“Sở chỉ huy” ngay trước mặt địch
Thảo Cầm Viên được nhiều người Sài Gòn gọi với cái tên quen thuộc là Sở thú, dù nơi đây bảo tồn cả động vật lẫn thực vật. Đây là vườn thú có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới với diện tích khoảng 17ha. Khuôn viên rộng lớn này tọa lạc gần hạ lưu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với hai cổng vào nằm ở số 2B đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và số 1 đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Nghé, quận 1).
Bên cạnh công tác chăm sóc và bảo vệ hàng ngàn giống loài động thực vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc cạn kiệt, Thảo Cầm Viên còn là chứng nhân lịch sử với nhiều di tích ghi giấu những chặng đường hình thành, phát triển của thành phố. Trong đó, có một di tích lịch sử cấp thành phố thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và đông đảo du khách - di tích quán Nhan Hương, một cơ sở bí mật của biệt động Sài Gòn-Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Xác định phương châm “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, năm 1963, Bộ Tư lệnh Miền tìm kiếm địa điểm phù hợp để xây dựng cơ sở hoạt động bí mật. Khi đó, Thảo Cầm Viên được xem là địa điểm lý tưởng mà địch không thể nào ngờ tới. Hơn nữa khi hoạt động sẽ đảm bảo được yếu tố bí mật bởi đây là nơi tham quan, vui chơi giải trí thu hút đông người, các cán bộ cách mạng có thể ra vào dễ dàng mà không bị nghi ngờ. Thảo Cầm Viên còn nằm gần các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn nên thuận lợi cho việc chỉ đạo các chiến dịch.
Sau khi Bộ Tư lệnh Miền quyết định chọn Thảo Cầm Viên để xây xây dựng cơ sở hoạt động ẩn giấu sau quán ăn, ông Nguyễn Văn Tửng, một cơ sở biệt động Sài Gòn, sinh năm 1913 tại Trà Vinh, đã đứng ra thành lập quán bằng khoản tiền tích cóp cá nhân và đặt tên quán là Nhan Hương, theo tên người vợ đã mất của ông. Để bảo đảm an toàn, bí mật, ông Tửng bố trí nhân viên phục vụ quán đều là con cháu, người nhà của ông và đều một lòng tin tưởng, ủng hộ cách mạng. Vừa núp bóng kinh doanh để hoạt động cách mạng, gia đình ông Tửng vừa dành nguồn thu cung cấp hỗ trợ tài chính cho cách mạng.
Các mô hình thực khách, quân lính, người phục vụ, đồ ăn và không gian quán Nhan Hương xưa được dựng lại. |
Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn, kể lại: sau một thời gian hoạt động, Bộ Tư lệnh Miền đánh giá đây là nơi hoạt động rất an toàn, bí mật và hiệu quả. Quán Nhan Hương trở thành cơ sở nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo cấp quân khu, chỉ huy lực lượng biệt động và cán bộ các nơi đến thành phố công tác, nhận chỉ thị của lãnh đạo cấp trên. Đây cũng là “sở chỉ huy” giao nhiệm vụ, động viên tinh thần anh em trước các trận đánh.
Suốt thời gian dài tồn tại ngay trong lòng địch (1963-1975), hằng ngày, khách đến quán Nhan Hương có nhiều sĩ quan Mỹ và nhân viên an ninh phục vụ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Thế nhưng địch không hề phát hiện dấu hiệu khả nghi nào, ngược lại trong rất nhiều cuộc ăn nhậu của đối phương, các “nhân viên” phục vụ quán đã nắm được nhiều bí mật quân sự của phía bên kia. Những thông tin này đã được ông Tửng thu thập, đối chiếu, báo lên trên để kịp thời có biện pháp ứng phó.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, 74 tuổi, cháu nội của ông Nguyễn Văn Tửng cho biết, lúc bấy giờ bà đã biết ông nội mình đi theo cách mạng nên bản thân bà mỗi khi đến quán cũng rất cẩn thận, đề cao cảnh giác và tự ý thức bảo vệ ông nội cùng các đồng chí của ông. Những người trong gia đình luôn coi việc an toàn, bảo mật là trách nhiệm của mình. Điều này đã góp phần giúp quán Nhan Hương hoàn thành tốt nhiệm vụ trong vai trò vỏ bọc để hoạt động cách mạng.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quán Nhan Hương là hậu cứ quan trọng cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập, đài phát thanh Sài Gòn, bộ tổng tham mưu, đại sứ quán Mỹ, bộ tư lệnh hải quân... làm lung lay tận gốc chế độ Việt Nam Cộng hòa. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân, nguyên cán bộ Phòng Quân báo Miền (A54), Trưởng ban liên lạc khối điệp báo đơn vị A54 khu vực phía Nam, kể lại, từ trước Quốc khánh năm 1974, quán Nhan Hương dừng mọi hoạt động bí mật, các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tại đây lại tất bật chuẩn bị công tác đón, dẫn đường cho bộ đội giải phóng miền Nam năm 1975.
Công tác phối hợp giữa Phòng Quân báo Miền với các cơ sở cách mạng, trong đó có quán Nhan Hương, rất chặt chẽ, tuyệt đối bí mật và bảo đảm an toàn cho cơ sở. Nhiều thông tin từ quán Nhan Hương chuyển về đã được cấp trên chọn lọc, điều chỉnh, bổ sung phương án tác chiến trong các trận đánh của lực lượng biệt động, góp phần vào Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Không chỉ là điểm tham quan
Nhiều năm qua, vào các dịp lễ, các cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn thường xuyên trở lại quán Nhan Hương để gặp mặt, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời gian khổ, hiểm nguy nhưng rất đỗi tự hào. Đã bao nhiêu năm qua đi, những chiến sĩ năm xưa bây giờ kẻ mất người còn, những ai có thể góp mặt cũng đều đã đầu hai thứ tóc, vẫn bùi ngùi xúc động mỗi khi đặt chân đến chốn cũ. Ở đó, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cựu binh rưng rưng trước những kỷ vật, những tấm ảnh đen trắng của đồng chí đồng đội úa màu thời gian.
Dịp Tết độc lập 2/9 năm nay, cựu binh Nguyễn Văn Thân lại trở về “căn cứ” cũ. “Năm 1965, tôi bắt đầu đến quán Nhan Hương hoạt động, nhiệm vụ của tôi chủ yếu là thu thập thông tin của quân địch, do lúc đó tôi nằm trong đơn vị Hải quân của Việt Nam Cộng hòa. Để truyền tin cho đồng đội, chúng tôi thường có ám hiệu với nhau như: mặc áo gì, cầm mũ gì… bước vào quán và truyền thông tin cho đồng đội. Tại quán, trong suốt thời gian hoạt động, tôi thường truyền tin tức biến động của Hải quân Việt Nam Cộng hòa, các bản đồ tác chiến, bản đồ vị trí ém quân của địch…”, ông Thân kể lại.
Không chỉ là nơi hội ngộ của những người lính biệt động, quán Nhan Hương sau này được trùng tu, bảo tồn, bổ sung tư liệu, hiện vật để phục vụ tham quan, giáo dục lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã bố trí không gian tái hiện cảnh buôn bán, sinh hoạt của gia đình ông Nguyễn Văn Tửng với nhiều khu vực như nhà bếp, nơi nấu ăn, chỗ ngủ, các bàn ăn, khu vực tính tiền… để ghi dấu một cơ sở cách mạng trong Thảo Cầm Viên ngay giữa lòng Sài Gòn.
Thu hút khá đông du khách tham quan, quán Nhan Hương để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều người. Điều thú vị là với diện tích khoảng 100 m2, nơi đây vừa đảm bảo hoạt động của một quán ăn, kiêm phục vụ cà phê, giải khát nhưng khó khăn nhất là phải thực hiện được các nhiệm vụ một cách bí mật. Để làm được điều đó, chủ quán phải xây dựng những căn hầm bí mật ở khu vực quầy tính tiền, trên trần nhà... để chứa thông tin, tài liệu mật được truyền tới. Hay như hầm giấu vũ khí phía sau quán được nguỵ trang thành bồn chứa mạt cưa để đun nấu phục vụ cho quán.
Ngoài kiến thức lịch sử, văn hóa ẩm thực, kiến trúc Nam bộ thời xưa, nhiều bạn trẻ cho biết họ thêm ý thức được sự gian khổ, ác liệt trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các thế hệ đi trước. Có lẽ vì vậy mà quán Nhan Hương cũng được nhiều phụ huynh chọn làm nơi tham quan, giáo dục con em mình chẳng những kiến thức lịch sử mà còn bồi dưỡng tình yêu cuộc sống, quê hương gia đình.