Tại xã Tân Tiên, lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay, nước sông Bùi đã rút khoảng 1,5m. Nước ngập trong đồng ruộng đã cao hơn mặt nước sông Bùi. Một số tuyến đường liên xã đã thông. Người dân ở khu vực nước đã rút đang từng bước ổn định cuộc sống. Hiện xã Tân Tiến còn 367 hộ dân bị ngập sâu, xã Nam Phương Tiến còn 530 hộ, nhiều hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản bị thiệt hại...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu đảm bảo đời sống cho người dân vùng ngập úng. |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Y tế tập trung phòng dịch, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó; tập kết sẵn sàng thuốc, phun thuốc không để phát sinh dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng lực lượng đặc biệt thi công cơ giới chuẩn bị nền, gia cố đoạn đê bị sạt lở cũng như toàn tuyến đê; đồng thời đôn đốc các công ty thủy lợi bơm tiêu hết công suất, trong 15 ngày hết ngập, không được để ngập lâu 40 ngày như năm 2008.
Về lâu dài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Sở Quy hoạch kiến trúc và huyện phối hợp để khảo sát lại, rút kinh nghiệm, xem xét phương án di dời dân lên vùng cao bởi thực tế huyện Chương Mỹ thường xuyên bị ngập qua các trận lụt năm 2008, 2013 và năm nay.
Các vùng trũng chỉ để chăn nuôi, canh tác với hệ thống chuồng đặc thù chống ngập; quy hoạch các trạm điện thế cao hơn các vùng khác, phù hợp với thực tế tránh cháy chập…
Trước mắt đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân những thôn bị cô lập và toàn bộ người dân bị ảnh hưởng. Công tác phòng dịch phải đi đầu và đặc biệt quan trọng, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Hiện ở Chương Mỹ nước sông Bùi đã rút khoảng 1,5m. Nước ngập trong đồng ruộng đã cao hơn mặt nước sông Bùi. Một số tuyến đường liên xã đã thông.
Người dân ở khu vực nước đã rút đang từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, xã Tân Tiến vẫn còn 367 hộ dân bị ngập sâu, xã Nam Phương Tiến còn 530 hộ, nhiều hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản bị thiệt hại nặng.
Người dân đang ổn định cuộc sống. |
Liên quan đến đảm bảo đời sống cho người dân vùng lũ, để phòng chống dịch bệnh, ngày 16/10, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác đáp ứng y tế tại huyện Mỹ Đức và tặng thuốc phòng bệnh cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị UBND xã, Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế đảm bảo bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, chuẩn bị phương tiện, thuốc men để sẵn sàng tiếp nhận và khám sức khỏe cho người dân.
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức, trạm y tế xã đóng gói, phát và hướng dẫn người dân cách sử dụng cloramin B, phèn chua để xử lý nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo vệ sinh an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh về da, mắt…
Xã Hợp Thanh cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân vùng ngập úng biết cách chủ động phòng tránh các dịch bệnh thường gặp khi mưa lũ như sốt xuất huyết, sốt rét, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, các bệnh về tiêu hóa, tiêu chảy, tả, lỵ, rắn cắn, điện giật, đuối nước...
Đặc biệt, lên kế hoạch chuẩn bị ngay phương án nước rút đến đâu hỗ trợ người dân xử lý môi trường ngay đến đó; thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết theo quy định, không làm ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của người dân; vận hành các máy phun, bình phun hóa chất xử lý kịp thời môi trường đảm bảo tốt sức khỏe cho người dân…