Gặp lại con khi mái đầu đã bạc
Câu chuyện bà Phan Thị Thanh (86 tuổi, ở thôn Bình Quang, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thất lạc con đã khiến rất nhiều người rơi nước mắt vì xúc động.
Theo lời kể, năm 1960, bà kết hôn, sinh được 2 người con, 1 gái, 1 trai. Sau khi chồng mất, năm 1973, bà có tình cảm với một người đàn ông trong xã và sinh với người này một bé gái. Lúc này, cha mẹ đẻ bà Thanh đều đã qua đời, bà cùng 3 người con sống với người em trai.
Phận đàn bà, con lại nhỏ, cuộc sống của bà lúc đó rất khó khăn, vất vả. Nhưng cái khổ về miếng cơm manh áo không thấm vào đâu so với nỗi khổ sở nhất đối với bà chính là chịu tiếng đời thị phi. Một thời gian sau, người đàn ông ấy cũng bỏ bà về thế giới bên kia, khiến bà càng tiều tụy.
Sinh con gái vừa được 3 tháng thì bà lâm trọng bệnh. Theo lời bà Thanh kể, trong thời gian này, nghĩ mình không thể qua khỏi nên bà gửi đứa con 3 tháng tuổi cho bà nội của cháu bé, vì em trai bà còn phải nuôi 2 người con của bà với người chồng trước.
Thế nhưng, không biết có phải thần chết xót thương gia cảnh người đàn bà này nên để bà lại với trần gian. Thậm chí, các bác sĩ lúc đó còn xác định bà Thanh đã chết nên chuyển xuống nhà xác.
May mắn, trong lúc "thi thể" bà Thanh đang đợi thân nhân đưa về lo hậu sự thì có người phát hiện tay bà cử động nên gọi bác sĩ. Ngay lập tức, bà Thanh được đưa đến phòng cấp cứu để hồi sinh.
Chết đi sống lại, trở về khi đã chạm tay vào cánh cửa Địa phủ, sau thời gian dài điều trị, điều đầu tiên người mẹ nghĩ đến khi khỏe lại là ba đứa con, nhất là cô con gái 3 tháng tuổi. Bà vội vã đến nhà người mà bà đã gửi con để rước con về thì nhận được câu trả lời: "Đứa bé được cho đi làm con nuôi rồi".
Người mẹ một lần nữa như rơi xuống địa ngục. Bà đau đớn bởi điều xảy ra là điều bà không ngờ tới. "Lúc đó, tôi nghĩ mình không qua khỏi nên mới tính tới việc gửi các con cho người thân nuôi dưỡng. Cha mẹ tôi chết hết rồi, tôi chỉ còn một người em trai nên gửi 2 người con đầu cho người em này và gửi người con gái 3 tháng tuổi cho bà nội của nó. Tôi không nghĩ được chuyện lại xảy ra như thế nhưng cũng đành cắn răng chấp nhận", bà Thanh kể.
Cũng cần nói thêm rằng, khi đó là thời chiến tranh, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Việc cho người khác nhận làm con nuôi cũng không phải là điều hiếm. Hoàn cảnh cô con gái 3 tháng tuổi của bà Thanh khi đó cũng rất đặc biệt, cha đã không còn, mẹ nằm viện nhiều phần không qua khỏi nên việc người thân đem đi cho người khác làm con nuôi cũng có phần vạn bất đắc dĩ.
Dù vậy, tình mẫu tử thiêng liêng lúc nào cũng gặp nhấm trái tim người mẹ. Đó là những ngày tháng đau đớn, dằn vặt nhất của bà Thanh. Lúc nào cũng văng vẳng bên tai bà tiếng đứa trẻ 3 tháng khóc oe oe vì thèm sữa mẹ. Rồi bà tưởng tượng, con gái bà đã biết bò, con gái bà đã biết lật, biết chạy, biết gọi mẹ ơi... Đã nhiều lần bà hỏi tìm thông tin về người đã nhận con gái bà làm con nuôi nhưng không được chỉ dẫn rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Liễu (SN 1961, con gái đầu của bà Thanh) kể, thời điểm thất lạc người em, bà mới 12 tuổi. Những năm sau đó, bà và mẹ đã nhiều lần đi tìm người con, người em ấy nhưng vì không biết tên tuổi, địa chỉ người nhận nuôi nên họ đành bất lực. Sau này, cứ mỗi lần xem chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", bà Thanh lại khóc. Thời gian trôi đi, bà Thanh mỗi lúc một già, bà Liễu ao ước một ngày nào đó sẽ tìm được em gái của mình về cho mẹ.
