Chủ trương trên cũng khiến chính quyền và người dân Đà Nẵng lo ngại, bởi thượng nguồn sông Vu Gia là nơi cung cấp 99% nhu cầu nước sạch cho thành phố ven biển. Trước đó, nhà máy này nhiều lần bị người dân quanh khu vực tập trung phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm môi trường.
Tác động môi trường như nào, bồi thường ra sao?
Ngày 23/9, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký thông báo về việc thống nhất cho phép Công ty TNHH Thép Việt Pháp (chủ đầu tư) được chọn địa điểm để lập dự án đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ.
Sau khi có dư luận lo ngại việc xây dựng nhà máy gây ô nhiễm, tỉnh Quảng Nam ra nhiều văn bản khẳng định nước thải sản xuất của nhà máy không thải ra môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn. Bụi, khí thải ra môi trường đạt quy chuẩn.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND huyện Nam Giang, cho biết chính quyền địa phương đã tiến hành họp dân để thông báo nội dung trên, qua đó có hai vấn đề người dân băn khoăn là việc đặt nhà máy thép trên địa bàn sẽ tác động tới môi trường như thế nào, và mức bồi thường tái định cư cho họ ra sao.
Trưởng thôn Hoa cho biết, thôn có 118 hộ, trong đó gần 20 hộ nằm trong vùng dự án xây dựng nhà máy thép, số còn lại ở cách khoảng 1 km. Tại vị trí đặt nhà máy, nguồn nước không đổ trực tiếp ra lưu vực sông Vu Gia, vì có ngọn núi chắn qua. Nước ở đây theo khe suối đổ xuống đoạn xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc rồi mới ra sông Vu Gia.
Theo trưởng thôn này, trong tháng 9, lãnh đạo huyện và Công ty thép Việt Pháp đã mời người dân trong vùng dự án đến họp để công bố chủ trương. Tại đây, phía công ty cho rằng, phạm vi ảnh hưởng bụi, khí thải trong bán kính khoảng 500m, công ty đầu tư hệ thống xử lý nguồn nước thải của nhà máy.
“Nghe nói vậy, bà con phần nào yên tâm, nhưng thời gian qua trên báo chí đưa nhiều thông tin trái chiều, nên bà con lại lo lắng. Ví dụ nói khói bụi chỉ ảnh hưởng bán kính 500 m, nhưng khói bụi gặp gió thì gần 100 hộ dân sống cách nhà máy 1km cũng sẽ chịu ảnh hưởng”, trưởng thôn cho hay.
Các hộ dân bày tỏ lo lắng không biết đền bù như thế nào, và khi chuyển đến vùng tái định cư, nếu không có đất sản xuất thì sẽ sinh sống ra sao. Còn một người dân nằm trong vùng dự án, phản ánh khu đất mà nhà máy thép dự kiến chuyển đến có vị trí "đẹp nhất nhì vùng Thạnh Mỹ", bởi quả đồi chủ yếu là đất không có đá, giáp với quốc lộ 14.
Người dân cũng cho biết, cạnh khu vực quy hoạch đặt nhà máy thép đã có Nhà máy xi măng Xuân Thành, nước mưa theo khe, mương từ nhà máy xi măng chảy về ảnh hưởng đến nương rẫy khiến nhiều người dân bất bình, nay thêm nhà máy thép thì người dân càng khó đồng tình.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cho biết, sắt thép là lĩnh vực vực mới, từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn và muốn thay đổi miền núi thì phải có doanh nghiệp đầu tư. Vì thế, về tinh thần, lãnh đạo huyện “hoàn toàn ủng hộ" và cho hay Công ty thép Việt Pháp đã khảo sát cho thấy thôn Hoa, nằm trong cụm công nghiệp Thạnh Mỹ, gần Nhà máy xi măng Xuân Thành, có quỹ đất phù hợp với hơn 17ha.
Người dân Điện Bàn từng dựng lán phản đối nhà máy thép Việt-Pháp |
Di dời đến vị trí “nhạy cảm”
Chủ trương di dời nhà máy thép đến lưu vực sông Vu Gia cũng khiến tỉnh hàng xóm của Quảng Nam là Đà Nẵng lo ngại. Lưu vực sông Vu Gia đang cung cấp khoảng 250 nghìn m3/ngày đêm cho Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng), chiếm 99% nhu cầu nước sạch của thành phố Đà Nẵng.
