Bởi vậy, trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này càng trở nên quan trọng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp.
Có thể có tiêu cực từ lúc nhận đơn
Nhận diện nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của tòa án liên quan đến giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Trần Văn Độ cho biết:
Ngay trong giai đoạn tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, thẩm phán đã có thể “gây khó khăn” cho người dân, doanh nghiệp để được tòa án thụ lý giải quyết vụ việc hoặc cung cấp thông tin cho bên bị đơn, cá nhân, tổ chức có liên quan với mục đích “vòi vĩnh”.
Hậu quả là vụ việc có thể không được thụ lý giải quyết hoặc mất nhiều thời gian, công sức để được thụ lý. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khi quyền, lợi ích hợp pháp không được bảo vệ một cách kịp thời hoặc làm phát sinh chi phí không chính thức.
Thực tiễn xét xử cũng cho thấy, có một số vụ án, trong đó có các vụ liên quan đến tranh chấp kinh doanh, tài sản bị kéo dài thời gian giải quyết, vượt quá thời hạn luật định bởi thẩm phán vì mục đích vụ lợi hay vì động cơ cá nhân đã cố tình không tiến hành các bước tố tụng để đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn.
Có tình trạng thẩm phán ưu tiên xem xét, giải quyết những vụ án có giá trị lớn hoặc vụ án có sự “tác động” của đương sự; dẫn đến việc “bỏ mặc” các vụ án khác, và khi bị thanh tra, kiểm tra thì tìm cách tạm thời đình chỉ giải quyết các vụ án này. Ngược lại, để có thêm thời gian củng cố hồ sơ, tẩu tán tài sản, đương sự tìm cách “tác động” lên thẩm phán để kéo dài thời gian giải quyết vụ án và hưởng lợi từ việc kéo dài đó.
Đáng chú ý là nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong việc áp dụng pháp luật nội dung. Về nguyên tắc, trong trường hợp pháp luật có lỗ hổng, thẩm phán có thể dùng nguyên tắc tương tự pháp luật, dùng các tập quán pháp hoặc án lệ, dùng kiến thức pháp luật và niềm tin nội tâm của mình hoặc lẽ công bằng để ra quyết định cuối cùng.
Trong những tình huống như vậy, ý chí chủ quan, sự trung thực và thiện ý của thẩm phán đóng vai trò quyết định khi thực thi quyền tùy quyết mà pháp luật trao cho. Nguy cơ tiêu cực thường xuất hiện ở điểm là thẩm phán hoàn toàn có quyền lựa chọn giữa các khả năng pháp lý tương đối cân bằng mà nếu chỉ xem xét từ góc độ quy định thực định, khó có thể phát hiện tiêu cực và nếu nghi ngờ, cũng rất khó khẳng định đúng sai, rất khó chứng minh lỗi cố ý của thẩm phán.
Tương tự, khi quy định pháp luật không rõ ràng, có thể giải thích nhiều cách khác nhau, thẩm phán hoàn toàn có thể chọn lựa quy phạm này và bỏ qua quy phạm khác. Đây là tình huống khó xác định hành vi tiêu cực nhất, khó chứng minh nhất và khó nhận định lỗi của thẩm phán nhất.
Chẳng hạn, Luật Đất đai trao thẩm quyền giao và thu hồi quyền sử dụng đất cho UBND các cấp. Khi giải quyết vụ việc phá sản, tòa án ra tuyên bố doanh nghiệp phá sản và cho thanh lý tài sản doanh nghiệp, thu hồi tiền để thanh toán cho các chủ nợ theo Luật Phá sản. Nhà máy của doanh nghiệp phá sản được bán đấu giá hợp pháp cho bên mua thứ ba ngay tình.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, UBND ra quyết định thu hồi khu đất xây dựng nhà máy đó và giao cho doanh nghiệp khác sử dụng. Kết cục, bên mua thứ ba ngay tình không thể sử dụng được nhà máy mình vừa mua từ doanh nghiệp phá sản vào sản xuất, phải tháo dỡ nhà xưởng bán thanh lý để thu hồi vốn, bàn giao khu đất có nhà máy cho chủ mới và chịu lỗ nặng trong việc này.
Ông Độ còn cảnh báo 4 nguy cơ khác theo mức độ, theo giai đoạn, theo khách thể bị xâm phạm. Cụ thể là nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong việc xem xét, phân công thẩm phán phụ trách xét xử, giải quyết; quyết định tạm đình chỉ vụ án không đúng quy định; trong quá trình lập hồ sơ, thu thập chứng cứ và xét xử vụ án; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Tạo sức ép công luận để chống tiêu cực
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh thì nhận xét, các quy định về hoạt động tư pháp nói chung và tòa án nói riêng là một điểm hạn chế lớn của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành.
Các quy định còn khái lược, vì vậy theo ông Thanh, tư pháp vẫn là lĩnh vực tương đối khép kín, ít bị đối mặt với công luận và người dân so với các bộ, ngành và Chính phủ và còn khép kín so với nhu cầu khách quan đối với bản thân một nền tư pháp tiến tới công bằng, công lý. Việc phòng, chống tham nhũng phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các cơ quan tư pháp là chính, chứ không bị thôi thúc, bị sức ép bởi công luận, bởi người dân như nền hành chính nhà nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguy cơ phát sinh các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động tư pháp của tòa án nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và tinh vi, khó phát hiện hơn và vẫn tập trung vào công tác thụ lý đơn, giải quyết, xét xử vụ việc, vụ án.
Thực trạng này đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Trong đó, phải xác định có những giải pháp là lâu dài, liên tục, kiên trì, còn trước mắt, điểm đột phá là cải cách pháp luật tố tụng, cải thiện công tác hành chính tư pháp và ban hành, thực hiện bộ quy tắc ứng xử đáp ứng những nhu cầu mới.