Nền đập bị bong tróc sạt lở, nhiều hạng mục xuống cấp
Công trình thủy lợi Đập cao su Nam Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị được khởi công xây dựng vào năm 1978 và đến năm 1983 thì đưa vào sử dụng. Đập có cấu tạo như một chiếc bao, với chiều dài 130m, đặt ngay trên phần tràn được xây dựng bằng bê tông cốt thép và giữa lòng sông có thể chứa tối đa 10 triệu m³ nước.
Công trình này đảm trách việc tưới tiêu cho trên 15.000 ha lúa, hơn 200 ha nuôi trồng thủy sản của 3 huyện, thị gồm huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị, đồng thời cung cấp nước dân sinh cho gần 100.000 người.
Nhiệm vụ của đập tràn cao su Nam Thạch Hãn là tràn xả lũ trên sông, tận dụng tối đa nguồn nước tưới tiêu và công tác chống hạn. Khi bình thường, tổ vận hành sẽ bơm đập cao su căng lên để trữ nước, khi mùa lũ thì xả hơi xuống để thoát lũ.
Sau đợt lụt bão vừa qua, tại khu vực đầu nguồn sông Thạch Hãn nước dâng cao, chảy mạnh khiến phần đuôi sau của đập tràn xả lũ Nam Thạch Hãn có gần 1.000m² bê tông cốt thép sân tiêu năng bị cuốn trôi, sụt lún nặng nề. Ngoài ra, phần kênh chính Nam Thạch Hãn đoạn K7 + 570 đến K7 + 650 với chiều dài trên 80m cũng bị sạt mái nghiêm trọng.
Chiều 29/10, phóng viên có mặt tại công trình Đập cao su Nam Thạch Hãn để thị sát tình tình, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều vị trí ở nền công trình bị bong tróc từng mảng lớn tạo thành những hố sâu; những tảng bê tông dày, rắn chắc đã bị vỡ vụn nay chỉ còn trơ sắt thép; phần thân công trình nhiều nơi xuất hiện mạch nước ngầm gây sụt lún, làm thành những hang rỗng lớn…
Trước đây, công trình đã nhiều lần được gia cố sửa chữa, tuy nhiên chỉ mang tính chất chắp vá, manh mún. Qua mấy chục năm sử dụng và tác động của dòng chảy nên nhiều hạng mục công trình nay đã bị xuống cấp hoàn toàn.
Mặt sân bê tông bị nứt nẻ, sụt lún, tạo thành những hố sâu |
Sự cố này khiến nhiều người dân ở hạ nguồn rất lo lắng. Nếu trong thời gian tới tình hình mưa bão còn tiếp diễn phức tạp thì nguy cơ vỡ đập rất cao. Nếu cơ quan chức năng không sớm có phương án khắc phục hợp lệ thì đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân gần khu vực luôn bị đe dọa.
Ông Hồ Trọng Long, Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn cho biết, sau trận lũ vào năm 2009, công trình này cũng từng xảy ra tình trạng sạt lở kiểu này. Hiện tại toàn bộ đuôi đập tràn đều có dấu hiệu xuống cấp, không đảm bảo an toàn.
Theo tính toán của ngành chức năng, mực nước từ thân đập cao su và hạ lưu chênh lệch nhau 8m. Trong thời kỳ cao điểm xả lũ, lượng nước qua tràn đạt khoảng 7.300m³/s, vì thế khả năng gây sạt lở, uy hiếp khu vực đầu mối hết sức lớn, nhất là đe dọa đến phần thân đập cao su vừa được đầu tư thay mới trong tháng 8 vừa rồi.
Dùng rọ đá để hạn chế xói lở thêm
Trước tình hình trên, ngày 28/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng các ban ngành liên quan đã có buổi thị sát hiện trạng sạt lở ở khu vực đập tràn và tổ chức họp khẩn cấp để tìm phương án khắc phục tạm thời.
Ông Trần Minh Thái, Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) đề xuất: “Trước tiên, cần xem xét lại dòng thấm qua đập. Đó là một trong những nguyên nhân đẩy làm mất nền ở phía dưới. Sau khi đã xử lý dứt điểm vấn đề về dòng thấm sẽ tiếp tục xử lý gia cố bề mặt trên của tràn”.
Để hạn chế tình trạng xói lở thêm, trước mắt Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đưa ra phương án gia cố tạm thời bằng rọ đá nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT và các viện nghiên cứu về thủy lợi để việc kiểm tra, khắc phục khoa học, chất lượng.
Đoàn lãnh đạo tỉnh kiểm tra hiện trường sạt lở đập Nam Thạch Hãn |
“Thời gian này, mưa lũ đang diễn biến phức tạp, nếu không khắc phục, xử lý kịp thời các điểm hư hỏng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình và vùng hạ du. Đây là vấn đề khẩn cấp, cần xử lí kịp thời vì vậy cần phải chọn đơn vị thi công đủ năng lực, tập trung phương tiện để hoàn thành việc khắc phục một cách sớm nhất. Và yêu cầu đơn vị thực thi phải đạt được 4 yêu cầu đề ra: Đó là đảm bảo an toàn, có tính khoa học; phương pháp tạm thời nhưng phải mang tính lâu dài; tiết kiệm nguồn kinh phí; và đảm bảo đúng tiến độ” – ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Việc sửa chữa đập cao su là vấn đề cấp thiết, và việc triển khai giải pháp trước mắt chỉ mang tính tình thế. Vì vậy, rất mong cơ quan chức năng sớm có những biện pháp khắc phục triệt để nhằm đảm bảo an toàn về lâu dài.