Mặc dù chỉ cách bờ có 30 hải lý, đi chưa đầy 10 phút nhưng tất cả khách trên tàu, từ các chàng lính mới nhập ngũ tới những nam giới cao lớn lừng lững đều bị say do những con sóng lớn….
Nên duyên trên đảo tiền tiêu
Cồn Cỏ là một đảo nhỏ, rộng chỉ 2,3 km2, nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Trị, hơi chếch về phía Bắc vĩ tuyến 17. Thông thường, vào mỗi tuần, có khi cả tháng cũng chỉ có một chuyến tàu quân sự ra đảo, nên khi chúng tôi đặt chân lên đảo, đã được gặp Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo, người được gắn liền với tên gọi khác, “chúa đảo” Lê Quang Lanh.
“Chúa đảo” chia sẻ, huyện có “bốn cái nhất”: huyện đảo ra đời muộn nhất, diện tích nhỏ nhất, dân số ít nhất và có truyền thống oai hùng nhất. Ngoài ra, đảo Cồn Cổ còn có thêm nhiều cái tên khác như: Hòn Mệ, Hòn Cỏ, đảo Con Hổ hay Thảo Phù...
Chuyện kể rằng: vào thuở xa xưa có một người rất khỏe tên Thồ Lồ, công việc hàng ngày của ông là đào đất đắp núi. Một lần ông Thồ Lồ gánh hai sọt đất quá nặng, không may đòn gánh bị gãy. Hai sọt đất văng ra hai phía.
Sọt văng về phía núi thành ra động Lòi Reng (quả núi lớn hiện tại thuộc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh). Sọt văng ra biển hóa thành đảo Cồn Cỏ...
Đến thế kỷ 20, Cồn Cỏ đã ghi đậm dấu ấn về hòn đảo anh hùng, đầy máu và hoa như lời Bác Hồ khen: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi cán bộ, chiến sỹ đảo Cồn Cỏ chiến đấu dũng cảm, mưu trí... Cồn Cỏ xứng đáng là đảo nhỏ anh hùng...
Tái bút: Bác tặng các chú hai câu thơ “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”.
Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, cùng với Vĩnh Linh (Quảng Trị) vùng đất địa đầu, Cồn Cỏ đi vào lịch sử với vai trò là đảo tiền tiêu ở miền Bắc giữa biển khơi.
Cồn Cỏ, đảo tiền tiêu vì khi đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền tại vĩ tuyến 17 thì đảo nằm ở vị trí liền kề với đường giới tuyến kéo dài từ Cửa Tùng ra thêm 15 hải lý. Chiếm được Cồn Cỏ, lấy đó làm bàn đạp để phong tỏa Vịnh Bắc Bộ chính là âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ.
Thêm nữa, đảo nhỏ lại nằm trên đường máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, bom đạn trút xuống với ý đồ hủy diệt đảo.
Thế nhưng, chơ vơ giữa muôn trùng khơi, đạn bom ngút trời mà Cồn Cỏ vẫn trường tồn, “trơ gan” trước bom đạn quân thù.
Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị anh hùng; tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập, 2 Huân chương Quân công, 4 Huân chương Chiến công...
“Chúa đảo” Lê Quang Lanh cho biết, ở Cồn Cỏ trước năm 2000 chưa có dân, chỉ có bộ đội đồn trú làm nhiệm vụ quân sự. Tháng 3/2002 có 43 đoàn viên Thanh niên xung phong (TNXP) ra xây dựng đảo.
Đến năm 2004, Cồn Cỏ chính thức được thành lập với định hướng trở thành một đảo du lịch, cơ cấu: du lịch - dịch vụ - thủy sản - lâm nông nghiệp. Đây là cột mốc chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự.
Sau 11 năm phát triển, đảo có dân số gần 400 người. Lứa TNXP ngày đó đã có 11 người đã thành đôi, trụ lại ở khu nhà 15 hộ. Đó là những cặp vợ chồng như Diệu - Nhân, Hiền - Ái, Phong - Nhung, Nga - Vĩnh, Duyên - Khánh, Ái - Thê...
Ngày đầu ra đảo, chỉ có anh Nguyễn Quang Thánh là đã lập gia đình, còn lại là các cặp vợ chồng nên duyên trên chính hòn đảo này. Chị Nhân, sinh năm 1980, hiện làm kế toán Ban quản lý cầu cảng cho biết, cho tới trước năm 2007, cả hòn đảo chỉ có một giếng nước ngọt nên nước thường đuợc dùng hết sức tiết kiệm và lấy nước vất vả.
Điện và hàng hóa lưu thông cũng mới có khoảng 5 năm lại đây. Bởi những năm đầu ra đảo khai hoang lập nghiệp, họ hoàn toàn tự cung tự cấp.
Công dân đầu tiên chào đời trên Đảo là bé Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 2003), con của đôi vợ chồng trẻ Ái - Hiền. Thời điểm đó, cả làng tràn ngập niềm vui khi nghe được tiếng bé Ngọc Ánh cất tiếng khóc chào đời. Hiện tại, bé đang ở với ông bà ngoại, học lớp 6 Trường THCS Cửa Tùng.
