Tự làm khó mình…
Thống kê quý I/2018 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản đạt 8,7 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,6 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,7 tỷ USD và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt gần 2 tỷ USD.
Tổng số xuất khẩu của quý I/2018 đã cao hơn mức 7,6 tỷ của quý I /2017. Nếu theo diễn tiến thông thường như mọi năm, khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD của ngành nông nghiệp hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2018, các chỉ tiêu kinh tế sẽ không còn phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ. Điều này có nghĩa, bình thường các năm trước bao giờ các chỉ tiêu quý I cũng thấp nhất và tăng dần trong các quý tiếp sau. Nhưng năm nay, yếu tố mùa vụ không còn, chỉ tiêu quý II chưa chắc đã cao hơn quý I, do đó các chỉ tiêu đặt ra sẽ khó có thể đạt được.
Điều này cũng chính là vấn đề khiến các hiệp hội ngành hàng nông nghiệp và 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương lo lắng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, dù kết quả xuất khẩu của quý I/2018 khá tốt nhưng cần phải để ý điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu để có thể giữ vững và phát huy kết quả của năm 2017.
Theo đó, xuất khẩu nhóm hàng này vẫn dựa mạnh vào thị trường Đông Á, chiếm tới 44% kim ngạch xuất khẩu; Trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 26%. Một số mặt hàng dựa mạnh vào thị trường Trung Quốc như rau quả gồm thanh long, dưa hấu, sắn lát, cao su... và chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Xếp sau Trung Quốc là thị trường Mỹ và châu Âu với 35%.
Ngoài vấn đề về cơ cấu thị trường xuất khẩu, chất lượng hàng hóa xuất khẩu cũng được Thứ trưởng Khánh đặt ra, bởi một số sản phẩm của Việt Nam gặp phải vấn đề lớn về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều lô hàng bị trả về vì thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, truy xuất nguồn gốc tự phát khiến cho số lượng xuất khẩu đến các thị trường truyền thống đang có dấu hiệu giảm. Ví như ở thị trường châu Âu (EU), kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ đạt 1,37 tỷ USD, (giảm 0,9% so với cùng kỳ), hồ tiêu đạt 156,5 triệu USD (giảm 34,8%) và gạo xuất khẩu đạt 3,6 triệu USD (giảm 45,6%).
Không chỉ thế, sản xuất ở Việt Nam còn tự gây khó cho các mặt hàng xuất khẩu của chính mình. Ví dụ điển hình nhất phải kể đến mặt hàng hồ tiêu. Hiện nay, Việt Nam đang đứng số 1 thế giới về xuất khẩu hồ tiêu nhưng lại tăng sản lượng nên nguồn cung dồi dào, dẫn tới việc giá cả xuống dốc. Cùng với đó, câu chuyện tổ chức sản xuất của chúng ta manh mún, chất lượng không đồng đều, cá thu hoạch ở nhiều ao nuôi khác nhau nên không kiểm soát được chất lượng. Theo ông Khánh, đây chính là những điểm yếu cốt lõi của ngành.
Làm gì để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu?
Bên cạnh những yếu tố chủ quan nêu trên, một số yếu tố khách quan đáng ngại cần phải kể đến chính là việc một số thị trường đã thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại như tôm, cá ở Hoa Kỳ. Nông - lâm -thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn tại thị trường EU như rau quả bị rà soát và điều chỉnh chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm, đồng thời gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu.
Theo thông tin được Bộ Công Thương đưa ra, hiện tần suất kiểm tra thanh long tăng lên 20% và các loại rau gia vị tăng 50%. Đặc biệt, sản phẩm thủy sản khai thác đang bị EU áp dụng cảnh báo thẻ vàng kể từ tháng 10/2017. Những diễn tiến mới này đang gây khó cho xuất khẩu hàng Việt, khiến cho câu chuyện phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc tiếp tục gây lo lắng cho các bên liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, câu chuyện xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là tất yếu bởi lợi thế là nước láng giềng, đồng thời Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản mà phía bạn cần nhập khẩu. Do vậy, để không phải phụ thuộc vào một thị trường, cần phải giữ ổn định các thị trường xuất khẩu truyền thống (ngoài Trung Quốc) và phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới.
Tuy nhiên, để làm tốt được khâu thị trường thì các hộ sản xuất cần chủ động nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, cho dù là thị trường Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu và tiến tới là 11 nước trong Hiệp định CPTPP thì khâu quan trọng nhất mà từ doanh nghiệp đến người nông dân cần phải quan tâm chính là vấn đề chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, thương hiệu. Chỉ khi nào có năng lực cạnh tranh cả về giá cả, chất lượng, thương hiệu… đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu thì Việt Nam mới không bị phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào.