Từ một truyền thuyết…
Thầy giáo Chu Văn An (sinh năm 1292-1370) quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Thuở nhỏ, Chu Văn An đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học. Lớn lên, ông thi đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung. Học trò theo học rất đông. Không chỉ dạy chữ mà ông còn chú trọng vào việc uốn nắn, dạy đạo đức làm người cho học trò.
Cảm phục tài năng, đức độ và tấm lòng tận tâm với nghề dạy học của thầy Chu, học trò khắp mọi miền về xin theo học. Trong đó, có một cậu học trò đặc biệt là con vua Thủy Tề đã cảm phục tài năng, đức độ của thầy Chu đã hóa thành một cậu bé đến xin theo học.
Tương truyền, người “học trò thủy thần” khi theo học thầy Chu Văn An đã bộc lộ sự thông minh, nhanh nhẹn và siêng năng học tập. Sáng nào, người học trò này cũng đến sớm nghe thầy giảng chăm chú. Tuy nhiên, thầy Chu cũng không rõ tông tích của người học trò này ở đâu. Khi thầy hỏi người học trò chỉ nói nhà ở mãi bên kia sông. Thầy Chu cho người dò xem người học trò này ở đâu. Nhưng điều lạ là người học trò cứ đi đến khu đầm Đại là khu đầm lớn hình vành khuyên nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung thì biến mất.
Thầy Chu biết đó là con Vua Thủy Tề. Vào năm hạn hán, nhiều tháng không có mưa, đất đai, đồng ruộng khô nẻ, sông ngòi cạn kiệt khiến người dân trong vùng không thể cấy cày và đánh bắt cá tôm cuộc sống rơi vào cảnh khốn quẫn. Xót thương cảnh nhân dân trong vùng điêu đứng vì hạn hán, thầy Chu đã hỏi các học trò xem ai có tài làm mưa cứu hạn giúp dân.
Người học trò kỳ lạ đó đã đứng ra nói với thầy: “Con vâng lời thầy là trái mệnh Thiên đình nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay xin thầy chu toàn cho”. Nói xong, người học trò này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, rồi ngửa mặt lên trời khấn. Sau đó, người học trò lấy bút chấm mực vẩy khắp nơi. Khi vẩy gần hết mực cậu học trò đã tung cả nghiên mức, bút lên trời.
Một lúc sau mây đen kéo đến, sấm chớp đùng đùng rồi một trận mưa lớn từ trên trời ào ào đổ xuống ruộng đồng, sông, ao, hồ, đầm được giải hạn, chẳng mấy chốc đầy nước. Đêm đó, trên trời tiếng sét gầm vang.
Sáng hôm sau, thầy Chu Văn An được tin có thây thuồng luồng nổi lên trên mặt đầm. Biết đó là người học trò của đã hi sinh vì dân mà bị trời phạt thầy Chu khóc tiếc thương rồi sai học trò làm lễ an táng. Sau tưởng nhớ công lao về người “học trò thủy thần” có công giúp dân chống hạn, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ.
Theo truyền thuyết, nghiên mực mà người học trò tung lên trời rời xuống biến thành một đầm nước lúc nào cũng đen nên được gọi là đầm mực. Quản bút rời xuống làng Tả Thanh Oai (nay là vùng ngoại thành Hà Nội) từ đó nơi đây trở thành đất học, đất văn chương, sản sinh nhiều nhân tài văn học cho đất nước như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm…
Hiện trong đền thờ thần còn đôi câu đối ghi lại sự tích này: “Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi thiên tự thuận/Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp địa phồn khô”. Nghĩa là: “Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công trời thuận theo lẽ phải/Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng đội nước, đất nẻ trổ mùa hoa”.
Tượng Thầy giáo Chu Văn An tại Văn miếu Quốc Tử Giám |
Câu chuyện về người “học trò thủy thần” tuy chỉ mang tính truyền thuyết, cậu bé “học trò thủy thần” vì cảm ơn nghĩa dạy dỗ và tấm lòng thương dân của thầy Chu Văn An mà đã nhận hi sinh, chấp nhận sự trừng phạt của thiên đình để làm mưa giải hạn hán cho nhân dân bá tính, nhưng qua đó nói lên nhân cách, đức độ của thầy giáo Chu Văn An có sức lay động, cảm hóa được cả thủy thần.
Đến một bộ phim
Ra đời năm 1990, bộ phim “Học trò thủy thần” của nền điện ảnh Việt Nam được liệt kê vào danh sách phim thời phong kiến Việt Nam hay nhất dựa vào mức độ tìm kiếm phổ biến trên Google và được khán giả yêu thích, có rating từ 5.8/10 trở lên. Với nhiều người, bộ phim “Học trò thủy thần” đã trở thành một ký ức không thể nào quên của tuổi thơ.
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm ngoái, PGS.TS Toán học Chu Cẩm Thơ – một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes công bố đã có bài viết rất thú vị về bộ phim này bởi theo cô nội dung phim gần gũi với bối cảnh gia đình cô một gia đình có nhiều người làm nghề giáo.
