Theo đó, UBND cấp quận huyện được giao nhiệm vụ rà soát, xem xét mặt bằng (một số khu đất do Nhà nước quản lý) để bố trí, sắp xếp các đối tượng buôn bán tại những khu vực chợ tự phát nhằm quản lý, giám sát tình hình hoạt động kinh doanh, buôn bán góp phần giải tỏa triệt để tình trạng tụ tập buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Đề xuất này được kỳ vọng là sẽ "giải vây" thế đối đầu giữa chính quyền cơ sở với dân nghèo địa phương.
Có một thực tế phũ phàng trong lòng Phú Mỹ Hưng
Phú Mỹ Hưng là khu đô thị sầm uất. Cư dân ở đây đều là những người giàu có. Các cửa hàng hầu hết là đồ hạng sang. Bước vào bất kỳ quầy ăn nào tại trung tâm thương mại SC Vivo City chẳng hạn, chỗ nào cũng thấy bảng giá thức ăn cao ngất ngưỡng. Chẳng hạn tại quầy Wrap & Roll, bảng giá các loại đều hàng trăm ngàn. Chạo tôm 98.000 đồng được 3 thanh. Bò cuốn lá lốt cũng 98.000 đồng, được 8 cuốn.
Tất nhiên tiền nào của nấy. Câu chuyện ở đây không phải là đắt hay rẻ mà là giá cao so với thu nhập bình quân của thành phố. Đối với cư dân Phú Mỹ Hưng hoặc khách hạng sang từ nơi khác đến thì không vấn đề gì. Nhưng bên trong Phú Mỹ Hưng còn có một đội ngũ công nhân viên làm việc, phục vụ trong những toà nhà, cửa hàng, cửa hiệu sang trọng trong đó.
Đội ngũ những người này lương không cao. Mức lương của một cô nhân viên phục phụ trong quầy Wrap & Roll nói trên, như cô tiết lộ thì chỉ đủ để mỗi ngày ăn được một bữa ăn sáng tại quầy này.
Đội ngũ ấy có một nhu cầu lớn về tiêu thụ thực phẩm với giá bình dân. Có cầu, ắt có cung. Từ đó hình thành một lực lượng bán hàng rong trong lòng Phú Mỹ Hưng. Lực lượng này nhiều lúc tập hợp lại, thành một cái chợ. Chợ này, phó chủ tịch thường trực UBND Q7, lúc bấy giờ là ông Huỳnh Văn Hùng, trong buổi làm việc ngày 10/05/2016, mô tả với phóng viên, là “chợ chạy”.
Chợ chạy gồm toàn những người bán hàng trên xe. Xe gắn máy bán cà phê và các loại nước giải khát thì treo lủng lẳng một cửa hàng di động trên xe. Bán cơm thì bán trên xe 12-15 chỗ, Họ cải tiến chiếc xe để chỉ việc mở thành xe ra là bán. Khi có công an hay cán bộ quản lý trật tự đô thị đến thì chỉ việc đóng thành xe và nổ máy và... zọt. Cán bộ đi khuất thì họ lại trở lại, bày biện như cũ.
Chính quyền địa phương hết sức mệt mỏi với khu chợ chạy này. Chỉ đạo từ cấp trên là phải dẹp hàng rong. Nhưng nhu cầu của người dân tại đây lại cũng là nhu cầu có thực và chính đáng. Hai phía rơi vào thế đối đầu với nhau thật rắc rối.
Tương tự, đường Trần Xuân Soạn, nếu khéo quy hoạch thì sẽ có một đoạn phố xá buôn bán trên bến dưới thuyền như quang cảnh Sài Gòn xưa chứ không phải cảnh công an đuổi đằng trước, dân chúng bán đằng sau.
Trần Xuân Soạn trên bến dưới thuyền
Trên bến dưới thuyền như quang cảnh Sài Gòn xưa. Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Đường Trần Xuân Soạn chạy cặp theo bờ sông Kênh Tẻ đoạn từ cầu Rạch Ông đến cửa sông là cầu Tân Thuận. Trên tuyến sông này có nhiều phương tiện thủy neo đậu. Bao gồm xà lan, ca nô, tàu, thuyền… tạo ra cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập. Đáng chú ý là có đoạn tập trung neo đậu ghe từ các tỉnh miền Tây chở trái cây đủ loại và bán ngay tại bờ sông – một quang cảnh đặc trưng của Nam Bộ xưa.
Có khoảng 30 chiếc ghe đậu thường xuyên ở bến, tương ứng với phía bên kia đường là đoạn từ số nhà 793 đến số 855 (thuộc phường Tân Hưng). Và khoảng hơn chục ghe thường đậu tại đoạn Lâm Văn Bền đến cầu Tân Thuận (thuộc phường Tân Kiểng). Anh Bé Năm, một chủ ghe thường đậu ở đoạn thuộc phường Tân Hưng cho biết ghe ở đây chủ yếu là từ Bến Tre lên. Họ đưa về Sài Gòn đủ loại trái cây ở quê. Mùa nào thức nấy.
Nhờ bán trên ghe nên tiết kiệm được tiền thuê mặt bằng. Và vì mua trực tiếp từ nhà vườn rồi chở thẳng lên nên giảm được khâu trunng gian. Nhờ vậy mà giá thành ở “chợ ghe” này rẻ hơn, chỉ khoảng 2/3 giá so với các sạp ở chợ. Người mua chủ yếu là dân địa phương và khách vãng lai trên đường đi làm về tiện thể ghé lại mua. Thỉnh thoảng một số chủ sạp trong chợ cũng ra đểm sỉ để về bán lại.
Tuy nhiên, hiện nay “chợ ghe” đang hoạt động tự phát và bất hợp pháp. Vì để bán được hàng, người bán thường chiếm dụng một phần diện tích lề đường phía bờ sông để trưng hàng hóa.
Đoạn thuộc phường Tân Kiểng, người dân đóng những cái sàn nho nhỏ cặp theo lan can sắt dọc bờ sông để trưng bày hàng hóa, cảnh mua bán khá nhếch nhác. Đoạn thuộc phường Tân Hưng thì ngăn nắp hơn. Ở đoạn này, lề đường rộng nên người bán có thể trải bạt ra trên lề bên mép sông để trưng bày.
Anh Bé Năm cho biết, mỗi lần có đội quản lý Trật tự đô thị (QLTTĐT) đi dọn dẹp lòng lề đường thì chỉ có cách chịu phạt vì hàng hóa không thể kịp dọn đi đâu. Mỗi lần phạt 200 nghìn đồng. Có tháng phạt ít, có tháng phạt nhiều, trung bình khoảng 3 lần/tháng. “Bán mỗi ngày giỏi lắm được trăm ngàn tiền lời. Chi phí tiền nước, tiền điện rồi thêm tiền phạt nữa mất gần triệu rưỡi mỗi tháng, bằng một nửa tiền lời kiếm được.”, anh Bé Năm tính toán.
Người dân vì miếng cơm manh áo mà phải chịu trận. Chính quyền thì vì mục tiêu mỹ quan đô thị mà kiên quyết dọn dẹp. Quyền lợi và trách nhiệm hai bên xung đột nhau nên rốt cuộc cứ nhùng nhằng mãi.
Báo cáo của phòng Quản lý đô thị quận 7 cho biết, khá bi hài rằng “Việc xử lý các trường hợp ghe thuyền trên tuyến Kênh Tẻ thuộc thẩm quyền của Thành Phố quản lý. Khi đội Quản lý trật tự đô thị tổ chức xử lý trên đường bộ thì các phương tiện thủy này di chuyển ra giữa sông gây khó khăn cho tổ công tác khi xử lý đối với các trường hợp này.”.
Trần Xuân Soạn, tại đoạn thuộc phường Tân Hưng, nếu chính quyền phân lô trên bờ sông, chấp nhận cho người dân bán tạm và thu phí như đã làm vào các dịp tết Nguyên Đán thì các bên đỡ phải làm khổ nhau.
Phân lô của chính quyền cho dân bán vào dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Hoạt động của “chợ ghe” đem đến cho người dân địa phương cơ hội mua được sản phẩm giá thấp và đồng thời cũng giải quyết được công ăn việc làm cho người dân ở tỉnh. Chính quyền sở tại cũng sẽ thu được một phần hoa lợi, dù không lớn. Ba bên cùng có lợi và đậm chất nhân văn.
“Nếu được phân lô cho bán như hồi Tết thì quá tốt. Thu phí hợp lý là tụi tui đỡ khổ.” – một người bán hàng hào hứng chia sẻ với phóng viên. Và khi đó, đường Trần Xuân Soạn sẽ có một đoạn phố xá buôn bán trên bến dưới thuyền như quang cảnh Sài Gòn xưa.
Chợ chạy Phú Mỹ Hưng, lãnh đạo UBND quận 7 cũng cho biết là đang xem xét quy hoạch để người lao động ở đây có thể được đáp ứng nhu cầu cơ bản. Hi vọng chỉ thị công tác quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM sẽ giải quyết vấn đề được ổn thỏa.