Cậu bé ngọt ngào
Chị Điệp kể, khi “thiên thần hạ cánh” xuống vai chị để chị có Đỗ Nhật Nam của hôm nay, đúng thời điểm chị đang cô đơn lắm. Cô đơn bởi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ Việt Nam. Trên đất nước Nhật Bản, tiếng không biết nhiều, bạn bè ít, chồng thì đi làm, đi học cả ngày, chị chỉ có một người đề bầu bạn, để chuyện trò thủ thỉ lúc cô đơn, ấy là Nam – là mầm sống bé nhỏ mới tượng hình trong chị. Ngày ấy, chị cũng chẳng có ý nghĩa cao siêu rằng đó là thai giáo, là những phương pháp to tát gì đó để con sau này thông minh.
Tự nhiên như hơi thở, chị nói chuyện với em bé trong bụng như con đang hiện hữu bên ngoài đời thực cùng chị. Chị đọc sách cho con nghe, đọc những bài thơ bố mẹ sáng tác cho con. Chị thủ thỉ với con về nỗi niềm của mình, chị kể cho con nghe về cuộc sống tươi đẹp đang chờ đợi bé bên ngoài. Lúc ấy, thậm chí chị chẳng biết được con mình sẽ là trai hay là gái, thế nên, chị cũng chẳng thể mơ tới một hình tượng nào đó để mong ước con mình về sau sẽ như thế.
Ước mong duy nhất của chị là con chị sẽ giống bố nó – giống chồng chị ở sự chịu thương chịu khó, giống chồng chị bởi trí thông minh và sự can trường trong cuộc sống. Chị cũng mong con sau này sẽ có được sự vui vẻ, lạc quan của ông ngoại - bố của chị - người đàn ông vĩ đại trong cuộc đời chị - người đàn ông luôn giấu nỗi buồn vào bên trong, tràn đầy tin tưởng.
Rất may sau này khi Nam sinh ra, những mong ước đó của chị đều thành hiện thực. “Nam luôn cho tôi sự lạc quan, tin tưởng. Trước khi Nam đi du học, tôi không hề muốn. Nhưng Nam đã nói với tôi: “Mẹ ơi, đối với các bà mẹ trên thế giới này, thì những bài hát luôn hát vào ngày mai.” – chị Điệp xúc động kể đầy tự hào về cậu con trai bé nhỏ của mình.
Hai mẹ con Đỗ Nhật Nam |
Đỗ Nhật Nam của mẹ Điệp cũng vô cùng ngọt ngào. Cậu có thể nói yêu mẹ, chia sẻ những lời nói yêu thương với mẹ một cách rất dễ dàng. Kể cả giờ đây, khi đã như một “ông Tây”, cao lớn sừng sững thì bên mẹ Điệp, Nam vẫn là cậu con trai nhỏ bé, đáng yêu luôn nói “Em yêu mẹ” “Mẹ ơi mẹ có vui không”, Mẹ ơi em đi ngủ đây, em mang mẹ trong lòng vào giấc ngủ”…
Tình yêu thương của chị Điệp dành cho Nam hiện hữu rất rõ trong cuốn sách “ Yêu thương, mẹ kể”. Ở đó chan chứa nguồn yêu thương vô bờ của chị dành cho con. Không những thế, nó còn là một nguồn năng lượng lớn lao có thể tràn từ người này sang người khác, trực tiếp và gián tiếp. Trong “Yêu thương mẹ kể”, không thể đếm nổi số từ yêu, thương, mến, vui, cười, ôm, an lành,…
Đừng cuống quýt vì sự thay đổi của con
Ấy nhưng, chị Điệp kể, chẳng phải từ lúc lọt lòng, cho đến giờ Nam luôn là cậu bé đáng yêu như thế. “Tôi nhớ hồi đó Nam gần 2 tuổi, có lẽ là thời gian khủng hoảng tuổi lên 3, còn Nam thì sớm hơn một chút. Nam thể hiện cái tôi, rất ương bướng. Tôi bị sốc. Đang từ chỗ hoàn toàn nghe lời mẹ, Nam làm ngược lại hết. …” – chị Điệp nhớ lại. Nhưng cũng chính thời gian khủng hoảng theo con này mà chị Điệp nhận ra chân lý của “nghề” làm mẹ. Ấy là thuận theo tự nhiên.
Hồi đó tôi ở Nhật. Các bà mẹ Nhật luôn có những nhóm cộng đồng để giúp đỡ nhau. Tôi chia sẻ những khó khăn của mình về sự thay đổi của Nam, họ chỉ cười: Tự nhiên mà. Từ đây, tôi bắt đầu hiểu ra, đừng bắt con phải theo ý mình, đừng cuống quýt trước những thay đổi bất thường của con, hãy cứ nhẹ nhàng nương theo tự nhiên. Chăm đứa bé như chăm búp bê, nó ốm sốt cũng không phải căng thẳng, họ coi tất cả là niềm vui. ” – chị chia sẻ.
Có một điều khó tin, cậu bé được mệnh danh là thần đồng Đỗ Nhật Nam cũng được mẹ “nương theo tự nhiên” trong việc học chữ. Khi Nam lên 6 tuổi, bắt đầu đi học, chị Điệp mới cho con học viết chữ. Trước đó, từ khoảng 4 tuổi, Nam đã tự mày mò học chữ cái, ghép vần. Suốt quá trình Nam học tại Việt Nam, không khi nào chị Điệp bị áp lực, cũng như gây áp lực cho con về điểm số, thành tích. Trái tim của người mẹ, sự nhạy cảm của một người có chuyên môn sư phạm giúp chị biết đâu là điểm yếu, đâu là thế mạnh của con.
