Gần 1 tuần nay, người dân 2 thôn Văn Ly và Phú Tây (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn) liên tục có phản ánh về tình trạng hàng chục chiếc ghe hút cát đứng danh nghĩa Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển Gia Lộc (Cty Gia Lộc, đóng tại huyện Điện Bàn), kéo về bờ sông Thu Bồn (đoạn chảy qua địa phương) hút cát. Mỗi chiếc ghe có sức chứa từ 90m3 trở lên, hoạt động liên tục các ngày trong tuần từ 5-7 giờ sáng.
Ông Hồ Văn Lân (người dân thôn Văn Ly) cho biết, trước khi các ghe đến đây hút cát, người dân không được xã thông báo, không được mời họp. “Không biết họ khai thác có phép hay không phép nhưng hàng chục chiếc ghe đến hút cát, sẽ làm sụt lún đất sản xuất của thôn nên người dân rất bức xúc”, ông Ly nói.
Trước đây, để bảo vệ bờ sông khỏi sạt lở, người dân trong thôn vận động mua cây bói về trồng. Tuy nhiên, với tình trạng hàng chục chiếc ghe ồ ạt hoạt động như vậy, việc giữ đất của cây bói cũng mất tác dụng. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục, thời gian tới, đất sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ bị “hà bá” nuốt sạch.
Cũng lời ông Lân, dù dân ngăn cản nhưng các ghe vẫn “phớt lờ” và tiếp tục hoạt động. Do đó, hai bên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Đặc biệt, trong ngày 28/9, thấy dân có mặt nêu ý kiến, các chủ ghe còn thách đố, chửi tục dẫn đến va chạm, lấy đá đánh nhau. “Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ đất của thôn. Vì vậy, nếu làm gì thì cũng phải thông qua dân, họp và có ý kiến trước đã”, người dân thôn Văn Ly nêu quan điểm.
Đáng nói, theo ông Lân và những hộ dân thôn Văn Ly, khi những ghe này đến hút cát, người dân ra ngăn cản thì lãnh đạo xã Điện Quang lệnh cho Trưởng Công an xã lên can thiệp, bảo vệ để các ghe tiếp tục công việc. Ngoài ra, trong quá trình hút, có 1 ghe nhỏ của Cty Gia Lộc đi thu 1 triệu đồng/ghe. Ông Lân diễn giải, việc này đồng nghĩa, Cty Gia Lộc cho thêm các ghe khác bên ngoài vào làm “chui” và thu tiền. Với hơn 10 ghe hút luân phiên, ước tính Công Gia Lộc thu hàng chục triệu đồng mỗi ngày.
Cách thôn Văn Ly khoảng 200m là thôn Phú Tây, người dân cũng bức xúc tương tự. Quan sát khu vực ven sông Thu Bồn qua thôn Phú Tây, cảnh sạt lở khủng khiếp kéo dài hàng chục mét. Trong khi đó, bên ngoài sông, những ghe cát vẫn tấp nập ra, vào hút cát ở giữa sông. Người dân thông tin, trước đây bờ sông nằm cách mép nước trên 100m, mấy năm gần đây do sạt lở, nước “ngoạm” vào sâu hơn 100m, kéo theo hàng chục hécta đất sản xuất của người dân bị “biến mất” hoàn toàn.
Các hộ dân khẳng định, một trong những nguyên nhân làm cho đoạn sông Thu Bồn qua thôn sạt lở nặng là do tình trạng khai thác cát trên sông gây ra. Thời gian gần đây, thấy bờ sông Thu Bồn thuộc thôn Phú Tây sạt lở nặng, các ghe hút cát mới dịch chuyển lên khoảng 200m về hướng thôn Văn Ly.
Làm việc với PV, ông Hà Văn Minh, Phó Chủ tịch xã Điện Quang cho biết, mỏ cát ở thôn Văn Ly và Phú Tây đã được tỉnh Quảng Nam cấp phép tháng 8/2015 cho Công Gia Lộc. Đơn vị này đã tiến hành khai thác cát được 1 năm. Về vấn đề có họp dân để thông báo, ông Minh khẳng định “đã họp nhưng nhiều người không đi nên không biết”.
“Cty khai thác đã có quyết định của tỉnh cấp phép. Chính quyền không thể ngăn cản. Nhưng ngược lại, dân họ lo ngại cũng đúng. Hiện tại, nếu vấn đề sạt lở lớn quá, dân có thể làm đơn. Trên cơ sở đó, xã sẽ đề nghị cấp trên xem xét lại”, ông Minh nói.
Ông Minh cung cấp thêm, trước khi cấp phép cho Cty Gia Lộc, các cơ quan chức năng đã kiểm tra rà soát và làm theo đúng quy trình. Đối với đoạn sông Thu Bồn đoạn qua thôn Phú Tây, thực tế đã bị sạt lở trước đây nhiều năm, do mưa lũ chứ hoàn toàn không liên quan đến Cty Gia Lộc. Theo ông Minh, về giải pháp, chỉ có xây kè mới hết sạt.