Đảm bảo sâm thật tới tay người tiêu dùng
Phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức định kỳ từ ngày 1 đến 3 hàng tháng tại khu Trung tâm Văn hóa, Thể dục và Thể thao huyện Nam Trà My (đặt tại xã Trà Mai). Mục đích của phiên chợ là đảm bảo cho khách hàng mua đúng sâm thật, do người trồng sâm bán trực tiếp, các sản phẩm từ sâm của các doanh nghiệp có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.
Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và chỉ
xuất hiện ở Việt Nam. Loại sâm này đặc biệt quý hiếm, nó hơn cả sâm Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ và được xem là “thần dược” đối với sức khỏe con người. Hiện tại, sâm Ngọc Linh có giá từ 70 - 150 triệu đồng/kg, nhiều củ sâm lớn có giá lên đến vài trăm triệu đồng/kg.
Ðể tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho việc giao lưu, nhất là chống hàng giả tuồn vào chợ sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My đã thành lập Tổ tư vấn thẩm định chất lượng sâm Ngọc Linh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng cùng các thành viên là đại diện các cơ quan chức năng của huyện và một số ngành chức năng ở tỉnh Quảng Nam nhằm hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tham gia phiên chợ.
Ông Hồ Quang Bửu cho rằng, qua phiên chợ sâm Ngọc Linh đã giúp người trồng sâm tiếp cận được thị trường, bán sản phẩm đúng giá trị thực; còn người tiêu dùng mua được sâm Ngọc Linh thật, chất lượng.
“Tại phiên chợ, sẽ có tổ thẩm định chất lượng sâm bao gồm người trồng sâm lâu năm, người quản lý và cán bộ ban ngành để đảm bảo chất lượng sâm. Tại phiên chợ, nếu khách hàng mua phải sâm giả thì huyện sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Mà tôi đảm bảo, tại phiên chợ này, 100% là sâm Ngọc Linh thật”, ông Bửu cho biết
Ngoài ra, chợ sâm Ngọc Linh còn mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý hiếm, hàng nông sản đặc trưng miền núi Quảng Nam, góp phần quản lý chất lượng, bảo vệ thương hiệu; đưa sâm Ngọc Linh đến với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ðồng thời, đây còn là dịp du khách có điều kiện, tiếp cận, giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực với đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Nam Trà My.
Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 20 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3/5 đã thu hút trên 1.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu khoảng 4,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 55kg, thu về gần 4 tỷ đồng.
Phiên chợ lần này có 2 gian hàng trưng bày giới thiệu cây sâm Ngọc Linh do 8 hộ trồng sâm có sản phẩm sâm củ của xã Trà Linh tham gia trưng bày và bán; hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Quảng Nam như: sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu, quế Trà My…
Thời gian qua, bên cạnh vận động người dân địa phương tự bảo vệ sản phẩm sâm Ngọc Linh (ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý; đảm bảo các quy định về xuất xứ, chất lượng), chính quyền tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh, bảo tồn nguồn gen, di thực mở rộng diện tích trồng sâm. Từ chỗ vài trăm ha ban đầu, đến nay diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng lên gần 1.300ha.
Cần cơ chế phát triển
Theo ông Bửu, dù sâm Ngọc Linh nổi tiếng, song chúng ta vẫn chưa có nền công nghiệp sâm như các nước khác. Muốn có công nghiệp sâm thì phải có nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững.
“Chính phủ cần có dự án quốc gia về di thực sâm Ngọc Linh ra các vùng có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Nên đưa cây sâm vào gói tín dụng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành các cơ chế hỗ trợ thuế, đất trồng sâm”, ông Bửu kiến nghị.
Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều điều trăn trở trong việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh như: quy mô sản xuất còn nhỏ, thị trường tiêu thụ chưa hình thành rõ nét… Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực mạnh mẽ của các địa phương trên đỉnh Ngọc Linh, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực đầu tư phát triển với sứ mệnh đưa sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế, xứng danh quốc bảo của Việt Nam.
