Số phận 'cha đẻ' bom nguyên tử Trung Quốc

 Cảnh những người có mặt gần bãi thử vui mừng khi quả bom nguyên tử đầu tiên thử thành công.
Cảnh những người có mặt gần bãi thử vui mừng khi quả bom nguyên tử đầu tiên thử thành công.
(PLO) -22 năm ngày thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, Trung Quốc mới công bố và khẳng định Đặng Gia Tiên – một nhà khoa học, Ủy viên Trung ương chính là “cha đẻ của bom nguyên tử và bom khinh khí Trung Quốc” chứ không phải “một người Mỹ” như quốc tế vẫn đồn đoán…

Một ngày tháng 8/1958, ông Tiền Tam Cường, khi đó là Thứ trưởng Bộ Cơ khí số 2 (mật danh của Bộ Công nghiệp hạt nhân) đến tìm gặp một người thanh niên trí thức 34 tuổi  từ Mỹ về, đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói: “Trung Quốc phải có một trận đấu pháo lớn, cần đồng chí tham gia công việc này”.

Có duyên với bom nguyên tử

“Trận đấu pháo lớn” đó là ám chỉ việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Sau khi nhận mệnh lệnh từ Tiền Tam Cường, người thanh niên đó liền mất hút khỏi tầm mắt của bạn bè, người thân, bắt đầu mai danh ẩn tích suốt 28 năm; ngay đến người vợ cũng không biết chồng mình làm gì, ở đâu.

Người đó đã gắn chặt với quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc, đưa Trung Quốc đi từ không đến có trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân. Mãi đến một ngày tháng 6/1986 – trước khi qua đời, tên tuổi ông mới đột nhiên xuất hiện đồng thời trên các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc. Bí mật được giấu kín suốt 28 năm mới được người ta biết đến. Người đó tên là Đặng Gia Tiên.

Đặng Gia Tiên khi nhận bằng Tiến sĩ ở Mỹ

 Đặng Gia Tiên khi nhận bằng Tiến sĩ ở Mỹ

Đặng Gia Tiên, là một nhà lý luận vật lý, vật lý hạt nhân, Ủy viên Hội đồng Viện khoa học Trung Quốc, Ủy viên Trung ương ĐCS Trung Quốc khóa 12, nhà khoa học kiệt xuất, “công thần chế tạo bom nguyên tử và bom khinh khí”, người thiết kế và phụ trách việc chế tạo 2 loại bom này, một trong số những người đặt nền móng và lãnh đạo công tác nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Ông đã tham gia 32 trong tổng số 45 vụ thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc, trong đó 15 lần đích thân chỉ huy tại hiện trường.

Đặng Gia Tiên (25/6/1924 – 29/7/1986) quê tỉnh An Huy, năm 1945 tốt nghiệp khoa Vật lý Đại học Tây Nam, sau đó về giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh. Tháng 10/1948 ông sang Mỹ du học tại khoa Vật lý, trường Purdue University, tháng 10 năm 1950 nhận bằng Tiến sĩ Vật lý khi mới 26 tuổi. 9 ngày sau khi nhận bằng, ông quyết định trở về Trung Quốc làm công tác nghiên cứu tại Sở nghiên cứu vật lý cận đại.

Năm 1953 ông kết hôn với bà Hứa Lộc Hy – con gái ông Hứa Đức Hành (1890 – 1990) – một học giả nổi tiếng, sau này là Bộ trưởng Thủy sản,  Phó chủ tịch Quốc hội và Phó chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc; một năm sau thì bà sinh đôi một cặp trai gái.

Năm 1956 ông vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 1958 là Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu số 9 thuộc Bộ Cơ khí 2; năm 1972 là Phó Viện trưởng, từ 1979 là Viện trưởng Viện nghiên cứu số 9 (Viện nghiên cứu vũ khí hạt nhân) thuộc Bộ Công nghiệp Hạt nhân.

Năm 1986 ông được Quân ủy Trung ương Trung Quốc bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật và Công nghiệp quốc phòng, được bầu vào Trung ương khóa 12, ít lâu sau ông qua đời vì chứng ung thư trực tràng. Báo chí Trung Quốc đánh giá: 28 năm im hơi lặng tiếng của Đặng Gia Tiên đã đổi lại địa vị cường quốc hạt nhân của Trung Quốc trên thế giới. 

Nghiên cứu trong điều kiện khó khăn chồng chất

Tháng 8/1958, sau khi nhận nhiệm vụ từ Tiền Tam Cường, Đặng Gia Tiên về làm Chủ nhiệm phòng lý luận, Viện 9 thuộc Bộ Cơ khí 2, giữ vai trò người phụ trách công tác lý luận thiết kế bom nguyên tử. Khi ông bắt đầu nhận nhiệm vụ, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, nhưng sau đó tình hình thay đổi.

Phía Liên Xô lấy cớ họ đang phải đàm phán với Mỹ và các nước phương Tây tại Geneva về hiệp định cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nên tạm ngừng việc cung cấp cho Trung Quốc các tài liệu kỹ thuật về bom nguyên tử, gây khó khăn lớn cho công tác nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử.

