Chuyện của những mảnh đời cơ cực
Những khu trọ ẩm thấp nằm ngay chợ Long Biên, bỏ lại cuộc sống tấp nập, nhộn nhịp cả sáng lẫn đêm. Tại đây, là nơi ở của hàng chục người lao động nghèo ở khắp các tỉnh, thành đổ về cư ngụ. Họ mỗi người một câu chuyện, một nghề, một nỗi niềm riêng. Sống trong những căn nhà ổ chuột chật hẹp, ẩm thấp chỉ vương mùi hôi thối khó chịu.
Nhưng, đó chính là nơi che mưa, che nắng của những người lao động ở ngay thành phố này. Không khí ảm đạm sau dịch, nhiều người mất việc, xóm nhiều người già neo đơn, các cụ sống một mình không con cháu mà nương tựa. Họ lủi thủi một mình trong những xóm trọ nghèo nàn, san sẻ nỗi cô độc tuổi già với nhau.
Ở đây, mấy nóc nhà đều thế cả! Cụ Nguyễn Thị Phải là một trong những người đầu tiên của xóm ngụ cư này. Cũng cả đời người gắn mình với cái xóm hiu hắt, vắng bóng, cụ đã trải nếm đủ nghề. Cụ kể lại những ngày cụ đi làm cửu vạn ngay cầu Long Biên, rồi đi nhặt ve chai bán kiếm sống, bập bõm qua ngày. Ở tuổi 80, đáng lẽ phải được quây quần bên con cháu, được an nhàn tuổi già.
Nhưng, cái nghèo bám lấy, cụ sống một mình, một mắt bị hỏng hoàn toàn, một mắt có quặm nhìn lờ mờ ngày càng yếu dần. Mong mỏi lớn nhất có thể chữa một bên mắt còn lại, để nhìn được ngày nào hay ngày ấy. Bởi mắt cụ đang dần mờ đi, không thể đi làm nên đành buông xuôi mà sống qua ngày.
Cũng giống cụ Phải, chị Nguyễn Thị Thuật (46 tuổi, quê Phú Thọ) là một người phụ nữ kém may mắn hơn những người khác. Chị mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, chạy thận đến nay đã 14 năm. Một quãng thời gian dài chống chọi và “làm bạn” với bệnh tật và những mất mát. Người chồng chị yêu thương bỏ chị đi ngay khi biết tin chị bị bệnh.
Quang cảnh tiêu điều nơi xóm trọ |
Thế rồi chị một mình bươn chải nuôi con, vừa kiếm sống vừa chạy thận, cuộc sống của chị thêm phần gánh nặng. Việc chạy thận thường xuyên khiến những nốt truyền nổi to lên hai bàn tay, mỗi lần trái gió lại nhức mỏi, đau đớn. Thế nhưng, từ tết đến nay, đã nửa năm, chị tạm ngừng việc bán nước chè dạo trong viện khi dịch bệnh hoành hành. Để kiếm thêm “đồng ra đồng vào”, chị túc tắc muối dưa cà, làm giá đỗ bán trước cửa phòng trọ, phục vụ bà con trong xóm.
Nhưng, cũng chả thấm là bao với 14 năm trời đằng đẵng chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Cả gia tài đổ vào việc chạy thận, đôi mắt cũng mờ dần sau những ngày làm đủ thứ nghề mưu sinh qua ngày. Tiền ăn rồi chạy thận lay lắt nên dù có tiền sử bong võng mạc nhưng chị Thuật không đủ điều kiện đi khám và điều trị nên đôi mắt cứ thế mờ dần.
Những ngày sau dịch, những mảnh đời như cụ Phải, chị Thuật lại thêm bội phần khó khăn. Họ chỉ biết “thở dài” qua ngày, “mong sao ông trời phù hộ khỏe mạnh để còn đi làm kiếm tiền cho bớt khổ, dù là ít ỏi”…
Và ánh sáng được trao tặng
Để hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thể tiếp cận những dịch vụ y tế, chăm sóc mắt tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh viện Mắt Alina, tập thể bác sĩ và nhân viên tại đây đã cùng nhau phát động chương trình khám – điều trị mắt miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn như cụ Phải, chị Thuật. Đây là một chương trình phúc lợi xã hội hoàn toàn miễn phí. Họ tìm đến những xóm trọ nghèo, những khu vực đông người lao động để trao cho họ những “ánh sáng”.
