Bước chân sa ngã của “ông cử” vùng biên
Anh Ngô Văn Thông (SN 1960, trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) là con trai thứ ba trong gia đình có 8 anh chị em. Dù khó khăn và nghèo đói nhưng cha mẹ vẫn tạo điều kiện cho ăn học.
Năm 1977, Thông tốt nghiệp cử nhân ngành Dược. Không chọn thành phố làm nơi lập nghiệp, Thông mang nặng tâm tư giúp người nghèo chữa bệnh nên khăn gói rời gia đình từ huyện Quỳnh Lưu lên huyện miền núi biên giới Quế Phong.
Tấm bằng cử nhân dược thuộc diện hiếm hoi nên nhanh anh chóng được nhận vào làm việc tại Công ty Dược huyện Quế Phong. Sau ít năm, Thông lập gia đình với chị Lê Thị Nhâm.
Cuộc sống ngày càng ổn định, vợ chồng dành dụm mua được đất, cất nhà. Hai đứa con một gái, một trai ra đời càng làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa, công việc cũng gặp nhiều thuận lợi do năng lực công tác của Thông khá vững.
Nhưng khi kinh tế gia đình khá giả thì cũng là lúc Thông bị bạn bè xấu lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Từ con nghiện, Thông đã trở thành một kẻ vận chuyển ma túy về xuôi cho các đầu nậu. “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, chuyến hàng đưa về xuôi bị công an bắt quả tang, Thông bị tuyên phạt 16 năm tù giam.
Từ một người lầm lỡ, anh Thông đã vượt qua mặc cảm, trở thành giám đốc một doanh nghiệp thành đạt |
“Mới vào trại, nghĩ lại việc làm của mình và những thứ mình đã đánh mất khiến tui chán nản tuyệt vọng. Sau thời gian cải tạo, vợ con cũng thường đến thăm nuôi tâm sự và động viên, cán bộ quản giáo cũng động viên và giúp đỡ nên tui đã lấy lại được thăng bằng và quyết tâm cải tạo tốt…”, anh Thông tâm sự.
Với chuyên ngành dược được đào tạo, anh được đảm nhận việc thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân trong các phân trại. Vì những cố gắng trong quá trình cải tạo, Thông được ra tù trước thời hạn 4 năm. Năm 2005 bước chân ra trại trước sự đón chào của vợ con, anh thấy ấm lòng và vững tin hơn.
Làm việc thiện để tri ân với đời
Trở về sau bản án tù, cũng không ít kẻ xấu đến lôi kéo anh trở lại xách ma túy với lợi nhuận khủng, nhưng những thứ đã đánh mất khiến anh quyết tâm không phạm sai lầm lần nữa.
Tìm hiểu được nhu cầu cần vật liệu xây dựng của bà con địa phương, Thông bàn với vợ vay mượn tiền để kinh doanh vật liệu xây dựng tại nhà riêng. Những sản phẩm đầu tiên của vợ chồng anh được người dân đón nhận nhiệt tình.
Từ một cơ sở nhỏ ban đầu, khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn, anh đã mạnh dạn mở rộng kinh doanh, đầu tư thêm máy móc, thuê thêm nhân công và sản xuất nhiều loại vật liệu xây dựng mới. Với tiêu chí làm ăn giữ chữ tín nên khách hàng đến với cửa hàng anh ngày càng đông.
Sau 10 năm khởi nghiệp, vợ chồng anh Thông, chị Nhâm đã thành lập được Công ty TNHH Thông Nhâm, với số vốn khoảng 10 tỷ đồng, chuyên về kinh doanh vật liệu xây dựng do anh Thông làm Giám đốc.
Công ty của vợ chồng anh tạo điều kiện cho 14 lao động địa phương làm việc có thu nhập ổn định. Đặc biệt, có 5 người đang làm việc tại đây từng có quá khứ lầm lỡ khi sa chân vào tù tội nhưng vẫn được vợ chồng anh tin tưởng nhận vào làm việc với mức lương 5 triệu đồng mỗi tháng.
“Bản thân mình cũng đã từng lầm lỡ như họ, bởi vậy cần phải giúp đỡ để họ hòa nhập, làm lại cuộc đời, rồi họ sẽ quay lại giúp đỡ những người lầm lỡ khác…”, anh Thông tâm sự.
Trong số những người được anh Thông giúp đỡ có anh Lô Văn Thanh, người từng mang bản án 3 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích", trở về được vợ chồng anh nhận vào làm đầu tiên. Rồi anh Lương Văn Phương, thụ án xong bản án tù 15 năm về tội "Buôn bán trái phép chất ma túy", ra trại cũng được vợ chồng anh Thông nhận vào làm việc, hiện đã lấy vợ và có cuộc sống ổn định.
“Ngày mới thành lập doanh nghiệp, thấy chúng tôi nhận những người mới ra tù vào làm việc, những đối tượng xấu không lôi kéo được anh Thông trở lại con đường ma túy đã tung tin xấu là công ty “giang hồ”, “đầu gấu”. Hai vợ chồng tôi đã dần vượt qua những khó khăn ban đầu cùng với sự giúp đỡ của địa phương để phát triển được như bây giờ”, chị Lê Thị Nhâm nhớ lại./.