Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, hàng loạt loại rau quả như thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải, vú sữa… vào được các thị trường khó tính cho thấy, sự thay đổi lớn về tư duy của người nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị đối với ngành hàng này. Từ việc sản xuất manh mún, thiếu quy hoạch, đến nay ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch với sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, tận dụng những cơ hội thuận lợi của thị trường, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, đảm bảo cả về số lượng, chất lượng đang tạo đà để rau, quả Việt Nam tiếp tục thâm nhập những thị trường có giá trị kinh tế cao.
Ông Trung cho rằng, để mở cửa thị trường phải giải quyết 2 rào cản chính là kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với những sản phẩm rau củ quả. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6 nghìn mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải. “Chúng tôi đang phối hợp với các địa phương tiếp tục mở rộng cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu”, Cục trưởng Trung nói.
Được biết, bên cạnh việc tổ chức lại thị trường, để gia tăng giá trị rau quả, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, nông dân bị động trong tiêu thụ nông sản, ngoài 145 doanh nghiệp tham gia chuỗi chế biến rau quả, Bộ NN&PTNT cũng đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thêm 7 nhà máy chế biến với công suất quy mô vùng và khu vực.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, “dư địa” xuất khẩu rau quả là rất lớn, để phát huy lợi thế này cần tổ chức tốt thị trường, ngoài xây dựng thêm các nhà máy nâng cao năng lực chế biến, phải đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến trong xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu ra phục vụ xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Cường, xây dựng vùng nguyên liệu không chỉ giống mới mà quy trình quản trị từ cách chăm sóc, quản lý phải căn cơ. Sản xuất chuỗi phải gắn giữa vùng nguyên liệu với công tác chế biến. “Trong sản xuất chuỗi khâu cuối cùng chính là khâu quyết định đó là tổ chức thị trường. Mở được thị trường rồi nhưng phải giữ thị trường. Muốn vậy phải đảm bảo nghiêm túc chuỗi quy trình khép kín. Đảm bảo không chỉ sạch, chất lượng mà còn giá thành, số lượng, uy tín các mặt nói chung về hàng hóa là chúng ta thực hiện đúng phương cách hội nhập sâu rộng, với nền sản xuất văn minh, giao dịch thương mại hiện đại” , Bộ trưởng Nông nghiệp nhấn mạnh.
Khai thác tốt lợi thế, áp dụng quy trình sản xuất sạch đáp ứng những rào cản về chất lượng đã đem về kim ngạch xuất khẩu cao cho ngành rau quả trong những tháng đầu năm nay. Đây là tiền đề để rau quả tiếp tục bứt phá không chỉ vượt mốc hơn 3,5 tỉ đô la trong năm nay mà còn hướng “giấc mơ” xuất khẩu rau quả đạt 7 tỷ đô la vào năm 2030.
Điều mà người nông dân cần lúc này là vai trò của “tư lệnh nông nghiệp” trong việc cùng với các địa phương quy hoạch các vùng trồng rau, cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng để chuyên canh xuất khẩu và sản xuất hàng hoá lớn.