Cũng trong cuộc tọa đàm này, ông Sơn đã có những phân tích sâu sắc về thực tế đáng báo động nêu trên.
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc bạo hành cũng như giải quyết mâu thuẫn giữa anh em, vợ chồng… trong gia đình liên tiếp xảy ra, gây nên những vụ án mạng. Ông đánh giá, chia sẻ như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
- Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, trong năm 2018 có khoảng 20 ngàn vụ bạo lực gia đình, trong đó cứ 2-3 ngày có 1 người chết vì bạo lực gia đình, phần đông nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Những vụ bạo lực gia đình thời gian vừa qua cũng muôn hình muôn vẻ, là thực trạng đáng buồn, đáng báo động. Chúng ta nghĩ rằng gia đình là tổ ấm, là tế bào của xã hội, nơi mà khi gặp bất kỳ khó khăn gì, chúng ta luôn có thể hướng về. Nhưng khi nơi mà ta hướng về đó lại không phải là nơi an bình, không phải là nơi hạnh phúc nữa, thì đó là điều rất đáng buồn. Những vấn đề của gia đình phần nào đang phản ánh vấn đề của xã hội mà chúng ta cần phải giải quyết bắt đầu từ gia đình.
Sự phân hóa giàu - nghèo cũng được nhìn nhận là một nguyên nhân làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội. Những vụ việc nói trên cũng phản ánh một sự thực là những mối quan hệ xã hội, gia đình đang bị tác động mạnh, có biểu hiện của sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức cá nhân. Ông có những chia sẻ gì về vấn đề này, thưa ông Sơn?
- Ngoài nguyên nhân suy thoái đạo đức, suy thoái văn hóa, còn có những câu chuyện bị yếu tố kinh tế tác động.
Ví dụ trước đây gia đình chúng ta khác, bây giờ gia đình chúng ta khác, mỗi giai đoạn khác nhau của gia đình sẽ tác động đến văn hóa gia đình, tác động đến tâm lý, ý thức của các thành viên trong gia đình.
Trước đây giáo dục văn hóa trong gia đình được mở rộng từ ông bà, cô chú, văn hóa gia đình được truyền từ đời này sang đời khác một cách tương đối yên bình.
Ngày nay nhu cầu kiếm sống, nhu cầu về kinh tế quá lớn, dẫn đến hiện tượng bố mẹ đều lao vào việc kiếm tiền, thời gian dành cho công việc, dành cho nghề nghiệp chiếm phần lớn hơn thời gian để giáo dục con cái. Gia đình mở rộng thu hẹp thành gia đình hạt nhân dẫn đến nhiều hiện tượng con cái bơ vơ, giáo dục trong gia đình bị xem nhẹ, hay là yếu tố tác động của các phương tiện truyền thông mới hoặc những yếu tố tác động khác khiến cho văn hóa gia đình của chúng ta bị hẫng hụt.
Khi văn hóa gia đình mất đi những yếu tố giáo dục truyền thống tốt đẹp hay vai trò làm gương của bố, mẹ, dẫn đến người con bị lạc lối trong chính gia đình của mình. Khi mất định hướng ngay trong chính gia đình của mình, niềm tin, giá trị bị lung lay sẽ dẫn đến hậu quả. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội, từ yếu tố kinh tế, văn hóa, giáo dục... với gia đình trong thời gian vừa qua rất rõ những sự rối loạn, dẫn đến những hiện tượng mà chúng ta đã thấy.
Nếu những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội giảm bớt đi, những yếu tố tốt đẹp trong gia đình được phát triển tốt hơn, tôi nghĩ rằng những hiện tượng tiêu cực sẽ giảm.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn |
Nhiều biểu hiện của đạo đức, văn hóa, phù hợp và chưa phù hợp được lan truyền nhanh qua mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, khiến sự mâu thuẫn về quan điểm sống giữa các thế hệ ngày càng lớn, rất dễ dẫn đến những xung đột. Các cơ chế quản lý, pháp luật có những quy định như thế nào để định hướng con người hướng đến giá trị đạo đức tốt đẹp?
- Bối cảnh giá trị đạo đức hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức. Tôi nhấn mạnh những thách thức về mặt giá trị trong xã hội. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã nói, chúng ta đang sống trong một giai đoạn chuyển đổi. Điều này sẽ tạo nên các giá trị đạo đức mới trong khi giá trị đạo đức cũ chưa mất hẳn. Điều này dễ dẫn đến một giai đoạn chúng ta bơ vơ, bỡ ngỡ do chưa biết đi theo giá trị nào. Khi các định hướng về giá trị vốn để định hướng con người trong cách sống, suy nghĩ, cách làm việc… lại không được định hình rõ dẫn đến rối loạn ở trong xã hội nhất định.
Thứ hai, có một phần lỗi của truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới là những điều rất mới mẻ đối với xã hội chúng ta, khác rất nhiều so với phương tiện truyền thông cũ. Có nhiều cách để xử lý với phương tiện truyền thông cũ nhưng với các phương tiện truyền thông mới, chúng ta là những người mới. Không chỉ với nước ta, các nước trên thế giới cũng đang đối mặt với câu chuyện làm thế nào để xử lý được vấn đề liên quan đến truyền thông mới. Những phương tiện truyền thông mới có nhiều mặt tiêu cực, chẳng hạn hiện tượng “Khá Bảnh”.
Những điều tốt chưa hẳn sẽ lan truyền nhanh trong khi thực tế chúng ta thấy rất nhiều điều xấu lan truyền nhanh hơn. Nhưng trong bối cảnh xã hội trước đây, chúng ta có thể khống chế, kiểm soát được những thông tin xấu và đưa ra được những giải pháp tốt.
Còn ngày nay, trong bối cảnh tất cả mọi người đều có thể trở thành… “nhà báo”, tất cả mọi người đều có thể đưa tin, các cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông cũ nếu không khéo thì việc phê phán đối với hành vi, hành động phản cảm là việc tiếp tay cho trò phản cảm đó.
Thứ ba, luật pháp rất quan trọng, nhưng chỉ luật pháp thôi chưa đủ. Có những điều luật rất phù hợp với các nước phương Tây, nhưng ở Việt Nam chưa chắc đã phù hợp.
Chúng ta đang bàn về gia đình, trong văn hóa gia đình của chúng ta, cách chúng ta chiều dạy con, chăm sóc con rất khác so với xã hội phương Tây. Ở Việt Nam ứng xử theo kiểu “Yêu cho roi cho vọt”, ở phương Tây nếu áp dụng theo cách này, chúng ta sẽ vi phạm luật.
Trong thực thi luật pháp, nhiều khi chế tài không đủ mạnh dẫn đến luật pháp trở thành “một điều hài hước” như xử lý những vụ quấy rối tình dục chỉ phạt 200 ngàn đồng.
Tình trạng “nhờn luật” với các hành vi vi phạm trong gia đình có rất nhiều, lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng không bị xử phạt, dẫn đến vi phạm trở nên phổ biến.
Tất nhiên vẫn còn nhiều nguyên nhân, nhưng tôi thấy đang tồn tại các vấn đề trên, từ đó chúng ta phải đưa ra được các giải pháp đồng bộ, không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, giải pháp phải xuất phát từ gia đình, xã hội, các đoàn thể xã hội, kinh tế, pháp luật… Chỉ khi các giải pháp được thực hiện đồng bộ, kiểm tra giám sát, thì mới hy vọng những bất cập trên được giải quyết sớm.
Xin cảm ơn ông!
* Chuyên gia tội phạm lý giải thực tế trên và đề ra những biện pháp ra sao? PLVN sẽ phản ánh trên số báo sau.