Có thể chuyển đổi để nâng cao tính chuyên nghiệp
Để nâng cao hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật (TVPL), Bộ Tư pháp đề xuất hai phương hướng. Thứ nhất, cải tiến mô hình tổ chức của các Trung tâm TVPL cho linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với đặc thù vùng, miền; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tư vấn cho người thực hiện TVPL; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đảm bảo hoạt động của các Trung tâm TVPL là phi lợi nhuận, lấy thu bù chi; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về TVPL.
Đối với các mô hình TVPL không phù hợp với quy định của Nghị định 77 (như mô hình Văn phòng TVPL công đoàn, mô hình Trung tâm TVPL đa chức năng (ngoài chức năng TVPL còn thực hiện các chức năng khác như đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn để thu lợi nhuận, tư vấn, hỗ trợ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài...) thì chấm dứt hoạt động.
Xu hướng thứ hai, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh mới, cần xem xét chuyển đổi các Trung tâm TVPL thành các tổ chức hành nghề luật sư với lộ trình phù hợp. Điểm mạnh của xu hướng này là hoạt động TVPL sẽ được nâng cao một bước về chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp do được thực hiện bởi đội ngũ luật sư được đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề.
Tuy nhiên, xu hướng này sẽ nảy sinh một số khó khăn, bất cập bởi vì tiêu chuẩn TVPL và luật sư còn có khoảng cách nhất định, quy mô và mức độ chuyên nghiệp cũng khác nhau. Hơn nữa, phí dịch vụ pháp lý của luật sư rất cao, hạn chế khả năng tiếp cận công lý của người dân. Vì vậy, việc điều chỉnh pháp luật đối với lĩnh vực TVPL cần được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện ở tầm hiệu lực cao hơn Nghị định của Chính phủ.
Đề xuất tổng rà soát
Từ hoạt động của mình, Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị: Tổ chức chủ quản cần thực hiện tổng rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Trung tâm TVPL để xem xét, quyết định duy trì và phát triển các Trung tâm TVPL đối với Trung tâm hoạt động hiệu quả và chấm dứt hoạt động đối với Trung tâm hoạt động không hiệu quả.
Đối với các Trung tâm TVPL của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp hoạt động mang tính xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận và hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều cho tổ chức chủ quản, cần được quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động nhằm thu hút được nguồn nhân lực tham gia hoạt động TVPL; cần nghiên cứu các chế độ chính sách đối với loại hình này (như miễn thuế).
Bên cạnh các trung tâm hoạt động không hiệu quả, thực tế ở nhiều địa phương, Trung tâm TVPL khá tốt yêu cầu của người dân, đặc biệt là các tỉnh có số lượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài nhiều. Từ thực tế hoạt động của Trung tâm TVPL của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP.Hải Phòng, Phó Giám đốc Trung tâm TVPL Mai Thị Nhung cho rằng, với điều kiện hiện nay của Hội LHPN Hải Phòng, để thành lập thêm một Trung tâm TVPL, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài sẽ rất khó khăn, trong khi đó Trung tâm TVPL Hội LHPN Hải Phòng vẫn đang thực hiện tốt chức năng, tư vấn các lĩnh vực về hôn nhân gia đình (mỗi năm tư vấn cho hàng nghìn trường hợp).
Vì vậy, việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ và đổi tên Trung tâm TVPL - Hội LHPN TP thành Trung tâm TVPL và hỗ trợ hôn nhân và gia đình - Hội LHPN TP là phù hợp, thiết thực; đảm bảo thực hiện đúng các qui định của pháp luật, đồng thời góp phần tinh gọn bộ máy tổ chức, không chồng lấn các chức năng, nhiệm vụ.
Đại diện Hội LHPN Việt Nam cũng cho rằng, một tỉnh không thể lập quá nhiều trung tâm mà Hội LHPN tỉnh nên trao đổi với Sở Tư pháp xem nên theo mô hình nào để vừa tinh gọn, vừa hiệu quả. “Việc chấm dứt hoạt động của trung tâm nào phải cân nhắc. Sửa đổi Nghị định 77 cũng cần linh hoạt hơn để phù hợp với mô hình các trung tâm”, đại diện này đề nghị.