làng chài trong phiên chợ sớm.
Có một cảm xúc rất đặc biệt, khi chúng tôi có mặt tại phiên chợ cá ở đường Hoàng Sa (Đà Nẵng). Chợ này có tên gọi là chợ Thọ Quang nhưng em vẫn cứ muốn đặt tên riêng cho nó là chợ cá Hoàng Sa vì chợ tạm nằm ngay ven đường Hoàng Sa (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Chợ chỉ họp vào lúc sáng sớm để bán các “chiến lợi phẩm” do ngư dân vừa đánh bắt được trong đêm. Em bảo gọi chợ Hoàng Sa sẽ cảm thấy thiêng liêng hơn gấp bội, cái chợ tạm bé tí ti, chỉ họp vài giờ lúc đầu ngày nhưng là “cần câu cơm” khiến bao gia đình no ấm.
Khi mặt trời chưa ló dạng, những chiếc thuyền, chiếc thúng của bà con ngư dân Sơn Trà cập chợ cá này. Từ dưới bến, những thúng cá được chuyển dần lên, các chị em bắt đầu phân loại rồi đưa ngay ra chợ. Một số khác bỏ mối chở về bán tại các chợ trong thành phố như: chợ Mới, chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa... Số còn lại được bày bán ngay tại chợ Hoàng Sa.
Đó là những mớ hải sản lẫn lộn các loại, con to, con nhỏ vì vừa đưa ở ghe lên là được trút ngay ra bán. Cũng có những cảnh eo sèo mặc cả như bao phiên chợ khác, nhưng có khi mặc cả bán một mớ cá mạt để rồi sẵn sàng cho không cả một con ghẹ béo “mang về làm quà cho sắp nhỏ”. Bà con ngư dân rất rộng lòng là vậy.
Không ai biết chợ cá Hoàng Sa ra đời từ khi nào, chỉ biết có làng chài, có nghề đánh cá thì chợ cá đã tồn tại. Cái chợ xép, chỉ họp vài tiếng lúc sáng sớm nhưng lại là chốn mưu sinh, nuôi sống rất nhiều gia đình của làng chài ven biển và vùng phụ cận. Đàn ông đi biển, đàn bà ở nhà đan lưới, chờ chồng con về mỗi sáng rồi nghiệm thu chiến lợi phẩm, phân loại cá tôm đi bán lấy tiền đong gạo, mua sách bút cho lũ trẻ đến trường.
Còn rất nhiều dịch vụ “ăn theo” chợ cá nữa như hàng trông xe, người bốc vác, gánh bánh canh buổi sớm… Một đặc điểm chung ở chợ này là cái gì giá cả cũng bình dân mà ngon đậm đà, tươi ngon như con tôm vừa cất lên từ mẻ lưới sớm…
Mấy năm gần đây, theo đà phát triển du lịch, không hẹn mà lên, chợ cá bỗng sầm uất hơn nhiều khi được đón những đoàn du khách mỗi sớm mai. Có những bà những chị nội trợ tranh thủ chuyến du lịch đến mua hải sản về cho gia đình, làm quà cho người thân; nhưng cũng có những chị, những em đến chỉ để tham quan, rồi mượn mẹt tôm, thuyền cá của như dân để chụp ảnh “tự sướng”. Bà con đều vui lòng hết, thậm chí còn sẵn lòng đóng “diễn viên quần chúng” làm nền ảnh cho mấy chị, mấy em.
Sau “sự cố” cá chết dọc biển miền Trung khiến chợ cá đìu hiu mất một thời gian, nay chợ Thọ Quang bắt đầu vui trở lại. Bà Tám- một ngư dân ven biển tâm sự: “Những ngày đó chẳng ai dám ăn cá, biết cá đánh về chẳng có ai mua nhưng nghề đã ăn vào máu rồi, không ra khơi nhớ biển không chịu được, không ra chợ thì cũng chẳng biết làm gì nên loanh quanh thế nào cứ giờ ấy vẫn dậy sớm để đi chợ cá… Có hôm đi chợ mà tự dưng nước mắt như mưa. Bà con ngư dân chúng tôi sống nhờ biển, nhờ chợ nên chỉ mong biển còn, biển sống thì mình còn sống.”