Nỗi day dứt về những người đồng đội đã hy sinh...
Chàng trai trẻ Phạm Văn Nghiêm (quê ở Xuân Áng, Hoa Lư, Ninh Bình) nhập ngũ ngày 1/5/1966, khi mới 17 tuổi, biên chế tại Đại đội 11, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 101. Sau thời gian được huấn luyện, Trung đoàn nhận lệnh vào chiến trường Cồn Tiên - Dốc Miếu (Quảng Trị), tiến đánh địch trận đầu ở thung lũng Bà Nghén và đồi Phú Ân. Trận đánh trên đồi Phú Ân năm 1967, Đại đội 11 của ông Nghiêm là đơn vị chiến đấu chủ lực.
Ông Nghiêm nhớ lại: “Sau loạt pháo kích, tiếng gào thét từ đỉnh đồi vọng xuống, tiếng hô “xung phong” cất lên, cả Đại đội 11 ào ào như thác đổ, tiêu diệt 140 lính Mỹ trong 10 hầm công sự. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng rồi phải rút lui gấp vì bị pháo từ Cồn Tiên rót ra phản công. Sau đó, đại đội kiểm quân mới biết 7 đồng chí hy sinh và không thể đem thi thể về được”.
Sau hơn 1 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, trong một trận đánh, ông Nghiêm chịu sức ép của bom tọa độ, cùng một vài mảnh đạn găm trên đầu, ông được đưa ra Bắc chữa trị với thương tật 78%. Xuất viện sau gần 1 năm chữa trị, ông công tác tại Cục Quân khí, Tổng cục Hậu cần đến năm 1975. Sau giải phóng, ông Nghiêm được đi học tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ rồi công tác tại trường và nghỉ hưu theo chế độ vào đầu năm 2005. Hiện ông Nghiêm làm đại diện Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 101 tại Hà Nội.
Ông Nghiêm cho biết, như có một sự linh tính nào đó, ngay sau khi nghỉ hưu, ông chợt nhớ đến việc trong thời gian đi điều dưỡng đầu năm 1968, ông tình cờ thấy bài viết về đồng đội cũ Trần Minh Nghĩa trên Báo Quân đội Nhân dân. Ông kể: “Khi đó, tôi ghi vào bộ nhớ được vì năm ấy sáng nào đài báo cũng phát ra rả. Báo Giải phóng, Báo Quân đội, Báo Nhân dân, Đài phát thanh phát ầm ầm về chiến công của thằng Nghĩa ở trận đánh đồi Phú Ân”.
Sau đó, ông Nghiêm nhiều lần tìm tới Tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân để hỏi về những số báo năm 1968 ấy. Sau những ngày tháng cất công tìm kiếm, ông thu thập được 13 bài báo về tấm gương anh dũng chiến đấu của đồng chí Trần Minh Nghĩa. Thời ấy, do có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Trần Minh Nghĩa được bầu làm Chiến sĩ thi đua Mặt trận B5, Mặt trận B3. Với 21 tuổi đời, 3 năm 1 tháng tuổi quân, đồng chí Trần Minh Nghĩa đã được thăng quân hàm đại úy và chức vụ tiểu đoàn phó.
Ông Nghiêm nghẹn ngào tâm sự: “Liệt sĩ Trần Minh Nghĩa là tấm gương anh hùng trong thời chiến cũng bị lãng quên sau 40 năm, 7 đồng đội hy sinh, mất xác ở đồi Phú Ân cũng chẳng ai còn nhớ. Tôi chỉ muốn làm một điều gì đó, xây một tấm “Bia tưởng niệm” để nhớ và tri ân những người đồng đội của tôi”.
Ông Nghiêm trao danh sách hơn 300 liệt sĩ Ninh Bình chưa tìm được hài cốt cho ông Bí thư Đảng ủy xã Hải Thái |
Xây dựng chốn đi về cho đồng đội...
Nung nấu ý tưởng xây “Bia tưởng niệm” đồng đội ở Phú Ân, ông đã nhiều lần gửi thư về Bộ Tư lệnh Hải quân (Trung đoàn 101 là tiền thân của Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ Việt Nam) về trường hợp của liệt sĩ Trần Minh Nghĩa và trận đánh đồi Phú Ân. Sau đó, Bộ Tư lệnh Hải quân trả lời, ông trực tiếp cùng các cán bộ Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ lập hồ sơ xét truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang với liệt sỹ Trần Minh Nghĩa.
