Kêu trời nhưng... xa
Theo phản ánh của nhiều người dân sống quanh khu vực CCN Tịnh Ấn Tây, từ khi các doanh nghiệp, nhà máy trong CCN đi vào hoạt động thì khí thải, nước thải ở khu vực này trở nên ô nhiễm trầm trọng.
Vì lợi ích kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã xả thải thẳng ra môi trường không qua xử lý, khiến khu vực suối cầu Dầm và suối cầu Kênh chạy qua địa bàn thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng đốt rác thải, bao bì nhựa từ các doanh nghiệp sản xuất nhựa khiến cho không khí vốn trong lành bị “đầu độc” từng ngày.
Dẫn chúng tôi ra đoạn kênh phía sau CCN Tịnh Ấn Tây, ông Lê Văn Ánh (ngụ thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây) cho biết: “Trước đây đoạn kênh này nước trong xanh, nhiều cá, tôm người dân có thể tắm rửa, nhưng nay là dòng kênh chết, vì quá ô nhiễm nên không loài cá, tôm nào sống nổi... Không những thế, kênh còn bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nước ô nhiễm bắt nguồn từ CCN, tình trạng ô nhiễm diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng trầm trọng nhất là thời gian gần đây. Ra đến gần kênh, thở thôi là đã muốn ói”.
“Đồ ăn, thức xuống vừa để xuống ruồi đã bu lại cả bầy, ăn cơm phải vô mùng ngồi ăn, đúng là ăn không ngon ngủ không yên. Quần áo phơi bên ngoài cũng bị ám mùi hôi. Nhiều bữa quần áo hôi quá phải giặt lại”, ông Ánh bức xúc.
Chung nỗi bức xúc, ông Trần Văn Tuấn (ngụ thôn Độc Lập) cho hay, việc ô nhiễm diễn ra lâu nhưng ngày càng tăng dần, gần đây không chịu nổi, ban đêm là giờ nghỉ ngơi của người dân nhưng khoảng từ 21 đến 23h, mùi hôi khét dữ dội.
“Có hôm qua 12h đêm vẫn không tài nào ngủ được vì mùi hôi khét bốc lên nông nặc. Thôn xóm giờ đây ô nhiễm, độc hại lắm rồi. Các nhà máy trong CCN Tịnh Ấn Tây đốt nhựa trực tiếp rất hôi khét. Họ thải khí thải không qua xử lý nên hôi thối khủng khiếp”, ông Tuấn bức xúc.
Ông Trần Thanh Hải (ngụ thôn Độc Lập) bức xúc nói: “Khổ nhất là những ngày mưa xong rồi nắng lên, mùi hôi thối không chịu nổi. Hai năm nay, tôi cho bà cụ phải xuống nhà chú ở, chứ sức khoẻ yếu không chịu được mùi xú uế bốc lên nằng nặc. Trong thôn đã có nhiều người mắc bệnh viêm xoang, chỉ mong cấp trên có phương án xử lý để dân đỡ khổ”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn suối cầu Kênh chạy qua thôn Quyết Thắng (phường Trương Quang Trọng), nước kênh đen kịt, bốc mùi hôi thối.
“Nhiều hôm đi giăng lưới ở dưới suối, tôi nhìn thấy nước lợn cợn, mỡ trôi lềnh bềnh. Hôm nào lội từ dưới suối lên thì người hôi thối khó chịu và ngứa ngáy”, ông Nguyễn Văn Quyền (ngụ thôn Quyết Thắng) cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xung quanh CNN Tịnh Ấn Tây có hơn 600 hộ dân sinh sống, trong đó có hơn 200 hộ dân ở thôn Độc Lập chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự ô nhiễm môi trường của CCN này. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Các ngành chức năng cũng đã nhiều về lần kiểm tra và xử phạt một số doanh nghiệp vi phạm nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết.
