PLVN đã phỏng vấn ông Đàm Văn Tuấn – Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp (Bộ Tư pháp) về qui trình và yêu cầu đối với việc xuất bản một ấn phẩm pháp luật.
Xin ông cho biết, để bảo đảm chất lượng ấn phẩm về pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp áp dụng quy trình xuất bản như thế nào?
- Hiện nay, Nhà xuất bản Tư pháp đang áp dụng quy trình xuất bản tương đối nghiêm ngặt và đảm bảo chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật, từ khâu biên tập, đọc duyệt nội dung, thiết kế bìa sách đến đọc sách mẫu trước khi quyết định xuất bản. Trong các khâu này, biên tập sách có thể được coi là công tác mang tính “xương sống”, quyết định đối với từng xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Tư pháp nên được tiến hành theo một quy trình nhiều bước, tùy thuộc vào thể loại sách xuất bản.
Ông Đàm Văn Tuấn |
Sau khi biên tập, biên tập viên trình Tổng Biên tập đọc duyệt kèm theo Phiếu trình duyệt bản thảo, trong đó ghi cụ thể những vấn đề cần lưu ý trong bản thảo; biên tập viên nhận bản thảo đã duyệt từ Tổng Biên tập, xin ý kiến, trao đổi những vấn đề còn có ý kiến khác (nếu có), tiến hành sửa máy và chuyển cán bộ chế bản dàn trang; biên tập viên tiếp nhận bông 2 đã dàn, rà soát, đối chiếu nội dung và hình thức bản thảo một lần nữa trước khi trình Tổng Biên tập duyệt; biên tập viên nhận bản thảo đã duyệt từ Tổng Biên tập, đề xuất cán bộ chế bản sửa lỗi (nếu có) và tiến hành in can; biên tập viên tiến hành đối chiếu can với bản bông đã duyệt, kiểm tra chất lượng can sau đó trình Tổng Biên tập duyệt, trình Giám đốc Nhà xuất bản ký duyệt đưa in.
Đối với sách nghiên cứu, chính trị pháp lý, biên tập viên tiếp nhận bản thảo đã đổ khổ cùng bản thảo gốc (nếu có) từ cán bộ chế bản, tiến hành biên tập nội dung, đánh giá về tính tư tưởng chính trị, tính khoa học của bản thảo, rà soát, đối chiếu trích dẫn, hoàn thiện về câu, từ, hình thức của bản thảo.
Sau khi biên tập, biên tập viên trình Tổng Biên tập đọc duyệt kèm theo Phiếu trình duyệt bản thảo, trong đó ghi cụ thể những vấn đề cần lưu ý trong bản thảo; biên tập viên nhận bản thảo đã duyệt từ Tổng Biên tập, xin ý kiến, trao đổi những vấn đề còn có ý kiến khác (nếu có), nghiên cứu, trao đổi và đề xuất với tác giả những nội dung của bản thảo, đề nghị tác giả cân nhắc chỉnh sửa và ký duyệt bản thảo.
Trường hợp tác giả có nhiều sửa đổi, bổ sung thì quy trình biên tập quay lại biên tập viên trình Tổng Biên tập đọc duyệt kèm theo phiếu trình duyệt bản thảo, trong đó ghi cụ thể những vấn đề cần lưu ý trong bản thảo. Sau khi được tác giả ký duyệt nội dung, biên tập viên tiến hành sửa máy, chuyển cán bộ chế bản dàn trang và in bông 2; biên tập viên tiến hành đọc bông 2, trình Tổng Biên tập, tác giả ký duyệt nội dung.
Sau khi tiếp nhận bản can từ cán bộ chế bản, biên tập viên tiến hành đối chiếu can với bản bông đã duyệt, kiểm tra chất lượng can sau đó trình Tổng Biên tập duyệt, trình Giám đốc Nhà xuất bản ký duyệt đưa in.
Các ấn phẩm liên kết xuất bản có theo quy trình như vậy không, thưa ông?
- Không chỉ chú trọng qui trình đối với các ấn phẩm trực tiếp xuất bản, chúng tôi cũng có một qui trình chặt chẽ cả đối với sách liên kết xuất bản. Theo đó, biên tập viên tiếp nhận bản thảo đã đổ khổ cùng bản thảo gốc (nếu có) từ cán bộ kế hoạch, tiến hành biên tập nội dung, đánh giá về tính tư tưởng chính trị, tính khoa học của bản thảo, rà soát, đối chiếu trích dẫn, hoàn thiện về câu, từ, hình thức của bản thảo.
Sau khi biên tập, biên tập viên trình Tổng Biên tập đọc duyệt kèm theo Phiếu trình duyệt bản thảo, trong đó ghi cụ thể những vấn đề cần lưu ý trong bản thảo; biên tập viên nhận bản thảo đã duyệt từ Tổng Biên tập, xin ý kiến, trao đổi những vấn đề còn có ý kiến khác (nếu có) và giao bản thảo đã duyệt cho cán bộ kế hoạch để chuyển cho bên liên kết; biên tập viên tiến hành rà soát, đối chiếu bản bông đã biên tập được tác giả ký duyệt nội dung với file hoặc bản can do bên liên kết chuyển, trình Tổng Biên tập duyệt. Trong trường hợp này, ý kiến của biên tập viên là cơ sở để Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp ký quyết định xuất bản cho đối tác liên kết.
Ngoài ra, để có một cuốn sách đẹp và thu hút được độc giả, công việc của họa sỹ thiết kế bìa sách đòi hỏi tính sáng tạo và mỹ thuật phù hợp nội dung và hình thức theo quy định của Luật Xuất bản. Thông thường, công tác thiết kế bìa sách trải qua 3 bước: biên tập viên nhận mẫu thiết kế bìa từ họa sỹ và tiến hành biên tập, chỉnh sửa về nội dung và hình thức; họa sỹ chuyển cho tác giả xem, xác nhận đồng ý với mẫu thiết kế bìa; biên tập viên trình Tổng Biên tập duyệt bìa. Trong trường hợp đặc biệt, công tác này có thể trải qua 6 bước.
Sau khi xuất bản phẩm được hoàn thiện, biên tập viên có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại tổng thể nội dung, hình thức, bìa xuất bản phẩm. Công đoạn này nhằm khắc phục kịp thời các lỗi còn tồn tại ở các khâu trước để kịp thời có cách giải quyết hoặc xử lý đúng pháp luật. Khâu đọc sách mẫu cũng là cơ sở để Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp ký quyết định phát hành xuất bản phẩm.
Như vậy, để đảm bảo chất lượng xuất bản phẩm, công tác xuất bản sách pháp luật của Nhà xuất bản Tư pháp luôn luôn tuân theo một quy trình chặt chẽ.
Từ góc độ người làm công tác xuất bản, ông đánh giá như thế nào về việc “nhà nhà xuất bản sách pháp luật”, “người người biên tập sách pháp luật” như hiện nay?
- Trước hết, phải khẳng định rằng, xuất bản sách pháp luật trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, không chỉ đưa pháp lý đến với nhân dân mà còn đưa cả những giá trị nhân văn, giá trị văn hóa thông qua những nội dung của pháp luật để con người được thực sự sống tự do trong khuôn khổ pháp luật. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được tôn trọng và bảo đảm thực hiện tốt hơn...
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn những xuất bản phẩm về pháp luật của một số nhà xuất bản chưa theo Luật Xuất bản năm 2012. Các cơ quan chức năng về xuất bản đã và đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật. Hy vọng trong thời gian tới, hoạt động xuất bản của nước nhà sẽ đáp ứng được sự kỳ vọng của độc giả.
Xin cảm ơn ông!