Lo ngại khi nhà máy thép đặt tại đây sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã gửi văn bản đề nghị tỉnh Quảng Nam chia sẻ thông tin để giải thích cho người dân.
"Chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm, đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của thành phố Đà Nẵng", văn bản nêu.
Ông Thơ cho biết, theo nội dung tại Kết luận số 26 giữa Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng ngày 27/4/2016 về hợp tác, hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn phải được xem xét, lấy ý kiến của hai địa phương và các cơ quan Trung ương có liên quan.
Phản hồi văn bản của phía Đà Nẵng, ngày 11/10, ông Huỳnh Khánh Toàn (Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam) cho biết, nhà máy thép đặt tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1 đi vào hoạt động đã gây ra tiếng ồn và khí thải từ ống khói. Mặt khác do gần với khu vực đông dân cư nên dẫn đến sự phản đối của người dân.
Do vậy, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương di dời Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tới khu vực xa dân cư. Địa chỉ được chọn khảo sát tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ.
Theo ông Toàn, việc xem xét quyết định đầu tư của dự án chỉ được thực hiện khi đảm bảo quy định về đánh giá tác động môi trường và các quy định có liên quan.
"Trong quá trình đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Quảng Nam xác định không đánh đổi môi trường để tăng trưởng và luôn quan tâm đến các tác động của các dự án đến đời sống nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận, nhất là khu vực hạ du lưu vực các sông", ông Huỳnh Khánh Toàn nêu quan điểm.
Ông Toàn cho biết, nhà máy luyện cán thép Việt Pháp dự kiến triển khai tại thôn Hoa chủ yếu sản xuất các loại phôi thép sử dụng nguyên liệu là sắt thép phế liệu để nấu (không sử dụng quặng và than cốc). Công nghệ sản xuất sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép, nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải.
Bụi, khí thải từ 4 lò luyện cảm ứng và khí thải trên nóc 2 phân xưởng được thu gom qua quạt hút đến Xyclon màng nước (công đoạn 1), sau đó đến tháp bọt, hấp thụ ướt (công đoạn 2), đến hệ thống hấp thụ ướt dạng sóng và tách nước (công đoạn 3) với ống khói cao 30m để thải ra môi trường. Riêng chất thải rắn và chất thải nguy hại được hợp đồng thu gom với đơn vị chức năng.
Nước thải sinh hoạt của nhà máy chủ yếu là nước thải vệ sinh và nước thải nhà ăn sẽ được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Còn nước thải sản xuất chủ yếu là nước làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, không thải ra môi trường.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam khẳng định công nghệ sản xuất của Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp là nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép, khác với Formosa Hà Tĩnh là tổ hợp các nhà máy luyện cán thép, nhiệt điện...; Formosa Đồng Nai là khu liên hợp nhà máy sợi - hạt nhựa - nhiệt điện, không có nhà máy luyện cán thép.
Dân nhiều lần dựng rào phản đối nhà máy thép
Trong những năm trước, nhiều lần người dân xã Điện Nam Đông (Điện Bàn, Quảng Nam) mang cây cối, gạch đá dựng barie án ngữ hai đầu đường vào Công ty TNHH Thép Việt Pháp do nghi ngờ nhà máy này gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người còn dựng lán và thay phiên nhau canh gác 24/24 không cho ôtô cũng như công nhân ra vào.
Không thể thuyết phục được người dân, đại diện doanh nghiệp phải gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng. Lực lượng chức năng xã Điện Nam Đông đến tháo dỡ rào chắn nhưng bị người dân phản đối quyết liệt nên đành phải ra về.
Trong một buổi đối thoại trực tiếp giữa người dân và doanh nghiệp tại trụ sở xã, tình hình trở nên căng thẳng khi đại diện Công ty Thép Việt Pháp bày tỏ: "Hoặc là di dời người dân đi nơi khác, hoặc là di dời chúng tôi đi chứ chúng tôi không thể nào chịu cảnh này được nữa".
Phát biểu này làm nhiều người dân bức xúc, yêu cầu chính quyền di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và tuyên bố sẽ tiếp tục dựng hàng rào ngăn cản công ty hoạt động. Họ cho biết, đã quay lại những lần ống khói của công ty thép tỏa khói đen, tiềm ẩn mối nguy hại cho môi trường.