Sau khi hoàn thành tâm niệm đầu tiên, ông Nghiêm lại dốc tâm sức thực hiện tâm nguyện xây “Bia tưởng niệm”. Tháng 5/2007, ông Nghiêm bắt đầu những chuyến đi về Quảng Trị với mục đích tìm về chiến trường xưa. Ông thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và dò hỏi về khu An Cát Khê cùng đồi Phú Ân, tuy nhiên lần đầu không thu thập được thông tin gì.
Tháng 9/2007, ông quay lại Quảng Trị một lần nữa. Lần này, ngồi trong chiếc xe chạy ngược lên Nghĩa trang Trường Sơn, ông bất chợt nhìn thấy tấm biển “Cầu Phú Ân” bên vệ đường. Người đầu tiên ông Nghiêm gặp khi dừng chân ở cầu Phú Ân là ông Phan Văn Oanh (56 tuổi). Chính ông Oanh là người dẫn ông Nghiêm tìm lại vị trí những hầm công sự của cứ điểm đồi Phú Ân. Tìm lại được chiến trường năm xưa, ông bồi hồi lặng người, những hình ảnh về những trận đánh ác liệt cứ hiện rõ mồn một trong đầu ông.
Một đêm cuối tháng 6/2011, ông Nghiêm một mình thức trắng đêm tự tay thiết kế khu Bia tưởng niệm các đồng đội hy sinh tại trận đánh đồi Phú Ân. Ông lấy ý tưởng từ cổng Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ Việt Nam (tiền thân là Trung đoàn 101) tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dòng chữ “Bia tưởng niệm” nằm giữa nền cờ đỏ, bên cạnh ngôi sao vàng, kế bên là lưỡi lê cùng nòng súng AK cách điệu.
Chỉ trong vòng 27 ngày (từ 1/7-27/7/2011), ông cùng 3 người thợ địa phương đã xây dựng hoàn thiện khu Bia tưởng niệm. Nguyên vật liệu gồm gạch, đá ốp… được vận chuyển từ thành phố Đông Hà lên bằng xe tay kéo. Còn toàn bộ những chiếc đèn đá, lọ hoa đá, chân nến đá… đều được ông Nghiêm lặn lội vận chuyển từ quê hương Ninh Bình vào.
Trong khu Bia tưởng niệm, ở giữa là bài vị ghi công các anh hùng liệt sỹ, bên trái là đôi dòng về trận đánh Phú Ân, bên phải là danh sách các liệt sỹ của Đại đội 11 hy sinh trong trận chiến trên đồi Phú Ân năm ấy.
Kể từ đó, hàng năm, ông đều vào Quảng Trị, tìm đến Bia tưởng niệm, thắp hương, thủ thỉ cùng đồng đội những câu chuyện xưa cũ. Ông không quên mang theo những phong lương khô, thực phẩm chính của bộ đội những ngày kháng chiến, vào để mời những người đã sát cánh cùng ông trong 2 năm chiến đấu ở Quảng Trị. Nhưng như thấy chưa đủ để trả nợ những người đã ngã xuống, từ đầu năm 2015, ông Nghiêm đã nhiều lần về Ninh Bình, làm việc với từng xã của huyện Gia Viễn để thống kê danh sách liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt. Danh sách này hiện tại đã có hơn 300 cái tên.
Và ông trao danh sách những chiến sĩ ấy cho Bí thư xã Hải Thái (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) với một mong muốn có thể tìm được hài cốt những người đồng đội đồng hương của mình hoặc ít nhất ông có thể đặt danh sách những cái tên ấy vào Bia tưởng niệm, để những người đã hy sinh có nơi chốn đi về.
Ông tâm sự: “Bia tưởng niệm sẽ là nhà đồng đội, là nơi để chúng tôi, những người may mắn được trở về sau chiến tranh gặp gỡ và tưởng nhớ những người đồng đội của chúng tôi. Ở đấy những câu chuyện đã cũ, xảy ra cách đây hơn 40 năm sẽ được chúng tôi kể lại, thì thầm với vong linh đồng đội để họ biết rằng, họ không bị lãng quên”.