Ít có người mẹ nào làm được như chị Phan Hồ Điệp. Chị đã hy sinh rất nhiều cơ hôi việc làm để dành trọn vẹn thời gian sống với tuổi thơ của con. Coi việc giáo dục con là một nhiệm vụ, một mục tiêu cao cả của cuộc đời nhưng chị không “đao to búa lớn” trong những bài học của Đỗ Nhật Nam.
Cậu bé vụng về, lóng ngóng thiếu tập trung, kiên nhẫn, kém kỹ năng vận động… vui vẻ tham gia xâu vòng cùng mẹ mà không hề biết đó là một bài học. Nhưng cuốn sách nhỏ xíu trong trò chơi của Nam ngày nhỏ cũng chính là những viên gạch nền móng để sau này có một cậu bé Nam có niềm đam mê vô cùng tận với sách. Cũng chính việc coi nhẹ điểm số của mẹ Điệp, đã khiến Đỗ Nhật Nam không bao giờ thấy học là công việc đáng sợ và chán nản. Nam được hoàn toàn tự do trong kiến thức của mình. Được chọn lựa học cái gì mà mình thích nhất.
“Tôi đã từng rất sợ học. Ngày bé, tôi chỉ mong sao lớn thật nhanh để không phải học. Sau này nghĩ lại vẫn bị ám ảnh, và tôi muốn con tôi không phải lặp lại thời thơ ấu của mẹ như thế”. – chị Điệp tâm sự.
Hòa nhịp cùng niềm vui con trẻ
Quá trình học tập cùng con của chị Điệp – có lẽ được diễn tả chính xác hơn bằng quá trình chơi cùng con. Cha mẹ tận dụng tất cả khoảng thời gian của mình để kiên nhẫn chơi cùng Nam. Bởi hơn ai hết, anh chị hiểu, thời gian bên con không nằm ở số phút, số giờ chơi mà được thể hiện ở chất lượng buổi chơi ngày hôm đó. Điều đó được thể hiện ở cảm nhận của đứa trẻ rằng mẹ đang chơi với mình, đang hòa nhịp vào niềm vui của mình.
Chị chia sẻ về quan điểm nuôi dạy con: “Trẻ con chơi vô tình trong sự cố tình của người lớn”. Phương châm học tập của Nam cũng là được tự do hoàn toàn trong kiến thức của mình và tự chủ trong những dự định học tập, thi cử của bản thân. Vào các buổi tối tự học ở nhà, Nam được mẹ “cấp quota” 30 phút dành cho việc tự chọn môn học hoặc hoạt động mà mình thích nhất, cha mẹ không giám sát khoảng thời gian riêng tư đó.
Đổi lại, sau mỗi giờ tự học, tự tìm hiểu thông tin, Nam có được “sản phẩm” nào đó để chia sẻ hoặc thông tin lại với mẹ, khi thì là bài thơ hay, khi thì là kết quả của quá trình tìm hiểu các thuật toán thiết kế phần mềm… Và ý thức tự học, tự đào sâu nghiên cứu được hình thành qua những “cam kết ngầm” như thế.
Một nguyên tắc nữa mà gia đình chị Điệp áp dụng đó là nguyên tắc đúng giờ và nguyên tắc tuân thủ kế hoạch cũng như tuân thủ thời gian biểu đã được đề ra. Ngay từ khi con con nhỏ, việc lập thời gian biểu theo giờ ăn, giờ ngủ, giờ nghỉ, chơi của con được chị quán triệt nghiêm túc. Điều này giúp cha mẹ có được sự chủ động về mặt thời gian, không bị mất bình tĩnh hay nóng vội với những hoạt động của con vì trong mọi trường hợp, chị đều có tính đến phương án “trừ hao thời gian”, độ trễ trong sinh hoạt của con. Không những thế, việc tự lập thời khóa biểu và tự lên kế hoạch trong việc học cũng giúp Nam có ý thức trong việc tự giác học tập mà không phải chờ đến sự thúc ép hay nhắc nhở của cha mẹ.
Ngay cả khi Nam bước vào tuổi dậy thì, chị Điệp cũng nương theo tự nhiên, và hiểu tâm sinh lý lứa tuổi để sống cùng những thay đổi của con. Nương theo những thay đổi của con, nên Chị Điệp luôn giữ được con trong “một vòng tròn yêu thương” (Tên một cuốn sách của anh Đỗ Xuân Thảo – chồng chị Điệp – trong bộ sách của gia đình Đỗ Nhật Nam) như những ngày Nam còn bé.
“Nam có sự ràng rịt với gia đình, rất gần gũi, rất thiêng liêng. Thế nên khi Nam đi du học, chúng tôi cũng không có cảm giác Nam ở xa, không có cảm giác Nam là khách khi trở về nhà của mình. Nam đi bắt đầu vào tuổi dậy thì. Tôi đã từng rất sợ là cái cần giống Tây con lại giống Việt, cái cần giữ bản sắc Việt thì con lại đánh mất. Nhưng may mắn là sau 2 năm, con lại yêu gia đình hơn, thấy giá trị của gia đình hơn”.
Nói về định hướng nghề nghiệp cho con, chị Điệp cũng tâm sự đó là câu hỏi lớn của chị, Nam cũng đang băn khoăn chọn đường đi cho mình. Nhưng chị cảm thấy mọi thứ đã lên kế hoạch, được Nam sắp sẵn. Nhưng “mình chỉ là người bên rìa, chỉ động viên” – chị xác định.