Nhắc đến sâm Ngọc Linh là nhắc đến những dược tính đặc biệt của dòng sâm huyền thoại gắn liền với dân tộc Xê Đăng. Nhưng những năm gần đây, nhắc đến sâm Ngọc Linh cũng là nhắc đến những nghi ngại rất lớn của người tiêu dùng về giá thành và nguồn gốc của loại sâm này.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành gần 2 năm nay khiến sức khỏe của con người được đặc biệt coi trọng, dễ nhận thấy giá sâm Ngọc Linh liên tục tăng chóng mặt nhưng nguồn gốc của sản phẩm này lại không được minh bạch như giá trị của nó.
Những điều đặc biệt làm nên huyền thoại sâm Ngọc Linh
Về bản chất, sâm Ngọc Linh cũng thuộc họ sâm Việt Nam như sâm tại một số đỉnh núi cao phía Bắc - dãy Hoàng Liên Sơn (các tỉnh Lai Châu, Lào Cai). Tuy có bộ gen giống nhau hơn 90% nhưng sâm Ngọc Linh phân bổ tại miền Trung, trên núi Ngọc Linh theo mặt Nam Trà Mi - tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Trong những lần đi tìm hiểu về sâm Ngọc Linh và trò chuyện cùng nhiều chuyên gia, tôi nhận thấy một vài đặc điểm khác biệt tạo nên điều đặc biệt của dòng sâm này.
Thứ nhất là nguồn nước, nhưng đặc điểm thứ hai quan trọng hơn là núi Ngọc Linh sở hữu nguồn vi khoáng và kim loại đặc biệt. Dãy Hoàng Liên Sơn cũng có đủ hai yếu tố đó, kèm theo là độ cao còn cao hơn núi Ngọc Linh (đỉnh Ngọc Linh chỉ cao 2800m so với đỉnh Fanxiphang cao 3542m, Tả Giàng Phìn cao 3090m, Pú Luông 2938m), trong khi độ cao thích hợp để trồng sâm Ngọc Linh là trên 1400m.
Tác giả bài viết trong một chuyến thực địa tìm hiểu về Sâm Ngọc Linh tại Nam Trà Mi. |
Điểm khác biệt là núi Ngọc Linh nằm trong vùng tiểu khí hậu khá đặc biệt khi tỉnh Quảng Nam giáp biển, mặt Nam Trà Mi hướng ra phía Đông đón gió biển mang theo hơi mặn của muối vào. Tôi cảm nhận rõ điều này vào năm 2019 trong lần khảo sát vườn Sâm của ông Du, một người Xê Đăng trồng sâm khá nổi tiếng ở huyện Nam Trà Mi.
Lúc buổi chiều xuống núi, tôi đưa tay ra cửa sổ xe lúc gió biển bắt đầu thổi vào đem theo hơi muối, mút tay thấy vị mặn rõ rệt, điều này tạo ra sự phong hóa nhanh, tạo khoáng nhanh hơn, cũng tạo nên sự trao đổi chất mạnh mẽ hơn của sâm Ngọc Linh.
Khoáng vật từ đá phong hóa lẫn với đất và hòa trong mạch nước ngầm lạnh buốt làm nên thảm thực mùn đặc biệt dưới tán rừng. Phải chăng chính nguồn “phân bón vi khoáng” tự nhiên này đã làm nên những dược tính đặc biệt, tổng hợp được ra những chất Saponin đặc biệt mà không có bất cứ loại sâm nào trên thế giới có được để làm nên huyền thoại loại sâm tốt nhất trên thế giới: Sâm Ngọc Linh?
Hành trình khôi phục sâm Ngọc Linh
Theo lời kể thì gần 30 năm trước, sâm Ngọc Linh rừng bán rẻ như bèo, bà con dân tộc Xê Đăng đào chất đống bán cho người xuôi. Họ gọi đó là “sâm Giấu”. Sau này, sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu cũng như nhiều loại dược liệu quý hiếm của Việt Nam đã phải trải qua một quá trình bị khai thác kiểu tận thu.
Cũng trong thời điểm đó, tờ An Ninh Thế Giới đã có những bài viết đầu tiên giới thiệu về sâm Ngọc Linh. Những thông tin này đã thúc đẩy nhiều chuyên gia trong ngành dược liệu lên kế hoạch bảo tồn loài sâm này.
Sâm Ngọc Linh có thể sống khỏe mạnh trong môi trường tự nhiên là kết quả nghiên cứu nhiều năm của các cán bộ của Viện Dược Liệu. |
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn (Viện Dược liệu) lúc đó là người đầu tiên ăn dầm nằm dề trên núi Ngọc Linh để nghiên cứu thu hạt và gieo trồng sâm Ngọc Linh. Sau khi nghiên cứu thành công dựa trên kinh nghiệm của đồng báo Xê Đăng họ cũng thu hạt và gieo trồng đại trà ở những vườn sâm tự nhiên được quy hoạch dưới tán rừng với những chuyên môn bằng những kiến thức khoa học được nghiên cứu và chuẩn hóa việc khôi phục lại sâm bắt đầu dễ dàng hơn.
Quá trình tiếp cận sâm Ngọc Linh, tôi nhận thấy dường như vì đỉnh Ngọc Linh ở mặt Nam Trà Mi có nhiều nước hơn do hứng gió mang theo hơi nước biển, tiếp theo là quá trình phong hóa mạnh mẽ của nguồn khoáng chất, nên củ sâm ở Nam Trà Mi có vẻ mập mạp hơn, cây sâm cũng sinh trưởng nhanh hơn. Ngược lại, sâm ở phía Kon Tum có hình dạng đanh hơn và có vị đắng hơn.
