55 năm trưởng thành từ gian khó, phấn đấu hết sức mình vì nền y học còn nhiều khó khăn của Việt Nam, Bộ môn đã tạo ra nhiều dấu mốc đáng nhớ. Nhưng, nhắc đến sự thành công này, Chủ nhiệm Bộ môn, PGS.TS Đoàn Văn Đệ luôn khẳng định có một sợi chỉ đỏ, một kim chỉ nam luôn theo từng bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ Bộ môn, đó chính là nhiệt huyết, sự tận tâm của những bậc đàn anh đi trước.
PGS.TS Đoàn Văn Đệ hướng dẫn các bác sĩ trẻ khám bệnh |
Là một trong những bộ môn lớn của Học viện Quân y, Bộ môn Tim - Thận - Khớp - Nội tiết đã đào tạo được 46 khóa dài hạn, tham gia đào tạo 6 khóa cử tuyển Tây Nguyên; đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2, sau đại học, nghiên cứu sinh với 4 chuyên ngành tim, thận, khớp và nội tiết. Trung bình mỗi năm nhận đào tạo và quản lý 15-20 nghiên cứu sinh, 10-20 bác sĩ chuyên khoa 2, 15-25 cao học và 10 -15 bác sĩ nội trú…
Để có được sự trưởng thành đó, ít ai biết rằng khi mới thành lập (năm 1959), cơ sở vật chất Bộ môn gần như không có, giáo trình tài liệu rất hiếm, các cán bộ đầu tiên của Bộ môn vừa làm vừa mày mò tìm tòi để trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức. Đến năm 1972, để tránh những đợt không kích của máy bay Mỹ, cán bộ, giảng viên Bộ môn phải sơ tán, nhưng địa điểm sơ tán lại bị trúng bom B52 rải thảm nên rất nhiều cán bộ, giảng viên đã hy sinh.
Cộng thêm không ít cán bộ tình nguyện lên đường chia lửa cho các chiến dịch ác liệt như chiến trường Quảng Trị, chiến trường B2, tham gia tiếp quản Tổng Y viện cộng hòa (nay là Bệnh viện 175) nên lực lượng của Bộ môn đã mỏng lại càng thêm mỏng.
Nhưng trong khó khăn, bản lĩnh cán bộ, giảng viên - những bác sĩ mang quân hàm xanh càng được hun đúc, trưởng thành. Rất nhiều bác sĩ từ Bộ môn đã trưởng thành, trở thành những cán bộ đầu ngành tại các đơn vị mình công tác như Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 PGS.TS Lê Thu Hà; Thầy thuốc Nhân dân GS Bùi Xuân Tám; GS Thái Hồng Quang; GS Nguyễn Phú Kháng,…
Nhiều cán bộ, giảng viên được tuyển chọn, gửi đi đào tạo tại các nền y học lớn trên thế giới như nước Nga có GS.TS Thái Hồng Quang, PGS.TS Trần Đình Ngạn. PGS.TS Hoàng Trung Vinh; học tập tại Nhật Bản có PGS Nguyễn Đức Công (hiện đã chuyển công tác vào Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM); PGS.TS Lê Việt Thắng; PGS.TS Lương Công Thức, TS Nguyễn Minh Núi…
Năm 2006, Khoa Tim - Thận - Khớp - Nội tiết tách ra làm 3 khoa chuyên môn sâu bao gồm: Tim mạch, Thận - Lọc máu, Khớp - Nội tiết và đã tiến hành điều trị cho khoảng 2.650 bệnh nhân/năm. Theo đánh giá, các khoa trong Bộ môn luôn giữ được bước phát triển liên tục nhưng đến năm 2006 mới thực sự là một bước đột phá khi được trang bị những kỹ thuật tiên tiến hàng đầu của thế giới như triển khai các kỹ thuật về tim mạch can thiệp, các kỹ thuật về chẩn đoán tim mạch…
Không chỉ tiến hành thu dung điều trị cho các bệnh nhân, các khoa của Bộ môn cũng đóng góp đáng kể vào thành công của các ca ghép tạng lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam: Khoa Thận - Lọc máu cũng là nơi lần đầu tiên tiến hành ghép thận thành công cho bệnh nhân. Khoa Tim mạch tham gia vào tuyển chọn, điều trị bệnh nhân ghép tim. Khoa Khớp - Nội tiết tham gia tuyển chọn quá trình ghép tụy thành công lần đầu tiên ở Việt Nam. Tính đến nay, đã có 180 ca ghép thận thành công, đã làm tăng chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ bệnh nhân.
PGS.TS Đoàn Văn Đệ chia sẻ: Các cán bộ, giảng viên Bộ môn hầu như chưa có kinh nghiệm trong quá trình tuyển chọn để thực hiện các ca ghép tạng trong khi yêu cầu tuyển chọn thực sự rất khắt khe. Hầu hết đều vừa làm, vừa dò đường, sau mỗi ca tuyển chọn lại cùng ngồi lại để rút kinh nghiệm, tìm ra một kết quả tối ưu nhất.
Không chỉ tuyển chọn, các khoa của Bộ môn còn trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị sau ghép với nhiều khâu khó khăn như sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch và phòng chống nhiễm khuẩn cơ hội. PGS Đệ cũng không giấu được niềm vui khi cho biết, hiện Bộ môn đã trang bị và làm chủ kỹ thuật HDF online – kỹ thuật về lọc máu mới và hiện đại nhất, lọc máu thẩm tách tiên tiến nhất hiện nay.
Ngoài công tác khám chữa bệnh, Bộ môn còn tham gia các đề tài nghiên cứu Khoa học, đặc biệt phải kể đến Cụm công trình ghép tạng được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Được biết, hiện khoa Khớp – Nội tiết đang tham gia Đề tài nghiên cứu điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc, đã có 44 ca bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này. Đề tài sẽ kết thúc vào năm 2015 và chắc chắn sẽ mở ra một hướng điều trị tích cực cho những bệnh nhân bị bệnh khớp, vốn là một loại bệnh chưa có cách điều trị triệt để và tối ưu.
Thạc sỹ Trần Đức Hùng, Chủ nhiệm Khoa Tim mạch cùng đồng nghiệp làm can thiệp tim mạch |
Tiếp chuyện chúng tôi trong thời khắc chuẩn bị đón ngày kỷ niệm lịch sử, Chủ nhiệm Bộ môn, PGS.TS Đoàn Văn Đệ dường như trầm ngâm hơn. Ông bảo, có được thành công như ngày hôm nay, cá nhân ông cũng như Bộ môn luôn nhớ về PGS Phan Sĩ Nhân, một tấm gương về tự học và đạo đức người thầy, về ý chí phấn đấu và tâm huyết trong công cuộc đào tạo ra những người thầy giáo, thầy thuốc như từ mẫu.
Ông kể, được phân công về nghiên cứu, làm việc tại Bộ môn từ năm 1978, đến năm 1980 ông được công nhận là giảng viên chính thức. Qua quá trình nỗ lực phấn đấu, ông được cử sang làm nghiên cứu sinh và tốt nghiệp Phó Tiến sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô. Được sự dẫn dắt, chỉ bảo của người thầy, người đàn anh đáng kính PGS Phan Sĩ Nhân, ông đã tiếp thu, lĩnh hội được những phẩm chất tận tâm với học trò, tận tụy với bệnh nhân từ người thầy của mình. Đó chính là sợi chỉ đỏ mà ông đã và đang gìn giữ, phát triển và chuyển giao cho đội ngũ kế cận.
PGS Đoàn Văn Đệ tâm sự: “Được chứng kiến toàn bộ những bước trưởng thành của Bộ môn từ thuở sơ khai chỉ có vài người chung lưng đấu cật, rồi được tiếp quản những thành tựu của nhiều bậc đàn anh đi trước nên chúng tôi thấy mình có nhiệm vụ phải giữ vững và phát huy tối đa những truyền thống quý báu của Bộ môn, để Bộ môn đạt được những thành tựu cao hơn nữa”.
Mặc dù tự hào về truyền thống cũng như thành tựu mà Bộ môn đã đạt được nhưng trong buổi trò chuyện, vị PGS.TS Chủ nhiệm Bộ môn vẫn còn không ít trăn trở, lo lắng khi thấy sự ham học đang ngày có xu hướng giảm đi ở sinh viên, học viên. Với sinh viên các chuyên ngành khác, học giỏi chưa chắc đã làm tốt, nhưng riêng sinh viên trường y, yêu cầu đầu tiên là ham học và học giỏi, chỉ khỉ học giỏi, nắm vững các kiến thức chuyên ngành mới có thể vững vàng trong công việc hàng ngày giúp bệnh nhân của mình an tâm và tin tưởng ở đội ngũ y, bác sĩ trong nước.
Bởi vậy, cùng với việc truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm thì trong cuốn sổ tay của Chủ nhiệm Đoàn Văn Đệ luôn có danh sách những học viên và sinh viên cá biệt cùng số điện thoại liên hệ với gia đình để bất cứ khi nào cần, giáo viên bộ môn sẽ liên lạc, phối hợp với gia đình để cùng động viên, hướng con em họ chọn con đường đi đúng đắn, trở thành những người thực sự có ích cho xã hội.
Ông tâm sự: “Trách nhiệm của đội ngũ bác sĩ ngày càng lớn, đòi hỏi về khoa học kỹ thuật ngày càng chuyên sâu nên giữ được sự nhiệt tình trong công tác và biến đó thành nội dung giảng dạy, nghiên cứu là mục đích cuối cùng”. Ngoài ra, việc ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường để những mặt trái của cơ chế thị trường không xâm nhập vào công việc của giáo viên Bộ môn cũng là một thách thức không nhỏ.
Chia tay người bác sĩ, nhà giáo Đoàn Văn Đệ, chúng tôi nhận thấy với bề dày truyền thống, bầu nhiệt huyết của người thầy, sự tận tâm của người bác sỹ, trong chúng tôi sáng lên một niềm tin rằng sợi chỉ đỏ mà PGS Phan Sĩ Nhân đã trao đang được PGS.TS Đoàn Văn Đệ và các học trò của ông giữ gìn và phát huy, để cán bộ, giảng viên Bộ môn trở thành những tấm gương thực sự sáng đối với các học viên, bác sĩ lớp lớp sau này.
Bộ môn Tim – Thận – Khớp – Nội tiết đã nhận được danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang thời kỳ chống Mỹ (năm 2010); một Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, một Huân chương Quân công, 4 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 5 năm đạt danh hiệu Lá cờ đầu, 20 năm Đơn vị Quyết thắng. Đã có một nhà giáo được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 3 Nhà giáo Ưu tú, 2 Thầy thuốc Nhân dân và 15 Thầy thuốc Ưu tú. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập, Bộ môn được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.