Hơn cả, mỗi chúng ta đều hiểu rõ tầm quan trọng của đôi mắt trong quá trình sống và làm việc. Vì vậy, chương trình là một chuyến xe nối dài của bệnh viện đến khắp mọi nơi cần được hỗ trợ, đem cho họ “ánh sáng của yêu thương” bằng việc bảo vệ đôi mắt sáng – khỏe. Ngày được xuống viện khám miễn phí cùng xóm chạy thận. Chị Thuật vui lắm, vừa được khám, cắt kính mới.
Giờ đây mắt chị sáng hơn, có kính chị có thể đi làm thuê những việc khác như nhặt lông yến, bán cà… không phải đi bán nước dạo ở cổng bệnh viện nữa. “Thế là từ nay có kính mới nhìn rõ hơn, không phải đi bán nước dạo, vất vả mưa nắng nữa”, chị Thuật vui vẻ nói. Còn cụ Phải đã được bệnh viện hỗ trợ miễn phí 100% phẫu thuật, điều trị và thăm khám tại bệnh viện. Không chỉ vậy, những người trong xóm trọ nghèo Long Biên cũng được hỗ trợ từ chương trình thắp sáng.
Họ đôi khi cả đời không nghĩ đến việc khám mắt, mua chiếc kính chất lượng hay hỏi những kiến thức về mắt. Khi được đưa xuống viện khám, cụ Phải vui lắm, mừng mà tay run run nói: “Tôi đã nằm cầu nguyện cả đêm, chỉ mong trời mau sáng để được đi khám mắt. Chỉ mong mắt còn lại sáng hơn cho đỡ khổ. Cả đời người làm thuê, chỉ đủ ăn, đủ sống tạm qua ngày.
Không nghĩ có tiền đi khám bệnh”. Chỉ sau hai tuần khởi động chương trình hỗ trợ đặc biệt, hàng nghìn phiếu khám mắt chuyên sâu miễn phí đã đến tay người dân có hoàn cảnh khó khăn như người khuyết tật, người già neo đơn... Đặc biệt, nhiều người đã được hỗ trợ đến khám trực tiếp tại bệnh viện, được cấp thuốc và kính hoàn toàn miễn phí. Alina tại Việt Nam mang đến một thông điệp tử tế của những người làm y tế. Họ là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận với sứ mệnh phòng chống những bệnh mù loà không đáng có với quy mô toàn cầu.
Chị Bùi Vân Anh (đại diện bệnh viện thực hiện chương trình) chia sẻ: “Đây là thời điểm cả xã hội chung tay hỗ trợ lẫn nhau qua giai đoạn khó khăn này. Mục tiêu của chương trình là tìm đến những người chưa được tiếp cận nhiều đến các dịch vụ khám mắt tiêu chuẩn để hỗ trợ họ. Bằng việc làm thiết thực của đội ngũ Alina, khám chuyên sâu cấp kính và thuốc miễn phí cho người dân như một sự sẻ chia trong lúc khó khăn” .
Ngoài việc khám mắt miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện triển khai nhiều hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về mắt cho xã hội. Một số chương trình khám miễn phí cho nhiều đối tượng: Ánh sáng cộng đồng hướng đến nhóm độ tuổi trên 51 tuổi hoặc chương trình Mắt sáng học đường hỗ trợ hàng nghìn trẻ em trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh lân cận phát hiện tật khúc xạ mắt sớm.
Ngoài ra, còn chương trình Mắt sáng nơi làm việc nhằm nâng cao ý thức bảo vệ mắt cho những công nhân tại khu công nghiệp tại Hải Phòng, Hải Dương… Bên cạnh đó, nhiều gói hỗ trợ phẫu thuật thủy tinh thể, mộng miễn phí… Những chuyến xe vẫn nối dài hỗ trợ bà con có thể được khám mắt miễn phí. Ngoài ra, họ còn được bác sĩ tận tình chia sẻ cách chăm sóc và bảo vệ mắt.
Và như thế, giá trị của sự chia sẻ không chỉ nằm ở cặp kính hay thuốc mà còn là chuyến đi của lòng tử tế, chia sẻ cùng những mảnh đời khó khăn. Có nhiều nụ cười sau mỗi chuyến đi, có cả những giọt nước mắt vì “đời tôi khổ quá”. Nhưng, sau tất cả mang đến chút tấm lòng của toàn thể bác sĩ, nhân viên bệnh viện thắp sáng những câu chuyện vẫn còn trong “đêm tối”…