Chẳng biết có phải vì trời thương hay vì nỗi nhớ con, thương con cồn cào làm động lực, bà Thanh đã nhiều lần ốm đau, thân hình gầy héo như cây sậy nhưng vẫn ráng sống, vẫn ráng chờ đợi mong có một ngày…
Điều kỳ diệu đã xảy ra
Sáng 20/7/2018, trong lúc quét sân, bà Liễu nghe loáng thoáng thông tin tìm người thân trên chương trình truyền thanh của huyện Thăng Bình. Bản tin phát đi nhanh nên bà nghe không rõ lắm, đại loại có một người phụ nữ tìm người thân, người này được gia đình cho người khác nhận làm con nuôi từ lúc 3 tháng tuổi.
Dù chỉ nghe được vỏn vẹn vài câu nhưng bà Liễu lại thấy có gì đó trùng hợp, linh tính đó là em gái mình. Bà vội vã nhờ chồng đến Đài Truyền thanh huyện Thăng Bình xin trích lại thông tin này.
Bà Liễu liên hệ với người phụ nữ tìm người thân theo số điện thoại trong mẩu thông tin. Người phụ nữ cho biết chị tên là Hà, hiện sống tại TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), được mẹ nuôi nhận về nuôi từ lúc 3 tháng tuổi, tại Quảng Nam. Rồi chị Hà đọc tên cha ruột, tên mẹ ruột của mình. Khi nghe đến đây, bà Liễu hụt hẫng, bởi theo thông tin đó thì tên mẹ chị Hà không phải là Phan Thị Thanh.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc điện thoại, bà Liễu vẫn không bỏ cuộc, cụm từ "3 tháng tuổi" ám ảnh bà và nó như là cái phao để niềm hy vọng của bà bám víu. Sau khi kiểm tra một số thông tin có liên quan, bà Liễu gần như khẳng định rằng đó là người em gái cùng mẹ khác cha của mình.
Ngày 29/7/2018, bà Thanh và người thân ra Huế để cùng chị Hà tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ADN. Điều kỳ diệu đã xảy ra, kết quả xét nghiệm xác định họ là mẹ - con ruột. Niềm hạnh phúc của người mẹ không thể nào diễn tả nổi.
Bà Thanh chất phác nói với chúng tôi: "Chu cha, mừng lắm chú ơi. Tôi không ngờ gặp lại con mình. 45 năm nay, tôi vẫn mơ về nó. Tôi mơ thấy nó khát sữa, nó khóc. Rõ ràng, ông trời thấu lòng mẹ con tôi mà. Đến giờ, tôi còn tưởng như là giấc mơ...". Bà còn kể, chị Hà mua quần áo mới cho bà, tắm cho bà trong lần đầu 2 mẹ con gặp nhau...
Ngày 12/8/2018, chị Hà cùng chồng, các con và gia đình cha mẹ nuôi vào xã Bình Quế để thăm người thân và nơi chôn nhau cắt rốn của chị Hà.
Chúng tôi hỏi đến gia đình người mẹ nuôi, bà Thanh nói: "Mẹ nuôi nó tội lắm, thiệt thà lắm. Không sống với mẹ ruột, kể ra con tôi cũng thiệt thòi. Nhưng nó có được cha mẹ nuôi như thế cũng là điều may mắn. Họ nuôi dưỡng và dựng vợ gả chồng cho nó. Giờ nó đã có chồng và 3 con, gia đình đầm ấm, hạnh phúc, các cháu tôi đều ngoan, học giỏi. Tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn họ".
Trong lúc chúng tôi tác nghiệp, có người gọi đến với lời lẽ khó nghe, cho rằng không nên kể câu chuyện này. Thiết nghĩ, đây là câu chuyện kết thúc có hậu và giàu tính nhân văn đáng để trân trọng. Chúng tôi kể lại câu chuyện ở đây không phải nhằm khơi gợi quá khứ hay những vết cắt chia lìa mà trái lại là niềm hy vọng về những việc thiện, những câu chuyện cổ tích không phải chỉ có trong mơ mà vẫn tồn tại trong đời thực.
Bà Thanh, chị Hà đã không ngừng hy vọng tìm lại nhau trong suốt 45 năm dài, người mẹ nuôi đã có công chăm sóc và gián tiếp mang người con gái thất lạc về với gia đình. Cuộc hội ngộ của 2 mẹ con bà Thanh sẽ nuôi dưỡng hy vọng cho nhiều người đang mong mỏi tìm được người thân thất lạc. Và nhất là câu chuyện kỳ diệu này lại xảy ra, ngay trước thềm mùa vu lan, báo hiếu mẹ cha...