Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, nhiều cơ quan ban ngành của tỉnh phải vào cuộc quyết liệt khẩn trương để nhằm ngăn chặn và dập dịch. Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hoá đã tham gia tích cực trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu phi.
Sau khi dịch tả lợn Châu phi bùng phát tại Thanh Hoá, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nghiêm túc, kịp thời trong toàn lực lượng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổng cục Quản lý thị trường. Các Đội QLTT quản lý địa bàn tại các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện ngay các nhiệm vụ:
Tiếp tục triển khai kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 21/2/2019 Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Văn bản số 325/TCQLTT-CNV ngày 20/2/2019 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường phòng chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn Châu Phi; Văn bản số 2449/UBND-NN ngày 05/3/2019 của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Văn bản số 452/TCQLTT-CNV ngày 8/3/2019 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi…
Chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời thành lập để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch. |
Tham gia công tác phòng chống dịch tả lợn Châu phi, Cục QLLL Thanh Hoá đã cử 08 cán bộ tham gia các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại 04 chốt giao thông: Chốt tại khu vực xã Thành Vân, huyện Thạch Thành; chốt tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân; chốt tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn; chốt tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành và 04 cán bộ tham gia 02 trạm kiểm dịch động vật: Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây và Trạm kiểm dịch động vật và thủy sản Tĩnh Gia theo Quyết định số 724/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời giao cho Quyền Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường địa bàn cử 43 cán bộ tham gia 43 chốt cho tại các chốt, trạm do UBND huyện, thị xã, thành phố thành lập.
Các Đội QLTT được phân công phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tham gia các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, trực tại các trạm/chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra - vào địa bàn; tham gia thống kê các tổ chức cá nhân có trang trại nuôi lợn, cơ sở giết mổ để tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh trái phép động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Cụ thể: Giao Đội QLTT số 9, số 16 và các Đội QLTT địa bàn tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, trong đó chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thịt lợn mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng dịch, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.
Lãnh đạo Cục, các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, đôn đốc các Đội QLTT trực thuộc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, của Tổng cục QLTT và Cục QLTT trong công tác chống dịch, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh. Qua đó, xử lý 5 vụ; phạt hành chính 32,5 triệu đồng; Tiêu hủy 281 con và 320 kg lợn bị bệnh dịch tả lợn châu phi; Trị giá lợn tiêu hủy 786 triệu đồng.
Sau hơn 1 tháng dịch tạm lắng, khi các xã thuộc huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa… công bố hết dịch, một số địa phương như: Hoằng Hóa, Thọ Xuân… thông báo đã cơ bản kiểm soát dịch, thì dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát trên diện rộng tại các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Triệu Sơn với tốc độ lây lan nhanh hơn trước. Tính đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá đã có 856 hộ với 9.462 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, với trọng lượng 621.864 kg. Dịch hiện đã xuất hiện tại 135 xã của 20 huyện rải đều từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đến các huyện miền núi cao như Quan Sơn, Quan Hóa… Điều này cho thấy việc phòng chống dịch hiện nay vẫn cần phải được thực hiện ở mức cao nhất, không thể chủ quan, lơ là.