“Năm đó tôi khoảng 10 tuổi, những thông tin được đón chờ nhất trong dịp Tết Nguyên đán chính là chương trình phim Tết của truyền hình. Trong cái lạnh se sắt lại thêm mưa phùn, những đứa trẻ như tôi háo hức đếm lì xì và xem phim với đôi mắt dán vào màn hình và cái miệng mở tròn như muốn nói theo những gì nghe thấy. Bữa ấy, là lần đầu chúng tôi được xem phim “Học trò thủy thần”, phim thần thoại về người thầy vĩ đại của dân tộc - thầy Chu Văn An.
Bố tôi giảng giải cho tôi và các chị em những chi tiết, những lễ nghi, những quy định, luật lệ… được xuất hiện trong phim mà đa phần lạ lẫm với chúng tôi. Bố nói về “sự kính thầy”, về cái khát khao đi học để “làm người”, để trở nên hiểu biết. Đấy cũng là lần đầu tôi xâu chuỗi lại những gì mình biết, những gì đang diễn ra xung quanh tôi về chuyện “Tết thầy”.
Trong nhà tôi, Ngày Nhà giáo Việt Nam là một ngày vui nhất. Học trò cũ, học trò hiện tại của mẹ tôi sẽ đến đầy ắp nhà. Đôi khi các anh chị phải xếp hàng để đến lượt mình bước chân vào căn phòng rất chật chội của chúng tôi. Nhưng bố mẹ tôi thì thường đi Tết thầy, nhớ đến thầy vào đúng dịp Tết cổ truyền. Bố mẹ tôi nhắc “Mùng một tết Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng ba tết Thầy”.
Bố nói rằng, thầy được biết ơn, được kính trọng như cha mẹ vậy. Người mang đến trí tuệ, đến tầm hiểu biết cho mình là thầy mình. Mà biết ơn, mà kính trọng được thể hiện bằng cách nhớ về, bằng cách kính dâng những gì tốt đẹp nhất. Thỉnh thoảng bố nhắc lại tục xưa rằng nhà nuôi gà, gói bánh… để chuẩn bị Tết thầy. Còn khi chúng tôi lớn lên, bố mẹ cũng vẫn thường chuẩn bị cho chúng tôi quà đến biếu thầy cô của tôi rất trân trọng.
Trong lúc xem phim ấy, tôi vẫn nhớ bố nói: “Trong một đời người thì có nhiều người dạy mình, xứng đáng làm thầy của mình, khó mà kể hết được. Trong đời thầy giáo, cũng có biết bao nhiêu học trò, nhưng ai coi là thầy thì sẽ có khắc tự tìm về. Làm thầy tốt thì vẫn có “Tết mùng ba” với ý rằng, dù trò có đi đến đâu thì trò cũng sẽ nhớ về thầy như thế là có Tết. Gần ba chục năm sau, tôi được làm cô giáo, được đi nhiều nơi, gặp gỡ trở thành học trò rồi trở thành thầy của nhiều người. Tôi thấy dù ở bất cứ đâu, những tình cảm thầy trò đều vô cùng tốt đẹp.
Món quà tôi luôn nhớ là lúc đi thực tập. Khi đó, tôi trở về trường cũ của mình và dạy một lớp bán công. Những đứa trẻ ấy đã cho tôi biết bao bài học, quý giá hơn bất kì điều gì, khiến cho tôi thay đổi định hướng nghiên cứu của mình. Từ đó, tôi tập trung cho những đứa trẻ “sợ” và “dốt” toán. Chúng nói tôi đã mang cho chúng những kì tích, khi lần đầu biết làm toán và tự tin lên bảng… Khi viết bài này, tôi xem lại bộ phim “Học trò thủy thần”.
Người học trò đó có thể không có thật. Nhưng tình cảm dành cho thầy Chu Văn An, triết lí về việc dạy của thầy là có thật, nó còn lưu truyền đến tận bây giờ. Những người thầy còn trẻ như tôi sẽ nghiên cứu, giảng dạy và nói rằng truyền thống cần được lưu giữ, ngấm vào máu và thành văn hóa con người để nâng niu. Nhưng nếu không đủ trải nghiệm thì lý trí ấy chỉ để viết trên sách vở hay đàm đạo, mà chẳng biết nó cần thể hiện thế nào. Tôi đau đáu nhất là làm thế nào để mình thực sự có “Tết thầy”…
Qua truyền thuyết “Học trò thủy thần”, rồi bộ phim cùng tên và bài viết của PGS.TS Chu Cẩm Thơ có thể thấy với mỗi người thầy chân chính với sự nghiệp dạy người của mình, luôn nặng lòng không phải để cố giữ một ngày “Tết thầy” theo nghĩa đen, mà làm sao để thật có cái “Tết thầy” trong lòng mỗi học trò. Cứ nhân cách, đức độ, cứ hết lòng, cứ nhớ về, cứ sum vầy trong biết ơn là có Tết cho Thầy.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu