Từ “lon” không chỉ có một nghĩa
Những ngày qua, dư luận xôn xao vì công văn của Cục Văn hóa cơ sở (VHCS), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) gửi các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola. Theo công văn, việc Coca-Cola Việt Nam quảng cáo trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Để kịp thời xử lý và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nêu trên, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các cơ quan: Kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”; tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo… với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng-rôn. Với phương tiện giao thông, màn hình và các phương tiện quảng cáo khác: Kiểm tra, yêu cầu chỉnh sửa hoặc tháo dỡ sản phẩm quảng cáo có sử dụng cụm từ trên; Tiến hành xử lý vi phạm theo quy định...
Ngay sau đó, một số ý kiến đặt vấn đề từ “lon” có tội tình gì mà cấm và trích dẫn nhiều ý kiến của các chuyên gia về ngôn ngữ học cho rằng cụm từ “Mở lon Việt Nam” “vô hại, không vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Theo các ý kiến này, từ “lon” chỉ có một nghĩa duy nhất là vật để đong hay múc gạo, nước.
Thực tế, thì từ “lon” có nhiều nghĩa. Thứ nhất , “lon” là một dụng cụ dùng để đo lường các chất có thể tích nhỏ như lon gạo, lon nước. Hoặc là dụng cụ dùng để đựng các chất nếu thấy hợp lý như lon bia. Tại một số tỉnh miền Bắc, để đong gạo nấu ăn hàng ngày, người ta tận dụng lon sữa bò dùng hết khoét nắp và gọi đó là cái lon. Cứ 4 lon gạo không đong đầy có ngọn thì có trọng lượng khoảng 1kg.
Thứ hai, từ “lon” còn có nghĩa khác là quân hàm. Theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, quân hàm là hệ thống cấp bậc trong QĐND Việt Nam. Hệ thống cấp bậc này còn được áp dụng trong lực lượng Công an, do đó hệ thống quân hàm này còn được gọi chung là quân hàm các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Dù từ “lon” không được ghi trong luật nhưng đây là một từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp, được sử dụng từ thời Pháp đến nay. Quân đội một số chế độ cũ cũng sử dụng từ “lon” với nghĩa là quân hàm. Theo đó, “Đeo lon” là mang quân hàm, “Lên lon” là thăng quân hàm và “Lột lon” là tước quân hàm. Thực tế, từ “lon” với nghĩa quân hàm không hề xa lạ với người Việt Nam và được báo chí sử dụng khá nhiều.
Quyết định cấm của Cục VHCS là có căn cứ
Một chuyên gia pháp lý cho biết, trong cụm từ “Mở lon Việt Nam”, các ý kiến bênh vực chỉ xoáy vào phân tích từ “lon” mà không phân tích hết cảc cả cụm từ dẫn đến hiểu nhầm trầm trọng.
Không thể ngụy biện “Mở lon Việt Nam” ai cũng biết là “mở lon Coca-cola ở Việt Nam” vì là slogan thì “phải viết thế mới hấp dẫn”. Nếu sử dụng từ “mở lon Coca-Cola” thì không sao nhưng sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” là không phù hợp. Thực tế trong văn nói và văn viết cũng ít ai dùng từ “mở lon”, mà là bật nắp chai, khui lon, khui nắp chai (bia, nước ngọt)...
Gọi “lon Coca-Cola” thì được, gọi “lon Việt Nam” là không được. “Mở lon Việt Nam” không cần suy diễn nhiều, thì về nghĩa đen biết hiểu sao: Việt Nam được ví là một cái lon để doanh nghiệp hay người uống mở? Hay mở lon (quân hàm) Việt Nam? Mở quân hàm cho Việt Nam có ý nghĩa gì, nghĩa bóng là gì, có nên sử dụng hay không? Việc quảng cáo như vậy là xúc phạm.
Theo chuyên gia trên: “Từ đó cho thấy, theo tôi, việc ra quyết định cấm của Cục VHCS là có căn cứ. Theo khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo văn bản hợp nhất số 47/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018, quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo thì “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”. Ở đây, việc quảng cáo của Cocacola là chưa chính xác, rõ ràng nên việc Cục VHCS yêu cầu Cty Coca-Cola Việt Nam chỉnh sửa lại là đúng.
Theo khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo văn bản hợp nhất số 47/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 quy định về những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thì hành vi bị cấm là “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Quảng cáo trên là trái với văn hóa người Việt.
Mặt khác, doanh nghiệp quảng cáo đã vi phạm về việc sử dụng thương hiệu quốc gia (ở đây là tên Việt Nam) để quảng cáo nhãn hàng của mình. Theo luật, những biểu tượng mang tính quốc gia như tên nước, quốc kì, quốc huy, tên các danh nhân... nếu không có phép mà sử dụng tùy tiện là vi phạm Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ”.
Cuối cùng, Coca-Cola Việt Nam nói rằng không thể đổi lon thành chai, hộp được. Tuy nhiên ở đây nên quảng cáo đúng nội dung của mình, chỉ cần nói “lon Coca-Cola” thì ai chẳng hiểu, kể cả đứa trẻ con.
Trả lời báo chí, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTTDL) đã đưa ra nhiều phân tích: “Trong tiếng Việt không có từ lon Việt Nam. Chưa kể bản thân chữ lon đặt cạnh cái khác là rất phản cảm và thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ. Ví dụ như có thể thêm dấu, thêm mũ, thêm rất nhiều thứ”. Cũng theo bà Hương, thì “tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng như vậy”. Từ đó, Cục đề nghị các Sở VHTTDL các địa phương kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca Cola đã tiếp nhận; yêu cầu kiểm tra, chỉnh sửa hoặc tháo dỡ các sản phẩm quảng cáo có sử dụng cụm từ trên và tiến hành xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Theo công văn phản hồi từ phía nhãn hàng Coca - Cola, Công ty nhận sơ sót đã không xét đến các yếu tố ngữ văn khác trong cụm từ khi thiết kế quảng cáo này; đồng thời thông báo sẽ nhanh chóng hoàn tất cập nhật nội dung quảng cáo mới trên tất cả các phương tiện quảng cáo như truyền hình, kỹ thuật số và bảng hiệu quảng cáo ngoài trời trong tuần đầu tháng 7/2019. Theo đó, Công ty cam kết luôn tuân thủ nghiêm túc với các quy định về sản xuất, kinh doanh và pháp lý được quy định bởi Việt Nam.
Đỗ Trang