Tuy vậy thì quá trình phát triển của sâm Ngọc Linh rất chậm nên củ sâm Ngọc Linh không to như những giống sâm khác, mỗi năm phát triển chưa được 1 cm, dược chất gần như được cô đặc lại, sâm 8 tuổi mới có thể được khai thác (trong khi sâm Hàn Quốc 2 tuổi đã được khai thác thương mại). Đó cũng là điều tạo nên khác biệt về giá thành giữa sâm Ngọc Linh với các dòng sâm khác.
Tôi biết ở trên thế giới có những củ sâm nhiều tuổi, rễ phải ghim lại, cũng thuộc dạng bán tự nhiên có giá lên đến 2.000-3000 USD. Những người đam mê sâm Ngọc Linh thường ví von: “Lão ô dẫu có bách tuế cũng chẳng thể nào được bằng phượng hoàng sơ sinh”. Điều này ý nói sâm Ngọc Linh bẩm sinh đã là dòng giống “phượng hoàng”, khi sâm 8 tuổi đã tích hợp đủ dược tính của nó. Và nếu đem so với giá 2.000-3.000 USD một củ sâm nước ngoài thì cái giá khoảng 20 triệu đồng/củ sâm Ngọc Linh 8 tuổi vẫn là mức giá rẻ.
Quá trình “làm hại” sâm Ngọc Linh
Cách đây 15 năm, khi nhận ra thổ nhưỡng đặc biệt của vùng núi Ngọc Linh, những người làm chính sách đã biến núi Ngọc Linh trở thành thánh địa của các mô hình trồng sâm. Người ta đem rất nhiều giống sâm lên đây trồng, thậm chí có cả sâm nước ngoài.
Điều này tạo nên một vấn đề hết sức nghiêm trọng đó là việc thụ phấn chéo giữa các giống sâm (quá trình này trong góc độ di truyền gọi là phân ly tổ hợp) nên sâm Ngọc Linh hiện nay có khoảng trên 7 bộ gen khác nhau. Vì lẽ đó, để tìm được sâm Ngọc Linh thuần chủng hiện nay là khá khó, nếu không có một lịch sử gắn bó với cây sâm này thì bạn không thể nào xác định được.
Vườn Sâm của Anh Dư người Xê Đăng được quy hoạch rất cẩn thận các loại sâm từ 1 đến 3 tuổi được chăm sóc trong nhà lưới cách ly đặc biệt. |
Một số vườn sâm uy tín có duy trì một số củ sâm đặc biệt: Người Xê Đăng gọi là những củ sâm bố. Sâm này là những củ lâu năm tự nhiên được đem về trồng ở vườn. Họ chỉ thu hạt, chứ không bán sâm bố, để gieo trồng, nhân giống, mở rộng vườn. Thường thì những vườn sâm này có giá sản phẩm xuất ra rất đắt, nhưng ổn định về giá.
Thời kỳ tiếp theo của quá trình “làm hại” sâm Ngọc Linh là vấn nạn sâm giả. Dựa trên hình dáng tương đồng của một số loài sâm có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh, thậm chí Tam thất hoang hao hao giống sâm Ngọc Linh, và dựa trên nhu cầu của những đại gia muốn mua hàng độc, hàng tự nhiên, sâm to, lâu năm về khoe mẽ nên không ít gian thương đã đem sâm Lai Châu, Tam thất hoang lên trồng ở đỉnh Ngọc Linh để giả làm sâm Ngọc Linh. Trong đó, sâm Lai Châu thường được rao bán dưới mác “sâm Ngọc Linh trồng”. Còn Tam thất hoang thì được chào bán là “sâm Ngọc Linh rừng”.
Tuy vậy, Tam thất hoang dựa trên lá và củ khi bẻ đôi có thể phân biệt được, gần như không có dược tính gì. Còn sâm Lai Châu nếu để ý các mắt sâm xếp hàng dọc theo đường thẳng, trong khi đó mắt sâm Ngọc Linh xếp không có trật tự gì xác định. Sâm Lai Châu có ít rễ nhỏ, trong khi sâm Ngọc Linh sống trên lớp thảm mùn nên bộ rễ nhỏ rất phát triển.
Nhưng nhiều người vẫn bị lừa, tôi có xem nhiều clip vào tận rừng để săn và đào những củ sâm được gọi là tự nhiên nhưng trên thực tế đó chỉ là sự dàn dựng thô thiển của những kẻ lừa đảo. Tuy vậy những điều này ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng khi họ sợ bỏ ra số tiền quá lớn để mua phải sản phẩm giả mạo.
Thực tế thì các dòng sâm Nam như sâm Lai Châu, sâm Bố Chính đều rất tốt nhưng điều khác biệt ở sâm Ngọc Linh chính là hàm lượng Saponin. Trong sâm Ngọc Linh chiết xuất được 50 cấu trúc hợp chất thì có 24 cấu trúc hợp chất đã biết, và 26 hợp chất chưa xuất hiện trong bất cứ loại sâm nào khác. Đó chính là sự khác biệt và đẳng cấp của sâm Ngọc Linh với bất cứ giống sâm nào khác trên thế giới.
Giá trị càng cao thì thu hút hàng giả càng lớn, đó chính là vấn nạn mà Sâm Ngọc Linh đang gặp phải trên con đường lan tỏa những giá trị dược liệu đặc biệt của nó.
Trong khi nhà nước đang đề cao mô hình kinh tế dưới tán rừng và khai thác bền vững thì việc nghiêm túc phục hồi bảo vệ môi trường cho sâm Ngọc Linh thuần chủng được xem là chiếc chìa khóa cho việc xây dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh Việt Nam thành công.