Cộng đồng LGBT (bao gồm người đồng tính nam/nữ, người song tính và người chuyển giới) là một trong những vấn đề được quan tâm tại Việt Nam thời gian gần đây. Bởi tuy là một nhóm người không nhiều trong xã hội nhưng quyền lợi chính đáng của họ chưa được Nhà nước và xã hội quan tâm một cách đúng mực, dẫn đến việc nhiều người phải sống tủi nhục trong sự kỳ thị của xã hội và chính gia đình họ.
Do đó, việc ra đời quy định pháp luật thừa nhận việc chuyển giới và cho phép chuyển giới là một việc làm rất cần thiết. Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 trong đó có Điều 37 thuộc nhóm quyền nhân thân cho phép chuyển đổi giới tính.
Đây được xem là một bước tiến rất lớn trong việc công nhận, bảo vệ quyền lợi cho những người trong cộng đồng LGBT vì những người chuyển giới Việt Nam sẽ được xác định lại tên họ, thụ hưởng các quyền nhân thân giống như các công dân bình thường khác theo giới tính mà họ đã chuyển đổi.
Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn là một khoảng cách khá xa, rất cần sự tính toán chu toàn, chi tiết và tính dự đoán của các nhà làm luật để phòng tránh được những hệ lụy về mặt luật pháp, xã hội.
Khi giới tính “cợt trêu”… pháp luật
Theo quy định hiện hành, người có mong muốn chuyển giới ở Việt Nam không được phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Từ đó dẫn đến trên thực tế có nhiều người đã ra nước ngoài để phẫu thuật từ nam thành nữ hoặc từ nữ thành nam.
Những người này khi về Việt Nam, theo luật định không được phép làm lại giấy tờ hộ tịch nên xảy ra thực trạng một số người đã được phẫu thuật chuyển giới có hình dạng bên ngoài và cơ quan sinh dục là nữ nhưng trên chứng minh nhân dân, hộ chiếu và giấy khai sinh, hộ khẩu của họ vẫn ghi là “nam” và ngược lại.
Và cũng từ những sự tréo ngoe này mà pháp luật đã không ít lần bị “cợt trêu” mà vụ việc xảy ra vào ngày 7/4/2010 tại thành phố Đồng Hới Quảng Bình là ví dụ.
Trong vụ việc này, Nguyễn Văn Tình cùng một nhóm bạn đi nhậu đêm ở một quán gần biển. Khi đã ngà ngà say, Tình cùng hai người bạn chở nhau trên xe máy về nhà. Thấy bên đường có một cô gái đi bộ một mình, mặc chiếc áo ôm sát người trông rất xinh đẹp và gợi cảm, cả ba dừng xe tán tỉnh. Cô gái tỏ ra khó chịu về những lời cợt nhả của nhóm thanh niên này nên đã lớn tiếng đuổi mắng.
Bỏ đi được một đoạn, Tình và các bạn nổi dục vọng, quay lại dùng sức mạnh khống chế, bắt cô gái lên xe chở đến bãi đất trống gần nhà rồi thay phiên nhau xâm hại. Uất ức, sáng hôm sau cô gái đã tìm đến công an tố cáo mình bị hiếp dâm, nộp kèm vật chứng là cái ví tiền mà Tình đánh rơi đêm qua.
Sau đó, Công an thành phố Đồng Hới đã nhanh chóng bắt giữ Tình cùng đồng phạm. Tại cơ quan điều tra, Tình và bạn đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội đúng như tố cáo của nạn nhân.
Tuy nhiên, người bị xâm hại thừa nhận mình trước đây là nam. Bốn năm trước, cô đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nhưng về mặt giấy tờ vẫn là nam giới. Khẳng định mình là phụ nữ 100%, người bị hại cương quyết yêu cầu xử lý hình sự những kẻ đã xâm hại.
Ban đầu cả Công an lẫn Viện Kiểm sát tỉnh đều thống nhất khởi tố các bị can về tội “Hiếp dâm” theo Bộ luật Hình sự. Thế nhưng sau giai đoạn điều tra, trong nội bộ các ngành tố tụng lại có những ý kiến không đồng thuận nên chưa thể ra cáo trạng truy tố .
Những con số khát khao
Tính đến tháng 9/2015, có 61 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ. Phần lớn các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á thừa nhận quyền thay đổi nhân thân sau khi phẫu thuật, các nước đang thay đổi theo xu hướng thừa nhận quyền thay đổi giới tính trên giấy tờ ngay cả khi không cần phẫu thuật.
