Tàn nhưng không phế
Xuất thân trong một gia đình nông dân, ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, năm 1971, chàng trai Đào Duy Phúc mới 15 tuổi đã tình nguyện tham gia vào lực lượng vũ trang ở D.40 thuộc Huyện đội Hoài Nhơn, tham gia chiến đấu cùng đồng đội để giải phóng quê hương.
Quá trình chiến đấu, ông Phúc bị thương, mất 81% sức khoẻ nên được Tỉnh đội Bình Định cho phục viên vào năm 1978. Hiện ông vẫn mang trong người 2 mảnh đạn nằm trong gan, phổi, não thì bị tổn thương, mặt bị nám bỏng bởi các viên bi của mìn le-mo… nên đến mùa hè nắng nóng và khi trái gió trở trời thì đầu đau buốt, nhức nhối không chịu nổi.
Năm 1983, một cô gái cùng thôn đã cảm mến và nể phục, tình nguyện nên duyên vợ chồng với ông, đó là bà Nguyễn Thị Liễu vợ ông bây giờ. Hạnh phúc mỉm cười khi lần lượt ba đứa con ra đời (2 trai, 1 gái) đều khoẻ mạnh, thông minh. Nhà 5 miệng ăn, bản thân ông Tám lại bị thương tật hành hạ nên đôi vợ chồng phải vất vả lắm mới gồng gánh được qua ngày, để có được cuộc sống sung túc, đủ đầy như ngày hôm nay quả là sự nỗ lực phi thường.
“Hạnh phúc gia đình đã trở thành món ăn tinh thần giúp vợ chồng tôi vượt qua mọi gian truân, khó nhọc”- ông Tám nở nụ cười đôn hậu tâm sự. Ông cho biết, các vết thương khi trái gió trở trời gây đau nhức nên việc sinh hoạt hàng ngày của ông rất khó khăn chứ chưa nói gì đến việc chăm sóc vườn tược, chăn nuôi - công việc đòi hỏi phải có nhiều sức khoẻ.
Nhưng với phẩm chất người lính, ông đã kiên cường vượt lên số phận để xây dựng một tương lai tốt đẹp bằng chính bàn tay và khối óc. Mặc dù được hưởng khoản tiền trợ cấp thương binh nhưng vợ chồng ông vẫn cố gắng tăng gia sản xuất thêm.
Ở địa phương, ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Ngọc Sơn Bắc. Nhớ lại câu nói bất hủ của Bác Hồ năm xưa: “Thương binh tàn nhưng không phế”, chẳng những ông lo cho mình mà ông còn truyền kinh nghiệm, chỉ cách chăn nuôi cho bà con, anh, chị em cựu chiến binh trong thôn cùng làm ăn, phát triển.
Từ nguồn vốn ban đầu 2,5 triệu đồng năm 1998, ông vay mượn của Hội Cựu chiến binh, của anh em đồng đội đầu tư nuôi chim cút, kết quả từ năm 2006 đến năm 2011 gia trại của ông luân phiên từ 2.500 đến 3.000 con giống, từ 300 đến 500 con gà thịt, từ 10 đến 15 con trăn, doanh thu trên 260 triệu đồng, trừ chi phí ông thu nhập từ 85 đến 90 triệu đồng đảm bảo được cuộc sống gia đình và có phần giúp đỡ đồng đội, bà con láng giềng trong diện nghèo khó.
Ông còn áp dụng ấp trứng cút nở con giống và cung cấp trứng lộn cho thị trường các nhà hàng, quán nhậu, kể cả ấp nở gà con giống cung cấp cho người chăn nuôi trong và ngoài địa phương. Từ mô hình chăn nuôi đa canh với sự cần cù, kiên trì, chịu khó, vượt qua mọi thách thức, khó khăn ban đầu đã giúp ông thành công như hôm nay. Ông khoe với chúng tôi rằng, vừa qua ông mua về một số con duối con và đang nghiên cứu nuôi loài vật cho thu nhập kinh tế cao này.
Ngoài công việc làm ăn, ông còn trao đổi công tác với thành viên trong Hội Cựu chiến binh |
Sau bao thăng trầm trong cuộc đời, giờ đây cuộc sống của ông Tám Phúc đã ổn định vững vàng. Điều mà ông cảm thấy hạnh phúc nhất là 3 người con đều đã khôn lớn, thành đạt. Thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ nên các con ông đều rất hiếu thảo và chăm chỉ lao động, cả ba người con đều có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình.
Sắp bước vào tuổi 60 nhưng người cựu binh không chịu nghỉ ngơi, an nhàn mà vẫn chăm chỉ lao động sản xuất. Ông luôn tự nhủ: “Bây giờ còn sức khoẻ thì phải làm việc kiếm tiền mà dành dụm, phòng khi sau này có bệnh hoạn cũng đỡ gánh nặng cho con cháu. Khi nào làm không nổi nữa thì tui mới nghỉ ngơi”.
Chính từ thành quả lao động đạt được mà 5 năm liền 2007-2011, ông đã được địa phương bình xét và đề nghị lên Hội Cựu chiến binh cấp trên công nhận danh hiệu Sản xuất kinh tế giỏi, Hội viên Cựu chiến binh gương mẫu xuất sắc và nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của huyện, của tỉnh và Trung ương Hội Cựu chiến binh tặng.
Đặc biệt, ông được Hội Cựu chiến binh huyện Hoài Nhơn, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Định chọn là đại biểu tiêu biểu đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến Sản xuất kinh tế giỏi toàn quốc của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã được tổ chức vào quý III/2011 tại Hà Nội.
Ngoài việc nhà, ông Tám Phúc còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Từ nhiều năm qua, ông luôn được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị xã Hoài Thanh Tây, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Ngọc Sơn Bắc.
Được sự tín nhiệm của bà con, ông Phúc thường đứng ra hoà giải các mâu thuẫn trong xóm, thôn. Đồng thời ông cũng tích cực vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa thấm đậm tình làng nghĩa xóm. Những đóng góp đó khiến bà con nhân dân càng thêm yêu mến người thương binh có một nghị lực phi thường đang làm giàu trên đất mảnh quê hương.