Quy định đã có từ năm 1995
Quy định về xử phạt các chủ phương tiện không sang tên đổi chủ tại điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2017 như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
Xem lại các văn bản trước đây, được biết quy định phạt xe không chính chủ đã có từ năm 1995 tại Nghị định 49-CP và gần đây liên tục được các nghị định xử lý vi phạm hành chính kế thừa (mới nhất chính là Nghị định 46/2016). Quy định này căn cứ theo nguyên tắc của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, nếu đã mua xe qua tay, được tặng xe, hay được thừa kế xe mà xe vẫn chưa đứng tên chính chủ trong Giấy đăng ký thì người dùng cần phải đi làm thủ tục sang tên nếu không muốn bị phạt.
Trong thực tế đến nay vẫn còn một số băn khoăn như “trường hợp con mượn xe của bố, vợ mượn xe của chồng…, cảnh sát xử lý thế nào?”, “nếu cả nhóm đi chơi rồi mượn xe của người thân, bạn bè đi thì lấy gì để chứng minh”… Liên quan tới những thắc mắc này, Thiếu tướng Trần Thế Quân (Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an) từng giải thích: “Không có quy định nào xử phạt người đi mượn xe. Trong một nhà, vợ, chồng, con cái đi xe của nhau là hết sức bình thường, chỉ cần cầm đăng ký đi là được. Tuy nhiên, trong trường hợp di sản thừa kế, bố, mẹ cho hẳn con cái… thì phải sang tên theo đúng quy định”.
Ngoài ra, ông Quân cũng cho hay, CSGT không được dừng bất cứ phương tiện nào để chỉ kiểm tra với lỗi chưa sang tên đổi chủ và chỉ được phép kiểm tra các phương tiện khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông. Ví dụ, bạn vượt đèn đỏ, nếu CSGT kiểm tra phát hiện chiếc xe mua bán qua nhiều lần, quá thời gian không sang tên đổi, chủ xe sẽ bị phạt thêm lỗi xe không sang tên, đổi chủ.
Không ra quân để xử phạt
Qua ghi nhận của phóng viên, quy định phạt lỗi không sang tên đổi chủ đã có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm mới 2016 nhưng qua gần 1 tuần triển khai, Công an các địa phương đều không ra quân, tổ chức “đứng đường” để xử phạt lỗi xe không chính chủ. Đặc biệt, có một số địa phương còn có những cách làm hay để kiểm tra xe máy chính chủ, sao cho giảm tối đa phiền hà cho người dân. Điển hình là Hà Nội thí điểm kiểm tra bằng thiết bị điện tử, cũng bắt đầu từ ngày 1/1/2017.
Cụ thể, CSGT làm nhiệm vụ được trang bị smartphone (điện thoại thông minh) hoặc máy tính bảng kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư để tra cứu nhanh người sở hữu phương tiện. Trong cơ sở dữ liệu này có toàn bộ tên tuổi, địa chỉ của những người dân sở hữu xe máy, thông tin về xe máy, quan hệ gia đình của từng người. Khi lực lượng chức năng dừng kiểm tra hành chính, nếu họ nói là xe của người thân thì cán bộ, chiến sĩ xử lý bấm điện thoại hoặc máy tính được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư để biết chính xác xe máy đó có phải của gia đình người đó và đã sang tên chính chủ hay chưa. Nếu Hà Nội thực hiện tốt việc kiểm tra xe máy chính chủ bằng thiết bị thông minh sẽ góp phần thực hiện tốt việc phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh hệ thống camera. Đồng thời, đây cũng là cơ sở giúp khám phá nhanh những vụ án, những vụ tai nạn giao thông liên quan trực tiếp tới xe máy.
Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ việc áp dụng xử phạt đối với những người tham gia giao thông bằng phương tiện không chính chủ vì cho rằng quy định giúp cơ quan chức năng rà soát được những xe bị cướp hoặc bị trộm cắp. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng đối với trường hợp các xe vi phạm giao thông, xe chính chủ sẽ thuận tiện cho việc xử lý tai nạn và các vấn đề khác liên quan đến giao thông.
“Nếu xe không sang tên gây tai nạn hay người mua lại dùng xe đi cướp giật bị quay lại biển số, chủ cũ của xe rất có thể sẽ bị công an mời tới trong quá trình điều tra. Điều này hẳn sẽ rất phiền phức với các cá nhân” - một bạn đọc phân tích. Hơn nữa, quy định xử phạt, bắt buộc đi xe chính chủ được cho là phương án hiệu quả nhằm giảm ách tắc giao thông, hướng người dân tới việc sử dụng các phương tiện công cộng thay vì di chuyển bằng xe máy.
Có điều, một số người dân phản ánh, từ ngày 1/1/2017, người đi xe máy không chính chủ sẽ phải tự đi tìm chủ xe cũ để làm thủ tục sang tên, khiến dân gặp nhiều khó khăn hơn. Theo đó, Điều 24 Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe đã nêu rõ những chiếc xe máy đã được bán qua nhiều người, nếu không tìm được chủ xe, người sử dụng vẫn có thể ra công an phường xác nhận theo mẫu đơn quy định để bổ sung vào hồ sơ sang tên đổi chủ. Trong thời hạn 30 ngày, cơ quan chức năng thực hiện xác minh và nếu không phát hiện điều gì bất thường, sẽ hoàn thiện hồ sơ và cấp giấy phép đăng ký mới cho người dân.
Như vậy, sau ngày 31/12/2016, quy định không còn hiệu lực. Điều đó có nghĩa là những người muốn sang tên, đổi chủ cho xe đã qua sử dụng bắt buộc phải tìm được chủ sở hữu của phương tiện, sau đó có giấy chuyển quyền sở hữu, đi kèm xác nhận của UBND xã/phường sở tại. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn, đặc biệt đối với những phương tiện đã được mua đi bán lại nhiều lần.