Ngoài ra, quyền thay đổi tên không phụ thuộc vào việc đã phẫu thuật hay chưa cũng được thừa nhận rộng rãi. Việt Nam là một trong ít những nước trên thế giới cấm việc phẫu thuật chuyển giới (gồm Ethiopia, Morroco, Cotê d’voire, Tiểu vương quốc A Rập Thống Nhất, Oman, Qatar, Kuwait, Macedonia).
Theo số liệu liên quan đến người chuyển giới tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Trung tâm ICS và một số tổ chức bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới công bố, vì bệnh viện Việt Nam bị cấm thực hiện phẫu thuật chuyển giới nên 100% các ca phẫu thuật liên quan tới bộ phận sinh dục đều được thực hiện ở nước ngoài.
Chỉ tính riêng một tại một địa điểm phổ biến ở Thái Lan, trung bình 2 ngày có một khách hàng người Việt Nam chuyển giới toàn bộ cơ thể (183 người/năm); trung bình 1 ngày có 3 người Việt Nam chuyển giới một phần cơ thể (1.095 người/năm). Tổng cộng, ước tính có 1.287 người /năm sang Thái Lan làm phẫu thuật chuyển đổi 1 phần hoặc toàn bộ.
Cũng theo ISEE, 78% người chuyển giới muốn phẫu thuật chuyển giới, nghĩa là cứ 5 người chuyển giới thì sẽ có khoảng 4 người có nhu cầu muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Số còn lại không muốn thì vì các lý do: pháp luật chưa cho phép 51,9%; điều kiện kinh tế chưa đủ 79,6%; sợ bị ảnh hưởng sức khỏe 38,5%; sợ bị kỳ thị 17,0%; gia đình không cho phép 42,7%.
Tuy nhiên, người chuyển giới ở Việt Nam dù tiến hành phẫu thuật toàn phần, một phần, hay không cũng thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều sự kỳ thị. Họ không những gặp khó khăn về mặt giấy tờ hành chính mà còn bị từ chối cơ hội làm việc, học tập, mưu cầu hạnh phúc do sự thiếu kiến thức về cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới của xã hội.
Từ những con số và vụ việc ở Quảng Bình nói trên cho thấy, nhu cầu chuyển đổi giới tính ở Việt Nam là có thực và ngày càng phát triển. Và trong bối cảnh xã hội hiện nay nếu không nhanh chóng có biện pháp giải quyết thì nhóm người này sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi.
Vì đâu mà Bộ luật Dân sự 2015 cho phép chuyển đổi giới tính?
Không phải đến bây giờ, vấn đề liên quan đến giới tính mới được đề cập và cho phép trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Từ cách đây hơn chục năm, năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã ghi nhận quyền xác định lại giới tính (Điều 36) đối với những người bị khuyết tật hoặc chưa định hình chính xác về giới tính.
Năm 2008, nhằm hướng dẫn thực hiện Điều 36 của Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định số 88/2008/NĐ-CP quy định chi tiết về xác định lại giới tính đã ra đời. Tuy nhiên, một quy định trong Nghị định 88 là “Hành vi bị nghiêm cấm là thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính” đã vô hình trung dẫn đến hệ quả người chuyển giới (Transgender - là người mong muốn có giới tính khác với giới tính khi được sinh ra của mình) đã thực hiện phẫu thuật sẽ không được cấp chứng nhận y tế sau khi can thiệp y tế và vì thế không có căn cứ để đăng ký lại hộ tịch.
Trong khi đó, theo con số ISEE đưa ra, hơn 80% người chuyển giới không hài lòng với tên gọi khai sinh của mình, và hơn 69% gặp khó khăn với việc sử dụng tên gọi đó. 86,3% người chuyển giới muốn được thay đổi tên gọi trên giấy tờ, 10,1% người chuyển giới từng thử đi làm thủ tục thay đổi tên gọi (22 người), và duy nhất một (01) trường hợp đổi tên thành công, còn lại lý do vì luật không cho phép chiếm 52,4%; vì lý do đổi tên không chính đáng chiếm 33,3%...
Đây là một trong những thực tế đã dẫn đến kết quả ngày 24/11 Kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 trong đó có Điều 37 thuộc nhóm quyền nhân thân cho phép chuyển đổi giới tính:
“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và các luật khác có liên quan”.
Quy định này được xem là một bước tiến rất lớn trong việc công nhận, bảo vệ quyền lợi cho những người trong cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, vì những người chuyển giới Việt Nam sẽ được xác định lại tên họ, thụ hưởng các quyền nhân thân giống như các công dân bình thường khác theo giới tính mà họ đã chuyển đổi.
Tại sao không phải là quyền?
Bên cạnh việc quy định về chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn giữ quy định về quyền xác định lại giới tính (Điều 36 ) đã có trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Về mặt thuật ngữ y học “xác định lại giới tính” là để chỉ “quá trình mà những đặc điểm giới tính của một người được thay đổi bằng các biện pháp y học như phẫu thuật hoặc điều trị hóoc-môn” (theo định nghĩa của WPATH - Hiệp hội Chuyên môn Thế giới về sức khỏe chuyển giới).
Như vậy, cốt lõi khái niệm “xác định lại giới tính” nằm ở các biện pháp y học để thay đổi đặc điểm giới tính của một người, chứ không phân biệt là bộ phận sinh dục bẩm sinh của họ có “hoàn thiện” hay không.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, “xác định lại giới tính” bị giới hạn chỉ dùng với người “bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác” về giới tính, mà khoa học gọi là người “liên giới tính”. Một cách không chính thức, khái niệm “xác định lại giới tính” được hiểu là cho người liên giới tính, còn khái niệm “chuyển đổi giới tính” được dùng cho người chuyển giới.
Cách hiểu này đưa đến lập luận cho rằng người liên giới tính bị khiếm khuyết nên cần đưa họ trở lại về đúng “giới tính thật” của họ, còn người chuyển giới là hoàn toàn bình thường nên việc họ “tự ý” thay đổi cơ thể.
Phải chăng vì tư duy này mà trong Bộ luật Dân sự năm 2015, tuy cùng thuộc nhóm quyền nhân thân nhưng việc “xác định lại giới tính” được gắn với từ “quyền” còn việc “chuyển đổi giới tính” thì không? Như vậy, dù về bản chất y học của “xác định lại giới tính” và “chuyển đổi giới tính” là giống nhau nhưng đã bị phân biệt một cách không cần thiết.
Nhất thiết phải qua dao kéo mới được công nhận?
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho thấy cứ 5 người chuyển giới thì sẽ có khoảng 4 người có nhu cầu muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Số còn lại không muốn thì vì các lý do: pháp luật chưa cho phép 51,9%; điều kiện kinh tế chưa đủ 79,6%; sợ bị ảnh hưởng sức khỏe 38,5%; sợ bị kỳ thị 17,0%; gia đình không cho phép 42,7%.
Nhưng nội dung Điều 37 cho thấy quyền lợi chỉ thuộc về những người đã phẫu thuật chuyển giới. Trong khi đó, trong cộng đồng người chuyển giới có rất nhiều người không có mong muốn hoặc không đủ điều kiện để phẫu thuật chuyển giới, nhưng họ vẫn muốn được sống với giới tính thực sự của mình và được khai họ tên, hưởng các quyền nhân thân theo đúng giới tính đó. Tuy nhiên, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn chưa công nhận điều này.
Trên thực tế, có không ít người dù rằng ý thức được bản dạng giới của mình nhưng ý chí không muốn thực hiện phẫu thuật vì các lý do khác nhau. Ví dụ như trường hợp của Nguyễn Ngọc Tú là một người chuyển giới khá nổi tiếng trong cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới với nickname Tú Lơ Khơ.
Theo Tú, anh không có ý định phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn vì cuộc phẫu thuật bộ phận sinh dục từ nữ sang nam tốn rất nhiều tiền bạc và tỷ lệ thành công ở mức thấp hơn từ nam sang nữ. Mặt khác, phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn đồng nghĩa với việc phải hy sinh đi nhiều năm tháng tuổi thọ nên anh không muốn làm vì rủi ro quá lớn.
Từ trường hợp cụ thể của Tú, có thể thấy trong các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xây dựng, nhất thiết phải đề cập đến các vấn đề như: Điều kiện được chuyển đổi giới tính; dựa về y tế để nhận biết người nào cần chuyển đổi giới tính; Mức độ phẫu thuật chuyển giới để được pháp luật thừa nhận quyền nhân thân theo giới tính…
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi giới tính trực tiếp ảnh hưởng đến quyền nhân thân, quyền mưu cầu hạnh phúc và các quyền khác về hôn nhân - gia đình nên các văn bản quy phạm pháp luật cần làm rõ các vấn đề liên quan như:
Một người đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính, sau một thời gian thấy không phù hợp có được chuyển đổi trở lại giới tính khi sinh ra không; Người đã có gia đình, con cái có được chuyển đổi giới tính hay không vì theo pháp luật hôn nhân - gia đình điều này sẽ phá vỡ mô hình gia đình đã được luật định; Người đã chuyển giới có được quyền kết hôn hợp pháp hay không…