Chết vì được… chăm quá kỹ
Trước hết, cần nói ngay rằng khái niệm “cây di sản” có thể là mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng trên thế giới, khái niệm này không mới. Rất nhiều nước khác như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ,…đã tiến hành bảo vệ cây di sản như một loại danh mộc cổ thụ của đất nước.
Ngoài việc có từ lâu đời và có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch... được pháp luật cũng như cộng đồng công nhận và bảo vệ, cây di sản cũng rất được du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương.
Ở Việt Nam, năm 2010, vấn đề vinh danh và bảo vệ cây di sản lần đầu tiên được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Khi đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch VACNE, cây di sản không đơn thuần là những cây cổ thụ, mà còn là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh và bảo vệ. Để công nhận một cây trở thành cây di sản, VACNE phải thành lập Hội đồng xét duyệt với những tiêu chí cụ thể về tên khoa học của cây, xác định tuổi cây, chu vi, đường kính, chiều cao, các giá trị của cây về văn hóa, lịch sử, xã hội và giáo dục...
Ngay sau khi công bố tiêu chí xét duyệt vinh danh cây di sản, VACNE đã nhận được hồ sơ đăng ký của nhiều địa phương đề nghị công nhận cây di sản mà mở đầu là đề nghị của Trưởng ban di tích đền Voi Phục - Thụy Khuê, Hà Nội đề nghị công nhận 9 cây muỗm cổ thụ ở Đền Voi Phục là cây di sản Việt Nam. Từ năm 2010 -2015, VACNE đã công nhận hơn 970 cây là cây di sản trên cả nước. Cây di sản có tuổi thọ lâu nhất Việt Nam là cây táu bạc ở đền Thiên Cổ, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cây có tuổi thọ khoảng 2.200 tuổi…
Thế nhưng bên cạnh việc được tôn vinh thì cũng không ít “cụ cây di sản” đã chết sau khi được phong danh hiệu. Nguyên nhân cái chết rất ngược đời như: chết vì được chăm sóc quá kỹ (!). Đơn cử như cây gạo gần 400 năm tuổi ở làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa huyện Nông Cống, Thanh Hóa được công nhận là Cây di sản khiến người dân địa phương rất tự hào vì đây được coi là biểu tượng văn hóa làng.
Tuy nhiên, khi được VACNE cấp bằng công nhận Cây di sản vào cuối năm 2012, cây gạo bắt đầu có hiện tượng vàng lá, bong vỏ rồi chết dần. Người dân và chính quyền địa phương đã tìm nhiều cách cứu cây nhưng không thành. Theo người dân địa phương thì nguyên nhân cây chết có thể là khi đào đất làm tường rào bao quanh gốc, người ta đã chặt quá sâu vào phần rễ. Ngoài ra, khi chuẩn bị đón bằng công nhận Cây di sản, cây đã được chính quyền cho bón khoảng 400 kg phân lân nên có thể bị “bội thực”, thối rễ mà chết.
Với bề dày lịch sử của mình, 9 cây muỗm cổ thụ ở Đền Voi Phục là những cây đầu tiên mà VACNE nhận được đề nghị tôn vinh cây di sản. Tuy vậy, chỉ chưa đầy 4 năm sau khi được gắn biển, 9 cây muỗm cổ đền Voi Phục đã chết mất quá nửa...
“Bên phong chỉ việc phong, bên có không biết giữ”
Quay lại với công văn của Bộ VH-TT&DL, cơ sở của việc dừng này theo Bộ là vì nhiều danh hiệu trong đó có “cây di sản” không có giá trị pháp lý. “Theo Luật Di sản văn hóa thì thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích thuộc Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; Luật Thi đua - Khen thưởng quy định việc phong tặng danh hiệu nhà nước thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.
Vì vậy, việc tổ chức vinh danh và cấp bằng công nhận, bằng chứng nhận là trái với thẩm quyền của các tổ chức hội” - công văn của Bộ nêu rõ. Xung quanh việc dừng này cũng có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gốc rễ là việc “đổi tiền lấy danh hiệu” đã và đang gây hiểu nhầm của các tổ chức hội.
Đúng sai thế nào của việc này chưa bình luận, nhưng có một thực tế là từ việc phong cây di sản đến việc bảo vệ, bảo tồn cây di sản đang là một trách nhiệm lớn mà VACNE không thể kham nổi. Như Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch VACNE đã từng nói về vấn đề vinh danh và bảo vệ cây di sản xung quanh việc các “cụ muỗm” ở Đền Voi phục chết rằng: “Bảo vệ các cây di sản là vấn đề mang tính cộng đồng, vì vậy việc bảo tồn, gìn giữ cây di sản phải có sự chung tay của cộng đồng. VACNE là tổ chức hoàn toàn không có kinh phí”.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 5 trong số 9 cây muỗm đền Voi Phục, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cũng cho biết, ngoài việc bị sâu bệnh xâm hại cũng như những biến đổi về khí hậu, hay tuổi thọ của cây, việc xây dựng, tu bổ đền Voi Phục vào tháng 3/2011 cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các “cụ muỗm”.
Cũng theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, một trong những tiêu chí xác định cây di sản là khả năng bảo vệ của cây đó, về môi trường sinh sống, cũng như điều kiện chăm sóc có tốt hay không. Nghĩa là trách nhiệm bảo vệ cây di sản trước hết thuộc về nơi quản lý cây, ý thức cộng đồng dân cư khu vực cây di sản.
Như vậy việc dừng phong danh hiệu “cây di sản” phải chăng là có lý trong tình trạng “bên phong chỉ việc phong, bên có không biết giữ” như tình trạng hiện nay?