Đây là loại tên lửa chiến lược tiến công của Trung Quốc gây nên sự chú ý của dư luận quốc tế. Rốt cuộc kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc mạnh đến mức nào?. Số lượng do báo chí Trung Quốc công bố mới đây đã khiến phương Tây bất ngờ.
Theo đó, để bảo đảm cho sự “trỗi dậy hòa bình”, quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc phải duy trì ở vị trí thứ 3, tức chỉ ở sau tập đoàn Mỹ, Nga và ở trên tập đoàn Anh, Pháp.
Mối lo ngại của các nước
Cứ mỗi lần xuất hiện, DF-41 lại trở thành đối tượng phân tích của các cơ quan tình báo phương Tây. Hệ thống DF-41 có hai loại: Một loại cố định phóng từ giếng và loại cơ động trên xa lộ - loại mới xuất hiện.
Theo trang diễn đàn quân sự Tiexue (Thiết Huyết) của Trung Quốc, DF-41 được vận chuyển bởi loại xe việt dã hạng nặng SX-4320 do Nhà máy chế tạo xe đặc chủng Thiểm Tây sản xuất. Tổ hợp DF-41 kiểu xe kéo này đa chức năng kiểu “2 trong 1”:
Cơ động và phóng. Bình thường tên lửa được bảo quản trong thùng chứa sau xe, được đảm bảo ổn định và tuyệt đối an toàn trong khi cơ động với tốc độ cao. Khi phóng, máy nâng thủy lực sẽ mở khoang chứa ra hai bên, đẩy tên lửa dựng đứng theo góc 90 độ và tác xạ tại bất cứ điểm dừng nào.
Người Mỹ rất quan tâm đến loại tên lửa chiến lược này, cho rằng sự xuất hiện của nó đã lần đầu tiên cho thấy Trung Quốc có khả năng tấn công hạt nhân lần thứ hai đối với Mỹ - tức là dù sau đòn tấn công phủ đầu hạt nhân của Mỹ thì theo lý thuyết, các bệ phóng cố định đều bị tiêu diệt, chỉ có các loại bệ phóng cơ động mới có thể sống sót để giáng trả.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp công khai các hệ thống tên lửa chiến lược tầm trung và tầm xa (tên lửa vượt đại châu) như DF-21D, DF-25, DF-26, khiến kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc lâu nay vẫn đầy bí ẩn nay lần lượt lộ diện trước con mắt cộng đồng quốc tế.
Mỹ và Nhật là các quốc gia từ lâu nay luôn chỉ trích chính sách hạt nhân của người Trung Quốc không minh bạch, yêu cầu Trung Quốc chủ động công khai lực lượng hạt nhân, tăng cường minh bạch thêm.
DF-5B tham gia diễu binh |
Các nước luôn rất quan tâm đến kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Ngay từ thời kỳ chiến tranh Lạnh, các nước đã không ngừng sử dụng các thủ đoạn để trinh sát; trong đó, Mỹ đã dùng máy bay trinh sát cao không liên tục bay do thám vũ khí hạt nhân của Trung Quốc trong suốt 20 năm. Để nắm được năng lực hạt nhân của Trung Quốc, mấy chục máy bay do thám của Mỹ đã bị rơi trên đất Trung Quốc.
Sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, mặc dù năm 1996 Trung Quốc tuyên bố chấm dứt các vụ thử hạt nhân, nhưng phương Tây luôn giữ thái độ hoài nghi. Họ cho rằng lực lượng hạt nhân đầy bí ẩn của Trung Quốc là mối đe dọa cho sự ổn định của hòa bình thế giới.
Người Nhật chung mối quan tâm như Mỹ, nhiều “du khách” Nhật liên tục được phái đến vùng bồn địa miền Tây Trung Quốc để “du lịch”, phía Trung Quốc cho biết cơ quan an ninh của họ đã bắt hơn 10 trường hợp điệp viên Nhật núp bóng du khách để thu thập tình báo về vũ khí hạt nhân.
Trước đây, phía Mỹ cho rằng “lực lượng hạt nhân tối thiểu của Trung Quốc cũng có ít nhất 300 đầu đạn hạt nhân, còn số tên lửa chiến lược tầm xa loại có thể đưa đầu đạn hạt nhân đến lục địa Mỹ có khoảng 30 quả, một số trong đó là loại tên lửa vượt đại châu loại dùng nhiên liệu lỏng cũ kĩ”.
Tuy nhiên, đáp án khiến mọi người giật mình: Trung Quốc hiện có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân với 200 tên lửa chiến lược vượt đại châu, vượt xa tính toán trước đây của phương Tây.
Cân bằng và đối phó
Để cân bằng và đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, ngay từ năm 1953, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai nghiên cứu về động lực hạt nhân.
Tháng 6/1959, Trung Quốc cho xây dựng căn cứ thí nghiệm hạt nhân ở khu vực Lop Nur (hay La Bố Bạc) nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag thuộc phía Đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương; mặt khác lôi kéo, mời nhà khoa học vật lý hạt nhân Đặng Gia Tiên du học ở Mỹ về nước để lãnh đạo một đội ngũ kỹ thuật hạt nhân.
Một mặt họ tích cực nghiên cứu các tài liệu về hạt nhân do Liên Xô cung cấp hồi năm 1950; mặt khác, với sự viện trợ của Liên Xô, bắt đầu xây dựng lò phản ứng đầu tiên cùng các thiết bị liên quan.
Tuy nhiên, sau đó do quan hệ giữa Trung Quốc với Liên Xô dần trở nên lạnh nhạt, tháng 6/1959, Liên Xô bắt đầu đình chỉ kế hoạch viện trợ Trung Quốc nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân.
Dongfeng-15B |
Đến năm 1960 thì Liên Xô bắt đầu rút chuyên gia, kỹ thuật viên hạt nhân khỏi Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc quay sang nghiên cứu phát triển kỹ thuật chế tạo bom nguyên tử loại đơn giản bằng cách làm giàu Urani (Enriched Uranium). Điều đó có nghĩa là rất khó khăn trong việc xử lý chất thải hạt nhân và chất phóng xạ sau vụ nổ.
Ngày 16/10/1964, Trung Quốc cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên tại bãi thử Lop Nur có uy lực khoảng 22 kiloton (KT) TNT. 2 năm sau đó, Trung Quốc căn cứ theo mẫu của Liên Xô phát triển được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên.
Đến năm 1967 thì Trung Quốc thử nghiệm nổ thành công quả bom khinh khí (Hydro) đầu tiên với đương lượng nổ 1 triệu tấn (1MT) TNT, khiến Trung Quốc trở thành quốc gia thành công trong việc phát triển bom nguyên tử thành bom Hydro với thời gian ngắn nhất.
Đến thời kỳ sau năm 1980, Trung Quốc bắt đầu tập trung vào kỹ thuật thu nhỏ kích thước đầu đạn hạt nhân và đã đạt những thành tựu nhất định; người Mỹ thì nghi ngờ, cho rằng Trung Quốc đã bí mật mua hoặc đánh cắp được bản thiết kế đầu đạn W88 và kỹ thuật tên lửa của họ, tuy nhiên Trung Quốc ra sức bác bỏ điều này.
Còn xa sự thật…
Mặc dù năm 1992, Trung Quốc đã ký “Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân” và trở thành quốc gia thừa nhận có vũ khí hạt nhân, nhưng mãi đến năm 1996, sau khi đặt bút ký “Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân” họ mới chấm dứt các vụ thử hạt nhân. Trong khoảng thời gian trước khi chấm dứt, Trung Quốc đã tiến hành tới 45 vụ thử hạt nhân.
Sơ đồ tầm bắn của một số loại tên lửa chiến lược Trung Quốc |
Trong thời gian này, đánh giá của Mỹ về lực lượng hạt nhân Trung Quốc cũng rất khác nhau. Ví dụ trong báo cáo năm 1984, Cục Tình báo quốc phòng Mỹ (Defense Intelligence Agency – DIA) cho rằng Trung Quốc có khoảng 150-160 đầu đạn hạt nhân, nhưng tài liệu của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ năm 1993 lại nhận định lực lượng tên lửa hạt nhân chủ yếu của Trung Quốc chỉ có 60-70 quả.
Còn báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Thụy Điển (SIPRI) năm 2015 thì Trung Quốc có 260 đầu đạn hạt nhân, tăng thêm 10 so với 2010. Trong buổi nói chuyện với giới chức quốc phòng và nhà báo Mỹ tại Washington vào tháng 12/2012, tướng Viktor Esin, cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược quân đội Nga (hiện là Giáo sư Học viện Quân sự Nga) nói rằng, Trung Quốc có thể có đến 850 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng phóng trong khi số còn lại được giấu trong các kho ngầm.
Ước lượng Trung Quốc có khoảng 1.600-1.800 đầu đạn hạt nhân, tướng Viktor Esin còn cho biết, Nga tỏ ra lo ngại trước tiềm lực hạt nhân Trung Quốc đến mức Moscow có thể sẽ xét đến việc hủy hiệp ước sức mạnh hạt nhân (INF) ký với Mỹ năm 1987, nếu Bắc Kinh tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân theo đà hiện nay.
Còn theo một bài báo đăng trên mạng Sina thì: “Về số lượng cụ thể đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc, quốc tế đều không biết, ngay tuyệt đại đa số quân nhân Trung Quốc cũng không thể biết. Các nhân sĩ bảo thủ nhất của phương Tây thì dự đoán Trung Quốc có ít nhất 2.400 đầu đạn hạt nhân, thậm chí một số quốc gia tính toán Trung Quốc có ít nhất 5.000, nhưng có một tạp chí trong nước Trung Quốc lại nói hiện Trung Quốc chỉ có… 16 đầu đạn hạt nhân.
Vì vậy, số lượng cụ thể chúng ta không thể biết, nhưng có thể khẳng định rằng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu chiến lược của quốc gia. Mọi người không nên nghi ngờ điều đó”…
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 61, ngày 11/7/2016)
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu