Lúng túng trong đánh giá sử dụng kết luận giám định
Điển hình cho trường hợp công tác giám định tư pháp có vai trò quan trọng trong giải quyết vụ án chính là vụ Đồng Đăng Phúc giết người tại TP HCM hồi tháng 10/1998 mà hung thủ thì “suýt” thoát tội vì các kết luận giám định trái ngược nhau. Phúc lái xe thuê cho gia đình anh Lê Kim Long, nhưng vi phạm hợp đồng nên bị chủ cho nghỉ việc, trừ lương và chỉ trả cho Phúc hơn 300 nghìn đồng.
Nhiều lần đòi lương cả tháng không được, Phúc giết người chủ một cách dã man với gần 100 nhát chém. Sau khi bị bắt, Phúc phát bệnh tâm thần. Giám định lần đầu kết luận Phúc bị tâm thần phân liệt, không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Giám định lần hai cũng tương tự.
Đến lần giám định thứ ba, kết quả lại là Phúc bị rối loạn nhân cách do rượu song vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Dựa vào đó, TAND TP HCM tuyên phạt Phúc án tù chung thân. Bản án này đã bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP HCM hủy vì nhận thấy các bản giám định mâu thuẫn, hơn nữa Phúc tỏ ra rất tỉnh táo tại phiên phúc thẩm. Theo kết luận giám định lần thứ tư, Phúc bình thường, không hề mắc bệnh tâm thần trước, trong và sau khi gây án. Với kết luận này, Phúc bị TAND TP HCM tuyên mức án tử hình trong phiên xử sơ thẩm lần 2 ngày 12/1/2006.
Có thể thấy, vai trò của công tác GĐTP rõ ràng là không thể phủ nhận. Song báo cáo hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP” (Đề án 258) cho biết, bên cạnh những bước chuyển biến quan trọng về nhiều mặt, công tác GĐTP còn nhiều vướng mắc, tồn tại. Đó là quy trình của pháp luật tố tụng về trưng cầu giám định, đánh giá sử dụng kết quả giám định chưa cụ thể; việc thực hiện của các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất, tình trạng thiếu hụt nhân lực giám định chưa được khắc phục, nhất là ở địa phương; cơ sở vật chất của các tổ chức GĐTP còn thiếu thốn, lạc hậu.
Ở một số khâu, chất lượng công tác GĐTP vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống như trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, pháp y tâm thần, ma túy, đất đai. Lãnh đạo một số bộ, cơ quan chưa quan tâm chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc về thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Một số vụ trưng cầu giám định còn chung chung, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, còn tình trạng giám định nhiều lần nhưng kết quả lại khác nhau hoặc cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong đánh giá sử dụng kết luận giám định (như vụ án Đồng Đăng Phúc nêu trên - PV)… Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện toàn diện công tác giám định để bảo đảm tính khách quan, khoa học, minh bạch.
Nhân rộng hơn tín hiệu đáng mừng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng từng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong công tác GĐTP, nhất là thực hiện giám định phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, môi trường, đất đai, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kết luận giám định chậm, có những vụ án phải có ý kiến của cấp cao mới đẩy nhanh được tiến độ giám định gây băn khoăn trong dư luận xã hội…
Theo Phó Thủ tướng, giải pháp cho tình trạng này là phải có tính chế tài cụ thể, khi cơ quan trưng cầu giám định đề nghị giám định thì tổ chức giám định phải thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ trả kết luận giám định, nếu từ chối giám định phải có lý do chính đáng, không thể “ngâm” hay từ chối không chính đáng được.
Phó Thủ tướng còn đề nghị các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tháo gỡ ngay những vướng mắc về giám định trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Đồng thời tháo gỡ ngay các vướng mắc về giám định như chi phí giám định, quy chế quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế chưa tốt.
Thực tế ở nhiều địa phương chứng minh chỉ đạo của Phó Thủ tướng khi còn tồn tại tình trạng pháp y y tế và pháp y công an không phối hợp hoặc phối hợp không thiện chí trong công tác giám định pháp y. Có những địa phương số lượng vụ việc tại Trung tâm Pháp y bị sụt giảm nhiều vì cơ quan điều tra ưu tiên trưng cầu giám định viên pháp y công an thực hiện, chỉ một số ít vụ khó mới trưng cầu pháp y y tế.
Đứng trước tình trạng trên, ở cấp Trung ương, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đã thống nhất quan điểm cần thiết phải xây dựng Quy chế phối hợp giữa lực lượng pháp y công an và pháp y y tế trong tiếp nhận và thực hiện giám định pháp y tại địa phương. Trong đó, Quy chế sẽ đưa ra những định hướng, tiêu chí để từng địa phương có thể áp dụng linh hoạt, mềm dẻo phù hợp với đặc thù, thực tiễn tại địa phương mình.
Vừa qua, đại diện Trung tâm Pháp y Vĩnh Long và Thái Bình đã nêu ra mô hình phối hợp rất tốt tại địa phương. Theo đó, pháp y công an và pháp y y tế đã hỗ trợ lẫn nhau, phân chia ca trực, cùng tham gia thực hiện công tác giám định pháp y tại địa phương, đáp ứng kịp thời và chất lượng yêu cầu của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đây là tín hiệu đáng vui mừng cho thực tiễn phối hợp tại các địa phương cần được nhân rộng.