Từ bất thường của Cơ quan điều tra
Trong đơn, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc mua bán hàng hóa giữa Cty TNHH Thương mại tổng hợp và dịch vụ Đức Đạt và 2 Cty TNHH thương mại dịch vụ Đằng Giang, Cty TNHH thương mại Thái An Châu là có thật. Tuy nhiên, khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quá trình điều tra đã thể hiện nhiều dấu hiệu bất thường và quy chụp dẫn đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong tố tụng.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Cty Luật TNHH H&M (Đoàn Luật sư Hà Nội), căn cứ Điều 12 Pháp lệnh 23/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an cấp tỉnh điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XI, Chương XXIV và các tội phạm quy định tại các Điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 263, 264, 274 và 275 của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh.
Do vậy, Quyết định khởi tố vụ án số 04 do Thủ trưởng Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Khánh Hòa ký ngày 9/9/2013 khởi tố vụ án hình sự căn cứ Điều 161, 164a của Bộ luật Hình sự và Điều 34, 110, 100, 104 của Bộ luật Tố tụng Hình sự liệu có đúng thẩm quyền?.
Ngày 23/10/2013, Cơ quan ANĐT ra Lệnh khám xét số 11 do Đại tá Lê Ngọc Minh ký ủy nhiệm cho Điều tra viên (ĐTV) Trần Thanh Quang tổ chức thi hành, nhưng theo Biên bản khám xét hồi 14h05 ngày 30/10/2013 thì lại do ông Phạm Minh Qúy thực hiện. Lệnh khám xét số 12 ngày 23/10/2013 cũng do Đại tá Minh ký ủy nhiệm cho ĐTV Đỗ Bảo Liêm thi hành lệnh, nhưng theo Biên bản khám xét hồi 15h00 ngày 30/10/2013 lại do ĐTV Trần Thanh Quang thực hiện.
Tiếp đó, tại Lệnh khám xét khẩn cấp số 13, ngày 28/10/2013, do Thượng tá Nguyễn Việt Trung ký ủy nhiệm cho ĐTV Phan Bình Dương thực hiện khám xét nhà ở Khu phố Hưng Gia 1, phường Tân Phong, Quận 7, TP Hồ Chí Minh của bà Hồng nhưng khi đó Thượng tá Trung chưa được phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT để điều tra vụ án theo Quyết định khởi tố vụ án số 04, ngày 9/9/2013.
Chưa hết, tại Quyết định phân công ĐTV điều tra vụ án hình sự số 04 ngày 9/9/2013 thì các ông được phân công là Phan Bình Dương, Đỗ Bảo Liêm và Trần Thanh Quang, chứ không có tên ông Phạm Minh Qúy. Vậy việc thực hiện lệnh khám xét nhà của ông Quý liệu có vi phạm thủ tục tố tụng, vi phạm Điều 10, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013?.
Chưa hết, LS Hương còn cho hay, ngày 24/9/2013 (tức sau 2 tháng 20 ngày) cơ quan thuế và cơ quan điều tra mới tiến hành giao nhận hồ sơ doanh nghiệp để nghiên cứu, xem xét điều tra, nhưng ngày 9/9/2013 (tức trước lúc giao nhận hồ sơ 15 ngày) Cơ quan ANĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án và “xác định có dấu hiệu tội phạm trốn thuế” (?!).
Đến sự khó hiểu của Tòa án
Khi vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm, ngày 16/8/2016, TAND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định 01 tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo vì cho rằng “bị cáo trốn tránh việc xét xử và không biết bị cáo ở đâu”. Nhưng theo tìm hiểu, trước đó ngày 10/8/2016, bị cáo đã gửi thông báo bằng văn bản cho Toà án, Viện Kiểm sát, Công an tỉnh này về tình hình sức khoẻ, kèm theo giấy nhập viện cấp cứu ngày 5/8/2016 tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Đó là chưa nói đến việc cùng ngày Tòa án ra quyết định trên cũng là ngày luật sư có mặt tại Toà án để đăng ký làm thủ tục cấp chứng nhận bào chữa cho bị cáo. Và sau đó, ngày 17/8/2016, Luật sư thực hiện công tác sao chụp hồ sơ tại Toà án nhưng không được thông báo.
“Nếu ngày 16/8/2016, Toà án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án thì Toà phải sử dụng quyền từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho Luật sư. Giả thiết nếu ngày 16/8/2016, Toà đồng thời ra hai quyết định: Cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS và Quyết định tạm đình chỉ vụ án thì Toà án phải sử dụng quyền từ chối cho LS thực hiện quyền sao chụp và nghiên cứu hồ sơ cho tới khi có quyết định khôi phục vụ án trở lại. Bởi vụ án đã tạm đình chỉ rồi thì lấy cái gì để luật sư bào chữa nữa ?”, LS Hương phân tích. Bởi vậy, ngày 9/9/2016, Luật sư đã có văn bản gửi Chánh án TAND tỉnh Khánh Hoà khiếu nại về việc ra Quyết định tạm đình chỉ bởi những căn cứ Toà đưa ra là không khách quan và thiếu căn cứ.
Vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm, nhưng việc xử lý phải được thực hiện đúng quy định để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật cũng như để tránh làm oan người vô tội. Đặc biệt, đây là doanh nhân - đối tượng được Chính phủ quan tâm khi đề cập tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.