Chính quyền không chấp thuận phương án… do mình đề xuất
Theo phản ánh và nguyện vọng của không ít người dân tổ 15C khu 2 phường Nông Trang, TP Việt Trì và hàng chục hộ dân khác: Năm 1985, thực hiện chủ trương của Nhà nước cùng nhân dân làm nhà ở, hàng chục hộ dân đều có biên bản và quyết định giao đất của UBND TP Việt Trì từ năm 1993 và trước đó để làm nhà ở.
Tuy nhiên, do vướng đường điện của Nhà máy liên hợp Dệt Vĩnh Phú, các hộ dân phải xây dựng cách đường điện 6m. Năm 1994, đường điện được di chuyển, đồng thời từ đó đến nay các hộ dân đã sử dụng diện tích lưu không này và hầu hết các hộ gia đình đã xây dựng cửa hàng, quán bán hàng từ đó đến nay không bị xử lý.
Vào tháng 7, 8/2016, UBND phường Nông Trang có giấy mời các hộ gia đình tại băng 1 đường Hùng Vương, đoạn từ trụ sở Viettel đến ngõ rẽ vào Nhà văn hóa khu 6A (trừ các hộ kinh doanh lều quán đang thuộc quy hoạch dự án Hùng Vương Center); Trưởng khu dân cư 1A, 2A, 2B, 6A và Tổ trưởng các tổ có liên quan… với nội dung thống nhất các phương án để xử lý phần diện tích phía trước thửa đất các hộ.
Trên cơ sở hai phương án do UBND phường Nông Trang đã đề xuất (phương án 1: Hợp thức phần diện tích phía trước và nộp tiền sử dụng đất theo quy định, phần còn lại làm vỉa hè có độ rộng khoảng 8-10m; phương án 2: Không hợp thức, giải phóng mặt bằng toàn bộ để làm giao thông tĩnh), các hộ dân đã có đơn gửi Thành ủy, UBND TP Việt Trì, Đảng ủy và UBND phường Nông Trang đề nghị xem xét hợp thức hóa cho người dân theo quy định của pháp luật và phù hợp với nguyện vọng của người dân.
Tuy nhiên, UBND phường Nông Trang đã có văn bản trả lời bà Nguyễn Thị Kỳ, Tổ trưởng 15C, khu 2B Nông Trang và các hộ dân rằng sau khi tổng hợp, báo cáo Thành ủy, UBND TP Việt Trì, “đề nghị của các hộ dân không được chấp nhận”.
Quyết cưỡng chế… bất chấp yêu cầu của tỉnh
Ngày 10/1 và ngày 23/2/2017, UBND phường Nông Trang đã ban hành Văn bản số 02/TB-UBND và số 13/TB-UBND về việc tháo dỡ, giải phóng mặt bằng… thực hiện chỉnh trang đô thị đối với các hộ dân thời gian từ 13/2 đến ngày 6/3/2017.
Không đồng ý, các hộ dân đã có đơn gửi UBND tỉnh Phú Thọ. Ngày 17/3/2017, UBND tỉnh Phú Thọ có Văn bản số 951/UBND-KTN “Về việc kiểm tra, giải quyết đơn của các hộ dân tổ 15C, khu 2B phường Nông Trang” gửi Sở TNMT, Sở Xây dựng và UBND TP Việt Trì thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ: giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP Việt Trì kiểm tra đề nghị của các hộ dân, đề xuất hướng giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/3/2017.
“Người dân chúng tôi không hề được biết về nội dung đề xuất hướng xử lý của Sở TNMT được báo cáo với UBND tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên ngày 4/4/2017, UBND phường Nông Trang vẫn có các quyết định “Về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm đối với các hộ dân” và ngày hôm sau (5/4/2017), UBND phường Nông Trang tiếp tục ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện cưỡng chế tại băng 1, đường Hùng Vương đoạn A9-A11 thuộc các khu 2A, 2B và 6A vào 8 giờ ngày 10/4/2017 đối với chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Kỳ - Tổ trưởng tổ 15C, khu 2B Nông Trang bức xúc.
Mặc dù ngày 7/4/2017, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục có Văn bản số 1323/UBND-KTN “Về việc xử lý đơn của một số hộ dân tổ 15C, khu 2B” gửi Chủ tịch UBND TP Việt Trì với nội dung: “...Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau: Yêu cầu UBND TP Việt Trì căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử lý các nội dung đề nghị trong đơn của một số hộ dân tổ 15C, khu 2B theo quy định của pháp luật. Trong quá trình xử lý, phối hợp với các sở chuyên ngành để thực hiện đảm bảo đúng quy định, phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1214/QĐ-TTg ngày 30/7/2015. Thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết và thực hiện.
Vậy nhưng bất chấp, sáng 10/4 trực tiếp ông Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch UBND phường Nông Trang vẫn chỉ đạo lực lượng tiến hành cưỡng chế đối các hộ dân trước sự ngao ngán, bất bình của người dân và dư luận.
Để “cầu cứu”, người dân đã điện thoại cho Chủ tịch UBND TP Việt Trì và ông Lê Hồng Vân – Chủ tịch UBND TP Việt Trì đã chủ trì cuộc đối thoại với các hộ dân ngay tại trụ sở UBND TP, có đại diện Phòng TNMT và Chủ tịch UBND phường Nông Trang – ông Nguyễn Ngọc Anh... Sau khi nghe trình bày của đại diện các hộ dân và Tổ trưởng tổ 15C, ông Vân cho biết: Vì mới nhận được văn bản của UBND tỉnh, nên để có thời gian xem xét lại kiến nghị của các hộ dân. “Tôi đề nghị ông Anh cho dừng ngay việc cưỡng chế để thảo luận các ngành, họp dân và nếu hợp thức TP phải báo cáo tỉnh”, ông Vân nói.
Báo PLVN sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh vụ việc trên.
Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy) cho biết: Trong xử lý vi phạm hành chính (VPHC) cần chú ý đến thời hiệu xử lý VPHC và biện pháp khắc phục hậu quả. Về thời hiệu xử lý VPHC, khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý VPHC năm 2012 quy định: “Điều 6. Thời hiệu xử lý VPHC
1. Thời hiệu xử phạt VPHC được quy định như sau: a) Thời hiệu xử phạt VPHC là 01 năm, trừ các trường hợp sau: VPHC về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt VPHC là 02 năm…
b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt VPHC quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau: Đối với VPHC đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với VPHC đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
c) Trường hợp xử phạt VPHC đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt VPHC.
d) Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt VPHC được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt”.
Như vậy, việc xác định thời hiệu để xử phạt VPHC hết sức quan trọng. Nếu những vụ việc dù vi phạm pháp luật nhưng đã hết thời hiệu để xử lý VPHC thì cơ quan chức năng không thể xử lý VPHC được.
Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý về biện pháp khắc phục hậu quả, theo quy định pháp luật thì việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do VPHC vẫn được thực hiện trong cả trường hợp hết thời hiệu xử phạt. Luật Xử lý VPHC quy định nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép.
Do đó, đối với những trường hợp cá nhân có hành vi VPHC trong lĩnh vực đất đai bị cơ quan chức năng xử phạt VPHC cần xem xét kỹ các quyết định hành chính có liên quan. Đồng thời họ cũng phải xem xét, tìm hiểu kỹ về lịch sử, nguồn gốc đất đai, cá nhân sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chứng từ nộp thuế cũng như các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật. Nếu không đồng ý với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan chức năng, cá nhân đó có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính.