Sản phụ mất con uất ức trách kíp trực vô cảm

Bệnh viện vẫn chưa có trả lời thỏa đáng những thắc mắc gia đình nạn nhân
Bệnh viện vẫn chưa có trả lời thỏa đáng những thắc mắc gia đình nạn nhân
(PLO) - Trước dấu hiệu sản phụ không ổn về sức khỏe, người nhà năn nỉ bác sỹ cho sinh mổ hoặc cho chuyển lên bệnh viện tuyến trên, nhưng bị la mắng và thẳng thừng từ chối. Sau khi lọt lòng mẹ vào khuya ngày 11/6/2014, bé gái ngạt nặng, được chuyển đến Bệnh viện TW Huế cấp cứu, nhưng không thoát khỏi lưỡi hái tử thần. 

Bức xúc vì cho rằng bác sỹ Phan Nguyễn Huỳnh Châu (Bệnh viện Giao thông Vận tải Huế) và kíp trực thiếu trách nhiệm dẫn đến cái chết của cháu bé con sản phụ Huỳnh Thị Diệu Thảo (23 tuổi, ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), gia đình có đơn yêu cầu làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm. Gần một tháng trôi qua nhưng vẫn chưa có kết luận.

Giám đốc bệnh viện “mong các nhà báo thông cảm”

Trước cái chết thương tâm của trẻ sơ sinh con chị Thảo, nhiều phóng viên gọi điện thoại vào số máy di động của ông Lý Văn Thắng, Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải Huế để đăng ký xác minh sự việc, nhưng ông Thắng không nghe máy. Gọi điện thoại cho bà Châu xác minh thông tin, bà này cũng từ chối trả lời báo chí. Tới bệnh viện, mới được Trưởng phòng tổ chức hành chính cho biết, Sở Y tế (được ủy quyền của Bộ Y tế) và Cục Y tế Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bệnh viện TW Huế đã đến điều tra nguyên nhân và “khi nào nhận được kết luận, sẽ thông tin đến báo chí”.

Tại cuộc họp báo sau đó, Giám đốc bệnh viện cho biết, nguyên nhân khiến cháu bé tử vong là do dây rốn (nhau) quấn cổ và dây rốn bị xoắn, dẫn đến thiếu máu, thiếu ô xi, ngạt nặng. Lỗi của bác sỹ Châu và kíp trực là không tiên lượng được điều này. Bác sỹ Châu và kíp trực còn có lỗi không tư vấn chu đáo cho sản phụ và người nhà biết về thủ tục chuyển viện theo yêu cầu của bệnh nhân (chỉ được hưởng 30% bảo hiểm y tế) để họ có quyền quyết định. 
Tuy nhiên, ông Thắng lại nói, đây là sự cố ngoài ý muốn (không tiên lượng được dây rốn bị xoắn). Trường hợp này rất hiếm gặp và siêu âm (kể cả bệnh viện tuyến trên) cũng khó phát hiện được. Với những lỗi đó, kíp trực bị kỷ luật khiển trách, bị cắt ba tháng lương tăng thêm. Về phía bệnh viện cũng xin “rút kinh nghiệm, nâng cao”, gần cuối buổi họp báo, sau nhiều câu hỏi truy vấn, mới biết đây mới là các kết luận của bệnh viện dựa vào biên bản làm việc giữa các cơ quan chứ chưa phải là kết luận bằng văn bản của cấp trên. Và hình thức kỷ luật đối với kíp trực cũng do Hội đồng bệnh viện đưa ra. 
Nếu như vậy, tại sao bệnh viện không đưa thông tin này ra ngay sau khi có kết luận của Hội đồng bệnh viện, mà phải “câu giờ” đến lúc họp báo? Có khách quan không khi bệnh viện “vừa đá bóng vừa thổi còi”? Tại cuộc họp báo, ông Thắng nói: “Sự việc trên xảy ra ngoài ý muốn. Về phía bệnh viện rất mong các nhà báo hết sức thông cảm cho chúng tôi…Tôi xin hứa rút kinh nghiệm và tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao y đức”.
Kết thúc buổi họp báo, PV vừa ra đến cổng bệnh viện, gia đình chị Thảo đã chờ ở ngoài để tiếp tục bày tỏ bức xúc. Anh Lê Văn Tùng, cha của bé gái tử vong kể, suốt thời gian dài vợ nằm điều trị để phục hồi sức khỏe, gia đình phải “bưng bít”, không cho biết con gái đã câm lặng dưới nấm mồ lạnh lẽo, vì sợ người mẹ trẻ sốc quá mà “đi” theo con. Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra, huống hồ một mất mát động trời đến vậy. 
Khi biết sự thật, người mẹ trẻ ngất xỉu, tỉnh lại như người điên loạn, bất chấp tình trạng sức khỏe của mình, bất chấp sự can ngăn của người thân, bắt taxi đến Công an TP Huế yêu cầu điều tra rõ nguyên nhân khiến con chị phải thiệt mạng. Mấy anh công an phải động viên, dỗ dành Thảo như dỗ dành đứa trẻ, cô mới chịu để đưa trở lại bệnh viện.

