Báo cáo của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng cho biết, tuy các cơ quan THADS đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng kết quả 10 tháng năm 2023 vẫn chưa đạt như mong muốn. Cụ thể, kết quả thi hành án toàn tỉnh về việc đạt 68,59% (còn thiếu 14,21% so với chỉ tiêu được giao); về tiền đạt 32,88% (còn thiếu 12,92% so với chỉ tiêu được giao).
Về tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, toàn tỉnh đã thi hành xong 223 việc có điều kiện, tương ứng với số tiền là 96 tỷ 349 triệu 079 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 26,58% về việc và 11,26% về tiền; tăng 34,34% về việc và giảm 16,33% về tiền so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ ra khó khăn trong giải quyết án loại này, Lãnh đạo Cục THADS cho biết một số vụ việc có giá trị lớn, Chấp hành viên đã kê biên tài sản để bán đấu giá nhưng chưa có người đăng ký mua nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu về tiền được giao.
Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng chỉ căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cho vay mà không xác minh thực tế, dẫn tới trường hợp người phải thi hành án đã cầm cố tài sản cho người khác quản lý, sử dụng từ rất lâu. Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng cho vay theo hình thức thế chấp, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình, nhưng khi ký hợp đồng thế chấp thì một số thành viên hộ không tham gia ký kết, từ đó gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc kê biên, xử lý tài sản.
Về kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án, từ ngày 01/10/2022 đến 31/7/2023, các cơ quan THADS đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 154 trường hợp, trong đó số việc phải tổ chức cưỡng chế là 144 trường hợp. Nhờ sự chủ động phối hợp và tinh thần trách nhiệm trong việc cưỡng chế giao tài sản, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát bảo vệ cưỡng chế và sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương, các cơ quan THADS đã tố việc cưỡng chế thành công đối với 144 vụ việc.
Song, bên cạnh đó cơ quan THADS vẫn còn gặp khó khăn do do đương sự không tự nguyện thi hành án nên phải huy động lực lượng để cưỡng chế thi hành án, từ đó phải mất nhiều thời gian, nhân lực, vật lực trong việc chuẩn bị và tổ chức cưỡng chế thi hành án.
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn nêu trên, từ nay đến cuối năm, Cục trưởng yêu cầu Lãnh đạo Cục THADS, Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch công tác năm của từng đơn vị, cũng như các giải pháp đã đề ra. Tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng quản lý, tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của đội ngũ công chức lãnh đạo từ Cục THADS đến Chi cục THADS theo hướng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Các cơ quan THADS tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công chức, người lao động tại đơn vị nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác. Tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt; đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, án tham nhũng, các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Cùng với đó, làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo THADS các cấp trong việc chỉ đạo phối hợp công tác liên ngành trong lĩnh vực THADS. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí đối với các Chi cục THADS.
Xây dựng Kế hoạch để thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với Chấp hành viên, kế toán, thủ quỹ, thủ kho; phân bổ lại biên chế cho các Phòng chuyên môn, Chi cục THADS; xây dựng Đề án kiện toàn các Phòng chuyên môn, Chi cục THADS.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nội dung cụ thể phù hợp với thời gian nhằm phát huy được sức mạnh phối hợp của từng cơ quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.