Ông Đỗ Kim Sâm - Trưởng thôn Độc Lập, cho biết: “Ô nhiễm ở CCN Tịnh Ấn Tây hiện trầm trọng lắm rồi. Dân hoang mang vì sống trong hôi thối, ăn cơm phải đóng cửa. Nhờ cấp trên giải quyết cho thỏa đáng chứ để thế này không chỉ bây giờ mà chắc chắn sau này con cháu cũng dễ bệnh tật”.
Nước thải ô nhiễm được các nhà máy, xí nghiệp thải ra môi trường liên tục |
Nhiều lần xử lý vẫn lén lút xả nước thải
CCN Tịnh Ấn Tây được đầu tư vào năm 2005 và chính thức đi vào hoạt động năm 2007. Hiện nay, có 19 nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động với các ngành nghề chế biến nước mắm, sản xuất giấy, sản xuất bột mì, sản xuất nhựa… đều là các cơ sở có phát sinh nước thải.
Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ. Nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh tập trung vào việc đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà chưa quan tâm thích đáng đến công tác bảo vệ môi trường, xử lý các chất thải.
Qua tìm hiểu được biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở CCN Tịnh Ấn Tây có nhiều nguyên nhân. Đa số các cơ sở này đều được UBND huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) xác nhận đăng ký hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường. Nhưng điều đáng nói, các cơ sở này chỉ có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ như xử lý nước thải sinh hoạt bằng bể tự hoại, nước thải sản xuất chỉ lắng sơ bộ rồi thải ra kênh Sơn Tịnh. Hiện nay, CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải của một số cơ sở sản xuất chỉ lắng cặn rồi thải ra môi trường.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Quảng Ngãi, trong thời gian qua, đơn vị này phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường Công an TP.Quảng Ngãi đã theo dõi, giám sát hoạt động của nhà máy, doanh nghiệp sản xuất trong CCN Tịnh Ấn Tây và bắt quả tang các cơ sở như: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoàng Hảo, Công ty cổ phần giấy Thiên Long, Công ty TNHH SXTM Trang Khánh Linh, DNTN Minh Phú có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn từ 2 đến dưới 5 lần và thực hiện không đầy đủ nội dung cam kết bảo vệ môi trường.
Sau khi xử lý, một số công ty đã khắc phục như Công ty cổ phần giấy Thiên Long đã đầu tư 2 tỷ đồng để trang bị hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn. Tuy nhiên, theo chủ công ty này để bảo vệ môi trường về lâu dài thì việc trang bị hệ thống thu gom và khu xử lý nước thải tập trung cho CCN này là điều rất cần thiết.
Trong khi hệ thống thu gom và khu xử lý nước thải tập trung chưa có thì một số công ty lại lén lút bơm nước thải ra môi trường.
Mới đây, ngày 25/7, Đội Cảnh sát môi trường Công an TP.Quảng Ngãi bắt quả tang Nhà máy sản xuất giấy Hiệp Thành đang có hành vi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Hoạt động xả nước thải lén lút ra môi trường như thế này được nhà máy thực hiện từ 2 đến 3 lần trong một tuần, trung bình khoảng từ 8 đến 9m3 nước thải chưa qua xử lý ra môi trường trên một lần thải.
Trước thực trạng trên, nhiều lần Công an TP.Quảng Ngãi tham mưu UBND TP.Quảng Ngãi trình UBND tỉnh và được duyệt kinh phí trang bị hệ thống thu gom và khu xử lý nước thải tập trung cho CNN Tịnh Ấn Tây. Tuy nhiên, đến nay hệ thống này vẫn chưa đi vào xây dựng, người dân tiếp tục phải chịu ô nhiễm môi trường.
Theo ông Võ Quang - Phó chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi, hiện nay CNN Tịnh Ấn Tây đang được điều chỉnh mở rộng thêm 25ha. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất tại đây. Vì thế, việc sớm đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung là rất cần thiết nhằm đảm bảo môi trường sống cho người dân và thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững. Dự kiến, việc đầu tư này sẽ hoàn thành vào năm 2018.