Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, tỷ lệ thanh thiếu niên bị trầm cảm ngày càng nhiều hơn. Kết quả nghiên cứu của BV tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) với trên 1.200 học sinh ở Hà Nội (bậc tiểu học và THCS), có gần 19,4% học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần chung, trong số các ca tự tử có 10% ở lứa tuổi từ 10 đến 17, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực học hành.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, đối với trẻ em, áp lực học tập và kì vọng của bố mẹ là một trong những gánh nặng đè lên vai con cái, khiến chúng bị lo âu. Bố mẹ vô tình tạo áp lực khiến trẻ bị trầm cảm.
Một hiệu trưởng bậc tiểu học ở TP HCM kể, sự “cuồng” điểm 10 của phụ huynh dẫn đến việc họ không bao giờ hài lòng về con. Có trường hợp bố mẹ lên trường đề nghị xem lại vì sao con chỉ đạt điểm 8, điểm 9, họ nói đó là “nỗi nhục của gia đình”. Theo bà, chính áp lực này từ phía phụ huynh đẩy con trẻ vào nỗi sợ hãi tột cùng vào những đợt kiểm tra, đợt thi lẽ ra rất nhẹ nhàng. Họ không chấp nhận khi con mình chưa đạt điểm tuyệt đối ở tất cả môn, hoặc kém điểm người khác. Nhiều trẻ bị rơi vào thế cố gắng thế nào cũng không làm hài lòng được bố mẹ.
Ở góc độ khác, chuyên gia tâm lý Trần Thu Hà bày tỏ: “Phải công nhận ngay rằng những trường chuyên như Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu, Lam Sơn… số học sinh giỏi, hồ sơ du học được nhiều trường ĐH nước ngoài rất nể. Nhưng có lần ngồi tâm sự với một học sinh thì bạn này chia sẻ: “Sai lầm lớn nhất của con là đã đậu trường chuyên. Các bạn ấy học quá giỏi, học ở đây ngày nào con cũng thấy mình kém cỏi, chậm chạp, thua cuộc. Con không chơi được với ai, trường toàn người khổng lồ. Lúc nào cũng thấy kiệt sức, muốn gục ngã! Mẹ thấy con lo lắng, học thua bạn bè lại đăng ký cho con đi học thêm ở trung tâm”.
Thực tế, những gia đình có điều kiện đều kì vọng cho con du học. Do đó, nếu con học kém hoặc không chịu học thì cũng đầu tư ngoại ngữ hàng trăm triệu một khóa. Tuy nhiên, không phải con em nào cũng theo được. Và việc cho con “lên đường” bất chấp con chưa thể tự lập cũng khá phổ biến.
Mới đây, buổi họp phụ huynh của lớp 10B3 Trường THPT Gia Hội, TP Huế đã diễn ra trong không khí vô cùng đặc biệt. Không giống như các buổi họp phụ huynh nhàm chán khác, các bậc cha mẹ được nhận từ chính tay cô giáo một phong thư, bên ngoài ghi tên chính con của họ.
Trong đó là những tâm sự, những lời nhắn nhủ của các con đối với bố mẹ. Những giọt nước mắt bắt đầu xuất hiện, khi bố mẹ đọc được những điều mà con em họ không hề nói ra ở nhà. Nội dung thư có những gì? Đó là: “Ba mẹ à, học nhiều cũng mệt lắm!”, “Ba đừng quá nghiêm là được!”… Những lời chia sẻ đó khiến không ít người giật mình và sau đó họ bàn với nhau về cách giáo dục con, những vướng mắc mà họ đang gặp phải, để từ đó tìm giải pháp giữa nhà trường và gia đình…