Trong đời mình, Nguyễn Thông đã có nhiều tác phẩm văn học để lại cho đời, như “Ngọa du sào thi văn tập”, “Độn Am văn tập”, “Kỳ Xuyên văn sao”, “Kỳ Xuyên công độc”… và ở lĩnh vực sử học, đến nay tác phẩm “Việt sử thông giám cương mục” của ông vẫn được đánh giá cao về những bổ chính cho sử nước nhà.
Không chỉ nghiệp văn thơ có dấu ấn, mà Nguyễn Thông còn được biết đến là một nhà yêu nước nhiệt thành giữa buổi Tây xâm. Nhưng ở đây, ta còn được biết rằng, trong quãng thời gian làm quan, vị quan họ Nguyễn còn từng bị vướng án hại thân. Sự thể án ấy, ta cùng lần mở trong đời làm quan của ông.
Khổ học thành tài
Trước khi bước ra từ khoa cử để làm ông quan được dân tin yêu, thì đoạn đường dùi mài nghiên bút của Nguyễn Thông cũng muôn phần vất vả, nhưng lại đạt được thành tựu xứng đáng. Theo “Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ” cho biết, thì cậu bé Thông thuở nhỏ được cha là nhà nho nghèo Nguyễn Hanh dạy học tại nhà. Nhờ có tư chất thông minh, học nhanh mà nhớ lâu, nên chữ thánh hiền tiếp thu nhanh lắm.
Thế rồi, năm 17 tuổi, cha qua đời, gia đình lại khó khăn, Nguyễn Thông phải lao động để phụ giúp gia đình. Gia cảnh bần hàn, không có tiền để học thầy, Nguyễn Thông bèn cùng em là Hài tự học, tự đọc sách và trao đổi, giảng nghĩa cho nhau. Sau này, Nguyễn Thông ra Huế định xin vào học nơi Quốc Tử Giám nhưng không thành, đành phải quay về. May sao có Tri phủ Nguyễn Nhữ Hiền trị nhậm đất Tân An, Thông theo học, rồi sau này lại ra Huế học với Phan Thanh Giản…
Nhờ chăm chỉ đèn sách, nên khi sức học đã đầy, chim bằng đã đến lúc tung cánh, thì ở tuổi 21, chàng thanh niên ấy “lều chõng” đi thi. “Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ” cho biết, Nguyễn Thông dự thi ở trường thi Gia Định. Kết quả, ông là á khoa khoa thi Hương năm Kỷ Dậu (1849). Hiềm nỗi, đến năm Tân Hợi (1851) khi thi Hội, Thông lại bị trượt.
Việc không được ghi tên bảng vàng khoa thi Hội năm Tân Hợi, cũng có nguyên do riêng. Nguyên do là bài thi dù làm tốt, nhưng lại bị lấm mực, nên quan chấm thi đánh hỏng đi. Đọc bài thi của chàng trai tài năng này, thấy sở học uẩn súc lắm nên nhiều người khuyên Thông tiếp tục học để đợi kỳ thi sau; nhưng không nặng gánh công danh, Nguyễn Thông dừng nghiệp bút nghiên, nhậm chức Huấn đạo ở đất An Giang, bắt đầu làm ông quan ăn lộc nước.
Đường làm quan
Bắt đầu với chức Huấn đạo nơi đất Phong Phú, đến năm Bính Dần (1856), ông được Nội các đề cử thăng hàm Hàm lâm viện tu soạn, sung vào Nội các. Cũng cùng năm này, với kiến thức uyên thâm, Nguyễn Thông được tham gia biên soạn bộ “Khâm định Nhân sự kim giám”.
Hai năm sau, nơi đất Sơn Trà, tàu đồng, súng ống của liên quân Pháp – Tây Ban Nha uy hiếp Đà Nẵng, đất nước bước sang một trang sử mới đầy biến loạn. Và quan họ Nguyễn, cũng không đứng ngoài cuộc. Năm Kỷ Mùi (1859), ông tham gia chống Pháp dưới quyền chỉ huy của Thống đốc quân vụ Tôn Thất Cáp. Sang năm Tân Dậu (1861), ông về đất Tân An quê hương, liên lạc với Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghi chống Pháp.
Sang năm Nhâm Tuất (1862), ông được triều đình cử làm Đốc học Vĩnh Long. Ông chính là người viết “Văn Miếu tân kiến ký” nhân việc Văn Miếu ở Vĩnh Long được xây dựng xong. Khi quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, năm Đinh Mão (1867), ông cùng với nhiều nhân sĩ “tị địa” ra Bình Thuận, không hợp tác với giặc, rồi triều đình bổ ông lãnh chức Án sát Khánh Hòa.
Chân dung Nguyễn Thông |
Bước sang năm sau, vua điều ông về kinh giữ chức Biện lý bộ Hình, rồi làm Bố chánh Quảng Ngãi năm Kỷ Tỵ (1869). Ở đất này, ông làm được nhiều việc cho dân như khơi kênh ngòi, đắp đập…
Những năm về sau, Nguyễn Thông còn kinh qua nhiều chức vụ khác như Chủ sự Ty Thù ứng ở bộ Lễ (Giáp Tuất, 1874), Tư nghiệp Quốc Tử Giám (Bính Tý, 1876), Doanh điền sứ tỉnh Bình Thuận, Bố chánh tỉnh Bình Thuận (Đinh Sửu, 1877)… nhưng trên hết, dù ở cương vị nào, ông cũng tận tâm với chức nhiệm. Khi nước yên, lo việc cai quản, chăm dân. Khi quốc biến, hăng hái tham gia đánh giặc với nghĩa “trung quân, ái quốc”.
Chịu án trượng lại được dân thương
Cái đức làm quan của quan họ Nguyễn, được “Những danh sĩ miền Nam” ngợi ca là: “Tuy làm quan, nhưng Nguyễn Thông luôn tỏ ra thanh liêm, trong sạch. Đối với dân, ông luôn thương yêu và chăm lo hết mực. Trái lại, đối với những kẻ xấu, lợi dụng quyền thế để ức hiếp nhân dân, ông thẳng tay trừng trị”. Giữa chốn quan trường đầy nhiễu nhương, bao nhiêu tệ tham ô, nhũng lạm, cửa quyền của những kẻ áo mão, đi hia, thì Nguyễn Thông lại như sen thơm giữa bùn tanh vậy. Cứ điểm những gì ông làm được khi “ăn lộc nước”, hẳn rõ.
Nơi “Quốc triều Hương khoa lục” có ghi sơ lược về ông: “Nguyễn Thới Thông (đổi là Nguyễn Thông). Người thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh. Làm quan tới chức Bố chánh Quảng Ngãi, bị cách, được phục hàm Quang lộc tự thiếu khanh sung Phó sứ Điển nông…”.
Cái nguyên cớ bị cách chức của ông ở đất Quảng Ngãi, chính là lúc ông bị vướng án đấy. Bởi làm quan thanh liêm, chính trực, nên Nguyễn Thông rất được lòng dân, thế nên mới có chuyện dưới đây mà hiếm kẻ làm quan nào có thể đạt được. Ấy là vào dịp nhằm năm Tân Mùi (1871), “Đại Nam thực lục” cho biết bấy giờ, Nguyễn Thông làm Bố chánh Quảng Ngãi, “vì xử nhầm việc án mạng nên phải tội đồ, bị cất chức”.
Sử nhà Nguyễn ghi vắn tắt là vậy, nhưng tìm hiểu trong “Những danh sĩ miền Nam”, ta được biết là…vì ông ngay thẳng, trong sạch, nên bọn cường hào ở nơi đây xem ông như cái gai nhọn trong mắt chúng, phải nhổ bỏ đi. Từ đó mới dẫn tới việc lợi dụng lòng tốt của ông, tên cường hào Lê Doãn đã vu cáo, đổ tội cho Nguyễn Thông là xử án sai.
Thế là vị quan liêm chính “bị cách chức, phạt giam và đưa ra xét xử”. Từ người ngồi chốn công đường xử việc, ông Bố Chánh sứ lại bị giam vào nhà lao, chức tước mất hết. Đến khi xử, Nguyễn Thông còn bị phạt trượng và giam giữ.
Nhưng, như quan niệm của dân gian xưa, thì trời chẳng phụ người hiền. Biết ông bị oan, nên dân chúng trong vùng lấy làm thương xót cho vị “phụ mẫu” lắm. May sao vừa gặp dịp Khâm sai triều đình là quan Thượng thư bộ Công Nguyễn Bính có việc qua đây.
Thế là như “Thực lục” ghi “dân trong hạt và biền binh đến trước Bính kêu rằng: hạt ấy đất xấu dân nghèo, mà viên ấy đến trị nhậm, đào ngòi lạch, đắp bờ đê, cấm trấp tệ hại của nha lại, đè nén những kẻ cường hào, dân được tiện lợi nhiều lắm, nhưng công việc cũng chưa làm xong, nay nghe tin phải mất chức, như mất người nhờ cậy.
Xin cho viên ấy ở lại, may ra xong được công việc ấy”. Vậy là, những việc “ích nước lợi dân” đã làm trước đó của Nguyễn Thông được dân thấu hiểu, nhớ cái ơn ấy kêu xin lên triều đình. Nhờ vậy, sau khi Khâm sai Nguyễn Bính tâu việc này về triều, vua Tự Đức xét sự tình, liền y cho. Dẫu tấm thân yếu ớt phải chịu đòn phạt, để rồi sau này dẫn đến đau ốm mà mất, nhưng Nguyễn Thông hẳn lấy làm ấm lòng bởi được dân tin, dân yêu vậy.