Theo nhiều chuyên gia, đây là khoảng trống thực tiễn cần nghiên cứu để đảm bảo quyền con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đủ chiêu mua bán người
Ngỏ lời yêu để bán đó là hành động của Hảng Seo Sam, trú tại thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai và Vàng Seo Sáng, thôn Lùng Cẩu, xã Bản Lầu. Lợi dụng nhận thức còn hạn chế của một số phụ nữ vùng cao, Sam rủ Sáng làm quen, tán tỉnh, vờ yêu rồi tìm cách đưa sang Trung Quốc bán.
Thông qua một người bạn, Sam và Sáng quen biết Vàng Thị M (SN 1982) và Sùng Thị M (SN 1996, cùng ở xã Tả Phìn, Sa Pa). Sam ngỏ lời yêu với Vàng Thị M, còn Sáng ngỏ lời yêu với Sùng Thị M. Sau một thời gian “yêu đương”, Sam và Sáng đã quyết định bán hai “người yêu” sang Trung Quốc. Bán Vàng Thị M. trót lọt, hai đối tượng định đưa tiếp Sùng Thị M. Sang biên giới. Tuy nhiên, Sùng Thị M nghi ngờ kêu cứu và được cứu thoát, còn Vàng Thị M không biết bị trôi dạt phương trời nào bên xứ người.
Không yêu thì bị bắt cóc đó là trường hợp của nạn nhân Ly Thị C (SN 1995, ngụ xã Lùng Phình, Bắc Hà, Lào Cai). Ly Seo Hòa (SN 1991, ngụ xã Quan Thần Sán, Si Ma Cai) là bạn thân của C. Hai đối tượng Sáng và Ký là bạn của Hòa. Để có tiền tiêu hai đối tượng này rủ Hòa lừa bán C sang Trung Quốc. Bọn chúng bàn nhau để Hòa ngỏ lời yêu với C, sau đó rủ C lên thành phố Lào Cai chơi rồi lừa bán sang bên kia biên giới. Trường hợp C không đồng ý yêu thì Sáng và Ký sẽ bắt cóc C.
Như dự đoán của những kẻ buôn người, C. không đồng ý yêu Hòa và cũng không đồng ý đi chơi. Thấy vậy, Sáng, Ký, Hòa đã bắt cóc C. trói chân tay và chở bằng xe máy. Tuy nhiên, khi đi ngang qua khu vực nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Bắc Hà, C giãy giụa mạnh làm cho xe bị đổ xuống đường và C được người dân giải cứu, còn cả 3 tên buôn người đều bị lực lượng công an bắt giữ.
Trong chuyến công tác ở cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang, phóng viên đã gặp rất nhiều những đứa trẻ bỗng dưng một ngày mất mẹ. Cô bé Giàng Thị Mỷ học tại ngôi trường tiểu học nằm nép mình bên rặng núi đá hùng vĩ bao quanh xã Phố Cáo huyện Đồng Văn có đôi mắt sâu thẳm nỗi buồn. Cha em vì mưu sinh đã lưu lạc sang xứ người làm việc để rồi vĩnh viễn nằm lại vì tai nạn lao động. Mẹ em, để nuôi 4 người con nheo nhóc cũng tìm đường đi làm thuê và đã lâu nay bặt vô âm tín để lại em và hai đứa em trai bơ vơ trong chính ngôi nhà của mình.
Người ta nói mẹ em đã bị bán sang xứ người. Rồi cô bé Vàng Thị Cáy con anh Vàng Mý Chơ ở xã Sà Phìn một buổi sáng ngủ dậy thấy mình đã mất mẹ. Theo lời kể của anh Vàng Mý Chơ vợ anh đã nghe theo lời dụ dỗ đi qua biên giới và bị bán. Con nhỏ nên anh không thể bỏ con đi tìm vợ, mà có tìm cũng chẳng biết tìm ở chốn nào. Ngày vợ ra đi Vàng Thị Cáy mới ba tuổi, nhớ mẹ khóc nhèo nhẽo suốt ngày…
Một năm có hơn một nghìn nạn nhân bị mua bán
Đó là con số được đưa ra tại buổi làm việc, trao đổi về thực trạng công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giữa Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam mới đây. Thông tin từ buổi làm việc cho thấy, theo đánh giá của Liên Hợp quốc, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam vẫn là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp.
Năm 2016, toàn quốc đã xảy ra 383 vụ với 523 đối tượng, 1.128 nạn nhân, đồng thời có khoảng gần 200 ngàn người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia… lao động thời vụ, tiềm ẩn nguy cơ bị mua bán. Mỗi năm Việt Nam tiếp nhận từ 400-600 nạn nhân bị mua bán trở về. Các nạn nhân đều là phụ nữ và trẻ em gái tập trung ở một số địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Bình…và một số tỉnh miền Tây Nam bộ như An Giang, Đồng Tháp… Đặc điểm chung của các nạn nhân là nhận thức và trình độ còn hạn chế, thiếu việc làm, đời sống khó khăn; có độ tuổi từ 18 đến dưới 40.
Đây là khoảng trống thực tiễn cần nghiên cứu để đảm bảo quyền con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội – đó là quan điểm của ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH tại buổi làm việc.
Theo ông Lập, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng cơ sở dữ liệu, rà soát, quản lý đối tượng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hội Phụ nữ, chính quyền cơ sở trong việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân; tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác xã hội; đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là các nạn nhân và gia đình về quyền con người, về các quy định của pháp luật liên quan tới hôn nhân có yếu tố nước ngoài…
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy để ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới thì vẫn cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ thủ đoạn của bọn buôn người. Hiện nay công tác tuyên truyền mới chỉ cho người dân ở vùng biên giới là chủ yếu, trong khi đó đối tượng bị dụ dỗ, lừa gạt lại là người các tỉnh, thành đồng bằng nằm sâu trong nội địa và phần lớn đều chưa hề ý thức rằng mình có thể là một trong những nạn nhân của nạn buôn bán người này.