Bán cơm 4 năm nhưng chưa hề biết quy định về an toàn thực phẩm
Theo đại đa số ý kiến người dân, việc “siết chặt” quản lý, đảm bảo an toàn trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm là điều đáng mừng, thể hiện nếp sống văn minh, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Gần ba năm trước, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30/2012/TTBYT về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cở sở kinh doanh ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố và mới đây Thông tư 57 của Bộ Công Thương có hiệu lực song để kiểm soát bằng những Thông tư này là điều không dễ.
Theo quy định tại Thông tư 57, chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất phải có giấy xác nhận kiến thức về ATTP do cơ quan có thẩm quyền cấp; chủ cơ sở có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho bản thân và những người trực tiếp tham gia sản xuất của cơ sở định kỳ ít nhất 1 lần/năm tại cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên.
Hồ sơ khám sức khỏe phải được lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất và người sản xuất phải có giấy xác nhận đủ sức khỏe để sản xuất thực phẩm do cơ sở y tế cấp quận, huyện trở lên cấp.
Với quy định mới này, phần nào giảm nhẹ được những mối lo ngại của dư luận về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay khi hàng loạt cơ sở chế biến nhỏ lẻ bị phanh phui sử dụng chất cấm, không đảm bảo quy trình.
Xét trên phương diện ý nghĩa, quy định những người trực tiếp sản xuất khám sức khỏe hàng năm là vô cùng hợp lý, bởi khi những đầu vào, quy trình sản xuất được đảm bảo an toàn thì sản phẩm đầu ra cũng đảm bảo sạch sẽ.
Quy định là vậy nhưng nhiều người cho rằng những điều quy định trong Thông tư mới dường như chỉ là “có hiệu lực trên giấy”.
Trong khi người tiêu dùng phấn khởi đồng tình thì những chủ cơ sở sản xuất dường như chẳng mấy mặn mà. Hầu hết, từ những người bán hàng rong, nước giải khát, thức ăn nhẹ cho tới những quán cơm, phở,...vẫn đang hoạt động bình thường.
Khi được hỏi về các quy định trong Thông tư 57 của Bộ Công Thương thì hầu hết người bán đều không biết một số nội dung cơ bản của Thông tư này.
Ví dụ phải khám sức khoẻ định kỳ và tổ chức khám sức khoẻ cho những người tham gia công việc kinh doanh của cơ sở. Địa điểm kinh doanh phải bố trí tại nơi không bị ngập nước, đọng nước, ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại. Nền nhà phẳng, thoát nước tốt, không gây trơn trượt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh; trần nhà không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc và đọng nước. Nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm sử dụng để chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế,...
Chị Lê Thị Xuân, chủ quán cơm tại khu vực Hà Đông cho hay: “Tôi chưa biết gì về quy định này và cũng chưa được cơ quan nào phổ biến. Tôi bán quán cơm được gần 4 năm nay nhưng chưa bao giờ đi khám sức khỏe, lo làm bận tối mắt thời gian đâu mà đi khám, nguyên liệu tôi mua ngoài chợ, làm gì có hóa đơn xuất xứ nguồn gốc, chỉ biết mua chỗ quen, tin tưởng”.
Một người khỏe, cả nhà đều khỏe?
Mặt khác, trong Thông tư ghi rõ “chủ cơ sở và những người trực tiếp tham gia sản xuất” phải khám sức khỏe định kỳ thì đa phần những hộ sản xuất này chỉ cắt cử 1 người đi khám, vì “khám nhiều thì đóng nhiều phí, cứ để 1 người đi thôi”. Ngoài ra, không ít trường hợp chủ cơ sở đi khám nhưng người chế biến, sản xuất thực phẩm là những nhân viên được chủ cơ sở thuê làm.
“Thông tư 57 quy định chủ cơ sở phải khám sức khỏe, nhưng nếu họ không trực tiếp sản xuất, mà thuê người làm thì việc khám sức khỏe không có hiệu quả cho việc đảm bảo ATTP. Và một khi, các quy định không thuyết phục, khó thực hiện sẽ dẫn đến cơ chế “xin - cho”, mua giấy khám sức khỏe, mua giấy xác nhận kiến thức về ATTP. Điều này đỏi hỏi chủ cơ sở phải có ý thức trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của mình, đi khám vì sức khỏe người tiêu dùng chứ không chỉ vì cho đủ thủ tục”, một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật đầu tư cho hay.
Hiện cả nước có hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể. Nếu các hộ kinh doanh nhỏ lẻ này đều phải có giấy xác nhận kiến thức về ATTP và giấy khám sức khỏe định kỳ thì việc kiểm tra chấp hành quy định đối với lực lượng chức năng cũng không đơn giản.
Bên cạnh đó, có thể nói, với việc khám bệnh sơ sài ở một số cơ sở cùng với tâm lý người khám, khám cho đủ thủ tục như hiện nay, việc đảm bảo phát hiện mầm bệnh cũng như những bệnh lý truyền nhiễm là khó hiện thực. Thông thường, có những bệnh truyền nhiễm phải qua thời gian ủ bệnh rất kỹ trước khi phát tác và cần những xét nghiệm tổng thể, gắt gao mới phát hiện được bệnh.
Có thể nhận thấy, đối với lĩnh vực ATTP cần tập trung chú trọng vào “hậu kiểm” chứ không phải “tiền kiểm”. Cấp phép, đăng ký là các giải pháp “tiền kiểm” dễ nhất, thuận tiện nhất với cơ quan nhà nước, họ được quyền cấp phép và khi có trục trặc thì thu hồi là xong trách nhiệm.
Trong khi đó, vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tuân thủ các điều kiện mà Nhà nước đặt ra. Khi chỉ chú trọng vào tiền kiểm thì doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh sẽ chỉ chú trọng vào “chạy chọt” xin cấp phép, đủ điều kiện rồi bỏ mặc như vậy vô tình trung sẽ đẩy những quy định đó xa rời thực tiễn.