1. Trong một buổi sáng nắng hanh hiếm hoi giữa đông, bà là người khách đầu tiên đến gõ cửa Ban Pháp luật – Bạn đọc. Lần giở chiếc túi vải to mang theo, gỡ ra nào thuốc, nào khăn, bà lôi mấy chiếc cặp nhựa đựng báo cũ, đơn từ và tài liệu, bà kể: “Tôi là Nguyễn Thị Tâm, ở Ba Đình, Hà Nội. Ngay giữa thủ đô, tôi có nhà mà phải đi ở nhờ. Chuyện của tôi bi kịch lắm, vì gõ cửa ở đâu người ta cũng bảo giải quyết xong rồi. Đúng là trên giấy tờ trình tự thủ tục thì giải quyết xong rồi, nhưng thực tế lại chưa xong được. Nhà của tôi vẫn quanh năm ẩm thấp, hôi thối, ngày mưa nước nhỏ khắp nhà, ngày nắng nước đọng bốc mùi. Không chịu nổi, tôi phải đi tá túc khắp nơi rồi lạy lục các cơ quan thương tình nhìn ra ngoài trang giấy, bế tắc quá rồi...”.
Bà Tâm vừa đi khỏi, một lát sau, bà Vũ Thị Mùi (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại đến. Bà Mùi đã trở thành “khách quen” của Ban, vì bà “đi lại” nhiều lần rồi, theo tiến trình giải quyết vụ việc của bà, đến nỗi mà tất cả cán bộ, phóng viên, cả mới lẫn cũ của Ban Pháp luật – Bạn đọc đều biết rõ thực trạng sự việc của bà. Nói không ngoa, đối với người phụ nữ đơn thân này, anh chị em phóng viên trong Ban chính là người nhà bà, nơi duy nhất bà nghĩ đến khi cần chia sẻ, khi cần hỏi han, và khi cần giúp đỡ.
Trong Sổ tiếp dân của Ban Pháp luật – Bạn đọc, có những người khách “chiếm” riêng một trang, vì như thế mới đủ để “theo dõi” cả “quá trình gắn bó” của họ với Báo. Ví như, bà Nguyễn Thị Kim Oanh (Tuyên Quang), bà Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội)... Mỗi ngày trôi qua, cuộc sống ở Ban Pháp luật – Bạn đọc như một xã hội thu nhỏ: Có cả bà mẹ già đến với nỗi đau con trẻ, có người cha không khóc nổi đi kêu oan cho con, có doanh nghiệp đến đề nghị cơ quan truyền thông lên tiếng “cứu” doanh nghiệp – cũng là cứu hàng trăm gia đình công nhân khỏi sự bế tắc, có người lao động lo lắng nguy cơ về hưu mà không có lương hưu...
2. Khác các phòng, ban nghiệp vụ khác, khi bố trí vị trí làm việc, bao giờ Ban Pháp luật – Bạn đọc cũng được quan tâm xếp ngay ở tầng 1 hoặc vị trí thuận tiện nhất… Là bởi, ngay từ khi thành lập, việc tương tác với bạn đọc là một trong những nội dung công việc được lãnh đạo Ban Biên tập Báo Pháp Luật Việt Nam đặc biệt quan tâm. Với đặc thù là báo chuyên ngành lĩnh vực pháp luật, Báo Pháp Luật Việt Nam được bạn đọc tin cậy tìm đến chia sẻ tâm tư, cũng như những kiến nghị, thắc mắc.
Ở đây, mỗi ngày chúng tôi có cơ hội đón tiếp hàng chục lượt bạn đọc, già trẻ gái trai, từ miền ngược tới miền xuôi, với những câu chuyện vui thì ít nhưng trắc ẩn thì nhiều. Chính vì vậy, mỗi ngày chúng tôi nhận và xử lý hàng chục đơn thư, mà trong mỗi lá đơn, mỗi dòng chữ chứa đựng niềm hy vọng và sự tin cậy của nhiều gia đình đặt vào đội ngũ những người làm Báo Pháp Luật Việt Nam… Trong nhiệm vụ này, chúng tôi đã trở thành “cầu nối” giữa Báo Pháp Luật Việt Nam với các cơ quan hữu trách, các địa phương, mà qua đó đã giúp giải đáp được băn khoăn của nhiều bạn đọc, cũng như thông tin nhiều chiều về sự việc giúp vấn đề được sáng tỏ…
Trong nhiệm vụ tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Pháp luật – Bạn đọc cũng được giao trách nhiệm chuyển tải đến bạn đọc những văn bản, chính sách mới, những tình huống pháp luật, những kiến thức thường thức mà mỗi gia đình, mỗi bạn đọc đều có thể “soi” trong đó. Thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi tri ân sự đồng hành của nhiều luật sư, luật gia, các chuyên gia pháp luật… trên mọi miền đất nước.
Đối với cán bộ phóng viên Ban Pháp luật – Bạn đọc, họ là “người nhà”: đó là các luật sư, luật gia, những cộng tác viên đáng kính của Báo, những người bạn đồng hành thân thiết của anh em phóng viên. Họ là người giúp “gỡ rối” các tình huống mà bạn đọc còn vướng mắc, giải đáp cho bạn đọc những quy định pháp luật..., cũng là những chuyên gia pháp luật đáng tin cậy của nhiều lượt bạn đọc. Nhiều người trong số họ, qua Báo Pháp Luật Việt Nam, đã trở thành “luật gia của bạn” đối với bạn đọc. Thông tin pháp luật trên trang Nhịp cầu bạn đọc đã thực sự thành “cẩm nang” của nhiều cán bộ tư pháp xã, phường hay câu lạc bộ pháp luật ở nhiều xóm, thôn, tổ dân phố…
3. Là một ban nghiệp vụ, nhưng nếu như nhiều ban nghiệp vụ chỉ đòi hỏi phóng viên đi và viết, thì Ban Pháp luật – Bạn đọc lại đỏi hỏi phóng viên phải biết ngồi ở phòng, không những thế lại còn phải biết kiên nhẫn và “nền tính”, biết tự hoàn thiện kiến thức và ý thức tiếp bạn đọc. Ngoài việc đi và viết, mỗi phóng viên Ban Pháp luật – Bạn đọc còn phải dành một lượng thời gian cơ hữu mỗi tuần cho việc đọc đơn, chuyển đơn, xử lý thông tin đi – đến... Nói không ngoa, dù va chạm với công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kĩ tính nhưng phóng viên Ban Pháp luật – Bạn đọc dường như đang ngày càng trở nên mềm mại, kiên trì hơn, từ hoạt động nghiệp vụ hàng ngày của mình.
Guồng quay của công việc cuốn chúng tôi đi mỗi ngày với những câu chuyện đời, những số phận, những quy định và chính sách cũ, mới. Nhưng công việc cho chúng tôi những niềm hạnh phúc nho nhỏ, động lực để vươn lên, khi có những bạn đọc dù đã được giới thiệu với phòng ban khác vẫn luôn nhớ ghé Ban Pháp luật – Bạn đọc mỗi khi đến cơ quan, với tâm sự: “Muốn sẻ chia với Ban bởi ở đây chúng tôi có sự an lòng, tin tưởng”.
Một năm mới nữa lại đến. Ban Pháp luật – Bạn đọc, chuyên trách các trang Dân nguyện và Nhịp cầu bạn đọc, cũng đã và đang thực sự trở thành người bạn quen thuộc của nhiều bạn đọc. Xác định được trách nhiệm nặng nề và vinh dự mà lãnh đạo Báo Pháp Luật Việt Nam giao phó, mỗi phóng viên Ban Pháp luật – Bạn đọc luôn nỗ lực hết mình để Ban Pháp luật – Bạn đọc xứng đáng là “cổng thông tin” đáng tin cậy giữa bạn đọc và báo, để bạn đọc đến với báo khi ra về mang theo niềm tin – tin vào đội ngũ những người làm Báo Pháp Luật Việt Nam, tin vào sự công bằng của công lý và tin hơn vào Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…