Người mẹ hỏi “trời” vì sao con chết  

Ngày 4/7/2014, trong cái nắng trưa gay gắt, chúng tôi tìm về nhà anh Tùng ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Có đông đủ bà nội, cha mẹ chồng và chồng chị Thảo, nhưng không khí quạnh hiu, buồn bã. Mặt mũi ai nấy đều u uất. Chồng Thảo cho hay, vợ mình đang tịnh dưỡng tại nhà mẹ ruột. Anh phải chạy qua chạy lại, hết động viên vợ, lại động viên bà nội đã già yếu, sau cú sốc sức khỏe càng yếu hơn. Bà nội chị Thảo vừa tấm tức khóc, vừa nói: “Mấy cô chú đến gặp cháu dâu tui đi, cho nó được nói lên mọi điều uất ức trong lòng”. Chúng tôi theo anh Tùng ngược nắng, ngược chặng đường 20 km, đến nhà mẹ ruột chị Thảo ở thị xã Hương Trà.

Chị Thảo không thể ngồi dậy được, nằm như bất động, mặt đờ đẫn chất chứa một nỗi đau quá sức chịu đựng. Mấy phút trôi qua, nước mắt nối nhau lặng lẽ, làm nhạt nhòa gương mặt nhợt nhạt, chiếc gối loang lổ. Mẹ chị ngồi cạnh con ảo não: “Từ khi về nhà đến giờ con tui chẳng ăn uống được gì cả. Mỗi bữa chỉ một chút cháo. Thỉnh thoảng nó lại khóc la lên “trả con cho tui, trả con cho tui”.

Thật lâu sau, chị Thảo mới yếu ớt kể lại, hôm sinh con, đã cảm thấy rất mệt, nhưng vẫn phải đứng ngoài hành lang, chưa được vào phòng sinh. Gọi hộ sinh Hồng và bác sỹ Châu để xin được khám thì sản phụ bị la mắng. “Họ nói chưa đẻ mô mà cứ đòi khám. Răng cứ thích leo lên (bàn để nằm khám) leo xuống mãi rứa?”. Thảo kể, cô Hồng còn liên tục nhục mạ, xúc phạm, đi kể khắp phòng rằng Thảo làm nũng chồng, làm bộ làm tịch chứ đau chi mà đau, sau đó đuổi người thân đi hết, để cô trơ trọi một mình.

Khi gia đình sản phụ năn nỉ được sinh mổ hoặc chuyển viện thì lại bị bác sỹ Châu la mắng và đảm bảo đẻ thường được. Gia đình thấy bác sỹ “dữ” như vậy thì đành chịu. Mỗi lần sản phụ lên cơn đau quặn thắt, người nhà lại xin khám khiến hộ sinh Hồng bực bội, la mắng. Đến lúc vào được phòng sinh rồi, sản phụ vẫn không hết lo lắng vì hộ sinh Hồng (đang mang bầu) đến chiếc ghế trong phòng sinh nằm, còn bác sỹ Châu thì ngồi nói chuyện phiếm với đồng nghiệp. Lúc lâu sau mới giở bệnh án của bệnh nhân ra xem. 
Lúc này, bác sĩ Châu mới nói “té ra con bé ni bị bệnh thiếu máu nữa. Thảo đau bụng, bắt rặn, nhưng không có ai đỡ cho cô cả. Đến lúc sản phụ nói đau quá chịu không nổi, cô Châu mới đến xem. “Em nói đau quá cô ơi, cô cho em đẻ. Lúc này cô Châu mới nói, em đẻ đi, chừ cô cho em đẻ đó. Em nghe cô Châu nói, té đầu em bé to ri à. Đầu em bé tòi ra ngang mũi, cô không hỗ trợ chi hết mà nói, nhanh lên, cái mũi con em cao lắm, cố gắng rặn đi, không cái mũi em bé gãy chừ”, sản phụ thuật lại.

Nghe bác sĩ nói vậy, sợ mũi con gãy, nên sản phụ cố sức rặn. Tới hơi thứ hai, bác sĩ  mới đưa tay vào đỡ đẻ. Thảo thấy con lọt ra, nhưng không khóc. “Cô Châu quấn đứa bé vào cái khăn rồi đập (vỗ). Em thấy đầu em bé lắc qua lắc về chứ không có phản ứng chi hết. Em lo lắng hỏi, con em có việc chi không rứa. Cô nói, con em hơi yếu chút thôi, em yên tâm đi. Lúc sau em thấy mấy cô chạy tìm bình ô xy và sau đó đưa con em qua Bệnh viện Trung ương Huế”, sản phụ nhớ lại.

Kẻ đến đây chị Thảo nghẹn ngào, kéo chiếc khăn trên ngực lên che kín mặt, chừng muốn đè nén nỗi đau quá lớn. Lát sau, sản phụ uất ức kể tiếp: “Đã vậy rồi mà khi em hỏi về con, cô Châu nạt (la mắng) răng em mệt (phiền phức) rứa. Em nằm đây thì cứ yên tâm mà nằm đây đi. Bên nớ (Bệnh viện Trung ương Huế) con em có rất nhiều người nhà em lo rồi. Còn cô Hồng khi nghe em hỏi “con tui mô rồi”, vừa ngoảnh đi vừa nói “điều nớ thì em hỏi chồng em, gia đình em chứ hỏi chi tui?”. Nói như rứa có nhẫn tâm không, có vô trách nhiệm không hả trời”.

Nước mắt lại tràn xuống gương mặt vàng võ. Người mẹ mất con thốt ra hỏi “trời”. Nhưng trời không thể trả lời, mà chính những người, những cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng có câu trả lời câu hỏi đau đáu của sản phụ.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.