Khi đạt được các điều kiện về sản lượng, quy mô, về sự công nhận thương hiệu sâm Ngọc Linh đã vượt khỏi biên giới Việt Nam, chúng ta cần có chiến lược đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm như cách Hàn Quốc đã làm. Phổ biến hóa nhưng không có nghĩa là hạ thấp giá trị của sâm Ngọc Linh.
Thay vào đó cần định vị sâm Ngọc Linh ở phân khúc cao cấp. Chúng ta cần phải bảo hộ được giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh trên các thị trường quốc tế cũng như ở các nước. Đây là thương hiệu quốc gia Việt Nam chứ không đơn thuần là thương hiệu của một sản phẩm thuần túy hay của doanh nghiệp.
Có một văn hóa… sâm
Ở Trà Linh, mô hình Chi bộ trồng sâm đang được phát triển và mang lại hiệu quả rất cao. Mỗi đảng viên ở mỗi chi bộ thôn đều được vận động thành lập một chốt sâm, chăm sóc và phát triển, từ đó lấy nguồn lợi làm kinh phí cho các hoạt động của chi bộ.
“Mỗi người góp một vài gốc sâm, tùy theo điều kiện của mình. Ai có sâm thì góp sâm, ai không có thì quy thành tiền đóng góp rồi giao cho một người chăm sóc, bảo vệ. Từ nguồn lợi của sâm, có được kinh phí hoạt động cho từng chi bộ, không cần phải nhờ đến Nhà nước hỗ trợ nữa. Đó cũng là một hoạt động thiết thực của mỗi chi bộ”, ông Hồ Văn Thể cho biết.
Không chỉ các chi bộ mà các chi hội phụ nữ cũng đóng góp, vun trồng cây sâm quý để có nguồn kinh phí sinh hoạt. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trà Linh Hồ Thị Ghi bảo, những năm trước, phụ nữ Trà Linh rất vất vả, nhưng hiện nay các hội viên đã có cuộc sống khá hơn. Toàn xã Trà Linh có 4 thôn thì hiện nay chị em ở thôn 2 và thôn 3 đã tham gia góp cây sâm làm quỹ hội.
“Từ năm 2017, để có nguồn kinh phí sinh hoạt mỗi dịp 8/3 hay 20/10 hàng năm, chị em đã họp bàn, góp mỗi chị từ 1 đến 2 gốc sâm Ngọc Linh khoảng 2 năm tuổi để trồng làm quỹ hội. Sau khi đóng góp, các chị em đưa cây lên núi trồng và thuê người chăm sóc. Đến nay, vườn sâm của các chị đã đạt từ 2 năm tuổi trở lên, độ tuổi cây sâm ra quả. Từ những quả sâm chín, các chị mang hạt sâm ươm giống và trồng thêm hàng trăm cây sâm con”, bà Ghi cho biết.
Rồi, cách mà người dân ở đây giáo dục con cháu của mình về gìn giữ sâm Ngọc Linh cũng rất khác. Cứ mỗi đứa trẻ sinh ra, khi đến sinh nhật từ 1 đến 5 tuổi thì quà mừng là những gốc sâm tốt nhất. Tùy theo điều kiện của mỗi nhà, người nào có nhiều thì cho nhiều, có ít thì cho ít.
“Đến ngày mừng sinh nhật, đứa trẻ đó sẽ được cha mẹ dẫn lên rẫy, cầm những gốc sâm được tặng để trồng xuống rẫy, coi như đó là một món quà để sau này trưởng thành sẽ có được một số vốn làm ăn. Cũng là cách để ngay từ nhỏ nó ý thức được sâm Ngọc Linh quan trọng với đồng bào mình như thế nào, để luôn nhớ về gốc gác, về những khó khăn mà cha ông đã trải qua, để nó chăm lo phát triển sâm Ngọc Linh ngày một tốt hơn”, ông Hồ Văn Hinh cho biết.
(Còn nữa)