Không thể dựa vào viện trợ của bên ngoài được nữa, sức ép đè lên vai Đặng Gia Tiên ngày càng nặng nề. Khi đó, ở trong nước, mọi vấn đề liên quan đến chế tạo bom nguyên tử hầu như chưa có gì, nói là tự chủ nghiên cứu, nhưng thật không dễ. Bắt tay từ đâu là vấn đề đầu tiên ông cần xem xét.

Sau một thời gian dài suy nghĩ, Đặng Gia Tiên quyết định nghiên cứu theo 3 hướng chính là vật lý Neutron, cơ học chất lưu (Fluid mechanics) và tính chất vật lý trong điều kiện nhiệt cao, cao áp.

Tiếp đó, ông nhanh chóng tổ chức các cán bộ dưới quyền thành 3 bộ phận để tiến hành nghiên cứu công phá với các thiết bị là bàn tính, máy tính bấm tay, thước dây, thậm chí phải cộng trừ nhân chia trên giấy để tính toán hàng đống số liệu. Giấy tờ tính toán xong được bó lại, nhét vào bao tải, chất đầy gian nhà. Mỗi kết quả tính toán đều được phản biện nhiều lần để bảo đảm chính xác tuyệt đối…

Đặng Gia Tiên và đám mây hình nấm vụ thử quả bom nguyên tử đầu tiên.
 Đặng Gia Tiên và đám mây hình nấm vụ thử quả bom nguyên tử đầu tiên.

Thời kỳ Đặng Gia Tiên và các đồng nghiệp nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử là thời kỳ Trung Quốc đang trong “3 năm khó khăn”. Họ tuy được hưởng mức  định lượng lương thực cao, nhưng thực tế chẳng được cấp phát, thường phải nhịn đói làm việc.

Đặng Gia Tiên được ông bố vợ Hứa Đức Hành, khi đó là cán bộ lãnh đạo cấp cao chi viện cho một phần tem phiếu lương thực, ông thường đem đổi lấy bánh quy rồi mang đến chia sẻ với các đồng nghiệp.

Năm 1960, nhóm nghiên cứu gặp phải vấn đề khó khăn chưa từng có: chuyên gia Liên Xô trước đó một lần buột miệng nói ra một số liệu then chốt, nhưng sau đó khi họ tính toán thì lại ra kết quả không phù hợp như thế, Đặng Gia Tiên với các đồng nghiệp tính đi tính lại tới 9 lượt, giấy tờ dùng để tính chất đến tận nóc nhà, cuối cùng khẳng định số liệu chuyên gia Liên Xô nói là sai. Nhà khoa học nổi tiếng Hoa La Canh đánh giá lần tính toán này là “trận đại chiến tính toán khó khăn nhất thế giới”.

Năm 1961, sau 3 năm nghiên cứu tính toán, Đặng Gia Tiên và các đồng nghiệp cuối cùng đã mở được cánh cổng thiết kế bom nguyên tử, hình thành được bản vẽ sơ đồ cơ bản về quả bom.

Ngày 16/10/1964, quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc được chế tạo theo thiết kế của nhóm Đặng Gia Tiên đã được nổ thử thành công trong sa mạc. Ít người biết, từ 1 năm trước khi xuất hiện đám mây hình nấm đó, ê-kíp của Đặng Gia Tiên đã bắt tay thiết kế lý luận về bom khinh khí (bom Hydro).

Cuối năm 1965, Đặng Gia Tiên và Vu Mẫn đã cùng nhau hoàn thành phương án thiết kế quả bom khinh khí, qua 2 lần thử nghiệm năm 1966 chứng minh phương án của họ khả thi, ngày 17/6/1967, Trung Quốc đã thử nghiệm cho nổ thành công quả bom khinh khí đầu tiên chỉ sau hơn 2 năm 8 tháng cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên.

Để đạt được thành tựu này, người Mỹ phải mất 7 năm 4 tháng, người Liên Xô mất 4 năm, người Anh mất 4 năm 7 tháng, người Pháp mất tới 8 năm 6 tháng. Điều đó cho thấy nỗ lực và thành tựu của ê-kíp nghiên cứu Đặng Gia Tiên lớn lao đến mức nào. Rất nhiều người hỏi Đặng Gia Tiên với thành tựu lớn lao nghiên cứu chế tạo thành công 2 loại bom đó, các ông đã được thưởng bao nhiêu tiền, Đặng Gia Tiên chỉ cười không trả lời.

Năm 1986, khi Tiến sĩ Dương Chấn Ninh, người bạn cũ thân thiết của Đặng Gia Tiên về nước thăm ông, đặt câu hỏi về vấn đề tiền thưởng. Vợ chồng Đặng Gia Tiên cuối cùng trả lời: một tờ, 10 tệ; nhưng 10 tệ cho bom hạt nhân, 10 tệ cho bom khinh khí, mỗi lần được 10 tệ. Dương Chấn Ninh không tin, nhưng bà Hứa Lộc Hy nghiêm túc nói: “Thật đấy, chúng tôi không đùa đâu!”...

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 63, ngày 25/7/2016)

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.