Trường chỉ có 2 cô và 10 cháu
Đây là lớp học duy nhất trên đảo và có khá nhiều điểm đặc biệt từ học trò đến giáo viên, mỗi năm lớp chỉ có vài cháu, trong lớp cô giáo phải vừa dạy, vừa chăm lo cho các cháu từ 1 - 5 tuổi. Ở lớp học này, có những cháu dù chỉ mới 4, 5 tuổi nhưng đã thuộc lòng bảng chữ cái, có thể viết chữ như những học sinh lớp 1 và có thể làm các bài toán cộng, trừ.
Các cháu nhỏ ở đây sau khi đến tuổi học lớp một sẽ được phụ huynh đưa vào đất liền học tiếp.
Ra đảo từ năm 2008 theo tiếng gọi của biển đảo, hai cô giáo Hoàng Thị Thắm và Hoàng Thị Hiếu đã trở thành 2 giáo viên duy nhất trên đảo Cồn Cỏ từ đó đến nay. Thời gian đầu, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Điện, nước không có nên 2 cô giáo trẻ không khỏi chạnh lòng.
Nhưng rồi, khi đã quen với cuộc sống mới cùng với lòng yêu trẻ, yêu đảo, cô Thắm và cô Hiếu đã gắn bó với Cồn Cỏ đến nay được 8 năm.Và hơn thế, ra đảo cô đã tìm được tình yêu của cuộc đời mình. Các cô đã lập gia đình với những người lính nơi này.
Ngày 30/9/2013, cơn bão số 10 càn quét qua khu vực miền Trung, đảo Cồn Cỏ bị tàn phá nặng nề. Gần như 100% cơ sở hạ tầng, nhà cửa bị bão phá hoại; lớp mẫu giáo Hoa Phong Ba bị sập đổ hoàn toàn. Song, khi bão qua đi, lớp học lại được mở lại ngay để các cháu nhỏ trên đảo không bị chậm chương trình học.
Cô Thắm nhớ lại: “Chỉ sau một đêm thì toàn bộ ngôi trường tan hoang, không còn gì. Bây giờ có trường mới chúng tôi vui lắm. Trẻ được đến lớp khang trang hơn, nhiều đồ dùng, đồ chơi hơn...”.
Anh Nguyễn Quang Thánh, một phụ huynh chia sẻ: “Hiện tại Trường Hoa Phong Ba gọi là Trường Mầm non - Tiểu học. Thực tế, thì đang dạy cho các cháu mầm non, các cháu lớp 1 có khi phải vào đất liền học. Biên chế một giáo viên dạy tiểu học đến bây giờ cũng chưa có.
Chúng tôi cũng đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện cho đảo, cho các cô giáo. Hy vọng sẽ có cô giáo dạy tiểu học lớp 1, 2, 3 để bố mẹ, các bậc phụ huynh khác có thể sống yên tâm, an cư lập nghiệp, cũng như đảm bảo thu hút dân cư sau này đến làm ăn và xây dựng đảo tương lai”.
Có thể nói, bước chân lên đảo là một không gian yên tĩnh và trong lành và khá mới mẻ. Những con đường sạch sẽ, khu huyện đảo, khu quân sự, làng thanh niên xung phong... tất cả đều gợi lên một cảm giác ấm áp.
Bao quanh đảo là một ngư trường rộng lớn, tập trung nhiều loại hải sản như cá, mực, tôm hùm, con khởi (một loại như cua, nhưng nhỏ hơn, rất ngon, chỉ có ở Cồn Cỏ); đặc biệt là cua đá. Con cua đá ở đảo Cồn Cỏ đã lừng danh qua bài hát của Ngọc Cừ: “Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá...”.
Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ đã được thành lập từ tháng 2/2010, có diện tích 4.532 ha rất thích hợp với du lịch. Kết nối tam giác Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ cho du khách trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây, qua cửa khẩu Lao Bảo, vốn là con đường ra biển ngắn nhất dành cho các du khách ở sâu trong nội địa Thái Lan - Lào -, Myanmar là một ý tưởng thú vị.
Và nữa, Cồn Cỏ còn có sự hấp dẫn là một chiến trường xưa, “một pháo hạm không chìm” của Việt Nam hiên ngang giữa biển Đông.
Thế nhưng, đó vẫn là khát vọng ở phía trước. Bởi hiện trên đảo phát điện bằng máy nổ, chưa có hệ thống lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm. Cán bộ, nhân dân, các nhà đầu tư và du khách ra đảo, vào đất liền đều đi nhờ tàu công vụ của huyện hoặc tàu quân sự, tàu chở hàng, tàu đánh cá...
Theo anh Lê Quang Lanh, đầu tư một chiếc tàu như vậy khoảng 40 tỷ đồng, là quá sức với huyện đảo cũng như tỉnh Quảng Trị... Hy vọng một ngày không xa, ước mong đó của người dân huyện đảo trở thành hiện thực, để Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu mà còn là một địa chỉ du lịch níu chân du khách...