Cược cả gia tài để làm giàu
Ông Tâm sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà có hai anh em, ông Tâm phải nghỉ học sớm đi làm thuê phụ cha mẹ nuôi em gái đi học. Sau này, ông Tâm được cha mẹ thừa kế cho 2 công đất vườn, nhưng nhiều năm liền canh tác, do thời tiết khắc nghiệt dẫn đến sâu bệnh, mất mùa… nên gia đình ông luôn phải chịu cảnh chạy ăn từng bữa.
Do vậy, ông Tâm mạnh dạn đào cả hai công vườn, chuyển đổi mô hình nuôi cá tra nhưng do thiếu kinh nghiệm, cá bị bệnh chết hàng loạt. Thua lỗ nặng nề, ông Tâm vẫn không từ bỏ ý định, tiếp tục vay ngân hàng, rồi tìm những lớp huấn luyện để học tập kinh nghiệm quyết làm lại từ đầu.
“Gia đình tôi khi ấy phản đối dữ dội, họ cho rằng tôi quá liều khi bắt đầu cái việc mà nơi đây chưa ai làm. Thế nhưng, tôi không muốn cha mẹ và em gái chịu thiệt thòi, bữa no, bữa đói, kiểu gì tôi cũng phải thay đổi. Sau lần đầu tiên thất bại, cha mẹ tôi đương nhiên không chấp nhận, van nài tôi từ bỏ ý định”, ông Tâm không giấu được niềm vui kể lại.
Tuy nhiên, trời đã không phụ lòng người, vụ cá thứ 2 của ông Tâm đã thành công, thu lợi nhuận 500 triệu đồng. Tiếp đà phát triển, ông Tâm mua và thuê thêm đất phát triển ao nuôi hiện nay là 5ha. Để phát triển bền vững và có đầu ra ổn định, hiện nay, ông Tâm chuyển đổi mô hình hợp tác với công ty chế biến thủy hải sản. Ngoài ra, ông Tâm còn phát triển thêm dịch vụ vận chuyển thủy sản khắp các tỉnh miền tây.
Ông Tâm vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. |
Thành công luôn đi cùng chông gai
Sau nhiều năm phát triền nghề chăn nuôi thủy hải sản mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Cũng chính lúc này, ông Tâm nghĩ đến việc phát triển nghề trồng cây ăn trái vốn là truyền thống vùng đất Ô Môn quê hương ông.
Bằng số vốn tự có, ông Tâm mua 8ha đất để trồng một số giống cây ăn quả lạ, mới như nhãn da bò, xoài cát chu… nhưng lần nữa lại “nếm mùi” thất bại.
Kinh nghiệm thương trường chỉ cho ông Tâm rằng làm việc gì cũng cần phải có kiến thức và kinh nghiệm. Vậy là, một lần nữa ông Tâm lại “đèn sách” đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm, đưa những giống cây, phương pháp kỹ thuật mới về áp dụng tại vườn cây nhà mình.
Theo ông Tâm, với phương pháp trồng truyền thống, cây trồng bị phụ thuộc thời tiết, nên người nông dân chỉ biết đánh cược vào sự may rủi. Khi áp dụng khoa học kỹ thuật, ông Tâm có thể khiến cây ra hoa và quả trái vụ, không lo bị sâu bệnh, bị thời tiết phá hỏng, mà còn thu về lợi nhuận cao. Hiện nay, mỗi năm vườn nhãn của ông đạt năng suất 35-40 tấn/ha, trung bình thu về lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.
Không chỉ nâng cao năng suất cây trồng, ông Tâm còn hướng đến tiêu chí an toàn. Ông Tâm mở rộng diện tích để trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn của VietGAP, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, ông Tâm đã tạo công ăn việc làm cho 60 -70 lao động trong và ngoài vùng. Ngoài ra, ông Tâm còn tích cực tham gia công tác xã hội, xây nhà tình nghĩa, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Sự nỗ lực cống hiến của ông Tâm đã được Nhà nước và cộng đồng ghi nhận, năm 2015, ông Tâm vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho những đóng góp của mình.
Tuy vậy, khi được hỏi về bản thân, ông Tâm vẫn luôn khiêm tốn: “Tôi cho rằng mình vẫn luôn phải học hỏi, tìm tòi những phương pháp khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, bởi chỉ có những phương pháp mới mới giúp người nông dân bớt nghèo, bớt khổ. Đặc biệt, với những thanh niên trẻ khởi khiệp, tôi luôn dốc sức hỗ trợ và hướng dẫn và không quên nhắc nhở họ cần nhân rộng những phương pháp mới để ai cũng biết đến, ai cũng có thể áp dụng”.