Người bán chỉ cần một chiếc xe máy hoặc xe đạp với một thùng đá giữ lạnh, cà phê đen được pha sẵn trong bình lớn rồi chiết ra ly nhựa nhỏ, thêm đường hoặc sữa, đánh tạo bọt, cho đá vào, tất cả công đoạn chỉ mất chừng 2 phút. Tuy nhiên, rất nhiều loại cà phê từ dịch vụ bình dân này có xuất xứ không rõ ràng, nguy cơ người dùng chuốc bệnh vào thân là không tránh khỏi.
Đã trở thành thói quen không thể bỏ, sáng nào, ông Nguyễn Văn Dũng (ở Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) cũng phải uống 1 ly cà phê với người thân, bạn bè rồi mới bắt đầu một ngày làm việc.
Uống cà phê đã mấy chục năm nay, nhưng ông Dũng thú thực: “Thường thị họ (người bán) bảo là cà phê nguyên chất. Mình cứ tặc lưỡi uống thôi, chứ nói thật cũng không phân biệt được đâu là cà phê nguyên chất, đâu là cà phê giả”.
Bên cạnh đó, người bán cà phê không phải là người trực tiếp sản xuất cà phê nên họ cũng chỉ đặt niềm tin vào bao bì, nhãn mác để nhập hàng. Chủ một quán cóc ở Phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, bà thường mua cà phê ở chợ có giá từ 90 - 120 nghìn đồng/kg.
“Loại này có ghi trên bao bì là “made in Vietnam” (được sản xuất tại Việt Nam), mùi vị rất thơm, hương vị cũng ngon, khách uống không ai chê trách thì tôi tin mua lâu dài”, chủ quán cho hay.
Mới đây, trong tháng 6, 7, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã thực hiện chương trình khảo sát hàm lượng caffeine trong 253 mẫu cà phê được cung cấp cho phân khúc bình dân tại 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng.
Các mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căng tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy.
Kết quả khảo sát cho thấy, có tới gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/lít). Đặc biệt, đáng báo động là trong đó có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine.
Thực trạng theo khảo sát, con số quán có kết quả caffeine không có và rất nhỏ trên tổng số các quán cà phê xe đẩy, căng tin bệnh viện và vỉa hè lên tới mức gần một nửa (47,54%) là vấn đề rất đáng lưu ý.
Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường cà phê pha ở Việt Nam, nhất là về chất lượng, vệ sinh an toàn… thì cần có những nghiên cứu về nhiều chỉ tiêu hơn và ở địa bàn rộng hơn. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết thời gian tới sẽ mở rộng khảo sát các địa bàn khác.
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai (Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) cho biết, các chất độn cà phê như bắp rang, đậu nành bị rang cháy đen sẽ rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Cụ thể, khi đậu được rang với nhiệt độ cao hoặc bắp cháy sẽ sinh ra nhiều loại chất độc hại. Trong đó, các chất như acrylamide, heterocyclic amines, HCAs... là những chất có khả năng gây ung thư cho người sử dụng.
Ngoài ra, chất tạo bọt sodium lauryl sunlfate là loại làm nước rửa chén, dầu gội đầu… chỉ được dùng trong công nghiệp với liều lượng cho phép do độc hại và có nguy cơ gây ung thư.
Tương tự, chất CMC nếu dạng công nghiệp cũng chứa tạp chất, các kim loại nặng làm vô sinh và có nguy cơ gây ung thư. Đường hóa học sodium cyclamate, loại đường có độ ngọt gấp 50 lần so với đường mía thông thường cũng có nguy cơ gây ung thư, gây hội chứng Down, ảnh hưởng trên thai phụ…
Các chất phụ gia khác cho vượt mức nhiều lần sẽ gây tồn dư các kim loại nặng, các kim loại này sẽ lắng lại ở gan, ruột, thận và dẫn tới các bệnh lý ở các cơ quan này.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, điều đáng sợ khi sử dụng các loại cà phê “rởm” là hóa chất và tinh dầu tạo hương không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Riêng kháng sinh chloramphenicol nếu dùng không đúng thì không chỉ dễ dẫn tới kháng thuốc mà còn rất độc cho gan.
“Tuy nhiên, nghiêm trọng và cấp bách hơn cả không phải là tác hại của hóa chất mà là khả năng gây ung thư từ các loại nấm mốc thường có trong cà phê giá rẻ đang tràn lan trên thị trường”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.
Ông Thịnh khẳng định, giá thành cà phê hiện nay trung bình phải là 160.000 đồng/kg. Với mức giá thấp hơn, người dùng chỉ có thể mua cà phê độn. Theo vị PGS, TS này, hàm lượng Ochratoxim A có trong cafe mốc và Aflatoxin, có trong bắp, đậu nành mốc, trộn vào cà phê, hiện nay rất đáng ngại vì cả hai đều gây ung thư nhưng người dùng thì không cách gì kiểm chứng được. Quá trình rang xay không thể tiêu diệt hai loại độc tố nấm mốc này.
Để giảm giá thành cà phê bột, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mua bắp, đậu nành rẻ tiền, mốc hỏng đưa vào. Cộng với nguồn cà phê kém chất lượng, bảo quản không đúng cách, những gói cà phê bột chứa mầm họa ung thư ra đời.
Như vậy, sử dụng cà phê bột rẻ tiền hiện nay không khác gì rước họa vào thân. “Chưa kể, khác với nhiều quốc gia chỉ rang cà phê ở độ vàng vừa phải, khẩu vị cà phê người Việt là thích vị đắng, tránh vị chua nên việc rang cà phê, bắp, đậu nành… đều phải đạt đến mức cháy đen. Đưa lượng than thực phẩm này vào người chắc chắn là gây hại cho sức khỏe. Cái này là vạ từ chính miệng chúng ta mà ra”, ông Thịnh nói.
Ngày 25/7, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam tổ chức “Lễ ký cam kết minh bạch thông tin, đảm bảo chất lượng ATTP đối với sản phẩm cà phê cung cấp cho người tiêu dùng”.
Sự kiện này diễn ra nhằm kêu gọi các cá nhân, các hộ và doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cà phê hãy vì lợi ích lâu dài của mình, nêu cao trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng; cùng nhau cam kết minh bạch thông tin về sản phẩm, đảm bảo cung cấp cà phê chất lượng ra thị trường; góp phần tạo nên uy tín và sự tin cậy của người tiêu dùng với doanh nghiệp và thương hiệu cà phê, nhất là cà phê Việt Nam.