Ông Thăng phủ nhận ủy quyền kí văn bản góp vốn
Giữa tháng 5/2011, ông Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Thành viên HĐTV) được ông Đinh La Thăng ủy quyền điều hành hoạt động ở Oceanbank. Ông Thắng đã ký vào văn bản đăng ký tăng vốn điều lệ và biểu quyết tăng vốn. Tập đoàn dầu khí đã ban hành Nghị quyết tăng vốn với 4/7 thành viên HĐQT đồng ý tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào Oceanbank, số tiền góp bổ sung là 100 tỷ đồng.
Tại tòa, ông Thăng khai thời điểm này đi công tác và không ủy quyền cho Thắng kí văn bản nào. Theo cựu Chủ tịch PVN, ông chỉ ủy quyền điều hành hoạt động của tập đoàn chứ không biểu quyết kí thay. Khi đi công tác về, ông cũng không được cấp dưới báo cáo về việc ký tăng vốn góp lần 3. “Trong tất cả các lần ủy quyền, bị cáo không ủy quyền việc nào cụ thể nên không yêu cầu báo cáo lại”, ông Thăng khai
Tại CQĐT, ông Thắng khai đã báo cáo ông Thăng về việc ký nghị quyết bổ sung góp vốn vào Oceanbank nhưng cựu Chủ tịch PVN không có chỉ đạo gì mà đồng ý thực hiện. Trước lời khai này, ông Thăng cho biết tôn trọng lời khai của cấp dưới.
Ông Thăng khẳng định đã chỉ đạo thoái vốn khỏi ngân hàng Oceanbank để sở hữu tỷ lệ vốn điều lệ theo quy định. “Xin lỗi anh em, tôi không có ý đổ trách nhiệm nhưng cuối tháng 2 bị cáo đã họp và chỉ đạo thoái vốn của PVN ở Oceanbank để phù hợp với tỷ lệ sở hữu. Từ tháng 2 mới chỉ đạo như vậy mà đến tháng 5 sau khi nghe anh Thắng báo cáo mà bị cáo đồng ý là vô cùng vô lý”, ông Thăng nói. “Bị cáo không thể mất trí như vậy được”, cựu Chủ tịch PVN nói thêm.
Bản thân ông Thăng khẳng định việc góp vốn thêm 100 tỷ đồng là sai. “Nếu giả sử việc góp 100 tỷ đồng là sai, bị cáo xin nhận trách nhiệm người đứng đầu, ủy quyền. Tuy nhiên, bị cáo hiểu việc góp vốn 100 tỷ là chưa đúng pháp luật. Nhưng đến nay bị cáo mới biết việc góp vốn này đã được sự đồng ý của cơ quan quản lý”, ông Thăng nói.
Bộ Tài chính lên tiếng
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, ông Phạm Đức Hưng, đại diện Bộ Tài chính tham dự phiên tòa để tập trung làm rõ hai công văn của bộ này trả lời Văn phòng Chính phủ (VPCP) sau khi nhận được công văn xin ý kiến của VPCP đối với việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn lần đầu và lần hai vào OceanBank năm 2008 và 2010.
Đại diện Bộ Tài chính |
Theo đó, tại Công văn số 121441 ngày 14/10/2008 có nội dung: “PVN có đủ điều kiện theo quy định hiện hành để tham gia góp vốn vào Oceanbank… Để đảm bảo tính hiệu quả, đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank.
Đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của Oceanbank, xác định giá trị thực cổ phiếu của Oceanbank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm về hiệu quả của hoạt động đầu tư này”.
Cũng theo ông Phạm Đức Hưng, tại công văn 3780 của Bộ Tài chính khẳng định, việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước vào lĩnh vực tài chính ngân hàng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó VPCP mới chuyển công văn xin ý kiến các bộ ngành có liên quan.
Khi luật sư hỏi “PVN đủ điều kiện để góp vốn vào OceanBank là những điều kiện gì” là những điều kiện gì? Đại diện Bộ Tài chính cho biết, tại thời điểm 2008, việc đầu tư của PVN là có cơ sở, tuy nhiên trên góc độ quản lý ngành, ý kiến của Bộ Tài chính chỉ căn cứ trên vấn đề quản lý vốn, ngoài ra còn nhiều hệ thống pháp luật có liên quan. Việc giới hạn đầu tư ra ngoài ngành có văn bản rà soát chi tiết cụ thể.
“Tôi chỉ trả lời trên lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, chứ không có ý kiến trả lời đối với lĩnh vực do bộ ngành khác quản lý. Tại thời điểm PVN xin ý kiến ngày 30/9/2008, trước đó tại công văn 3780 của VPCP đã nêu việc đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng phải được báo cáo Thủ tướng trước khi thực hiện. Chúng tôi lưu ý là công văn trả lời của Bộ Tài chính là trên cơ sở công văn xin ý kiến của VPCP,” ông Phạm Đức Hưng khẳng định.