Nữ điệp viên may mắn không bao giờ bị bắt

Melita Norwood khi còn trẻ
Melita Norwood khi còn trẻ
(PLO) -Người đó là Melita Norwood - điệp viên quan trọng nhất mà Liên Xô từng tuyển mộ được, cũng là một trong những điệp viên thành công nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Melita Norwood có tên khai sinh là Melita Sirnis, sinh năm 1912 trong một gia đình có cha là người Latvia còn mẹ là người Anh. 

Gia đình có truyền thống cách mạng

Cả cha mẹ bà đều là những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, trong đó cha của bà là chủ biên Tạp chí lao động và xã hội chủ nghĩa – một tờ tuần báo lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng ở Nga, chuyên những bài viết về chủ nghĩa cộng sản để phân phát cho các thành viên của Đảng cộng sản Anh. 

Tốt nghiệp trung học, bà theo học được 1 năm ở trường Đại học Southampton rồi bỏ học để theo gia đình tới London tìm kế sinh nhai trong bối cảnh tình trạng nghèo đói và thất nghiệp đang lan tràn. Năm 1936, Norwood gia nhập đảng Cộng sản Anh.

Đến năm 1935, bà được một phóng viên của hãng thông tấn TASS của Nga có tên Rothstein đề nghị hợp tác. Với truyền thống theo khuynh hướng cánh tả của gia đình cộng với tinh thần cảm thông chính trị sâu sắc, Norwood đã ngay lập tức nhận lời làm gián điệp cho Liên Xô.

Trong những năm đầu tiên của cuộc Chiến tranh thế giới II, người Nga đánh giá cao Norwood bởi khi đó bà đang là thư ký cho Tổng Thư ký Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm có trụ sở ở Euston. Hiệp hội này chính là đơn vị tiến hành những nghiên cứu quan trọng nhằm làm rõ tính chất của một số loại nhất định, đặc biệt là uranium, để phục vụ cho việc nghiên cứu về công nghệ phản ứng hạt nhân phục vụ cho dự án chế tạo bom hạt nhân của Anh có tên Tube Alloys.

Vốn là một người có tính cách tỉ mỉ và cẩn thận nên bà Norwood trở thành một trong những trợ tá đắc lực của Tổng Thư ký Hiệp hội. Nhờ đó mà bà có thể tiếp cận gần như tất cả các tài liệu liên quan đến các hạng mục do Hiệp hội thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tube Alloys được lưu trữ ở văn phòng của vị Tổng Thư ký.

Tất cả những tài liệu đó đều được bà khéo léo lấy ra khỏi két sắt của ông chủ, chụp lại rồi bàn giao cho đầu mối liên lạc người Nga. Công việc thư ký cũng là một yếu tố thuận lợi giúp bà thực hiện công việc gián điệp mà không bị nghi ngờ.

Vị trí của Norwood trong hoạt động gián điệp thậm chí còn phát triển mạnh hơn vị thế của bà trong cơ quan. Chỉ sau một thời gian tập sự, bà đã trở thành một điệp viên đích thực với mật danh Hola. Ở thời điểm cuộc xung đột giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít ngày càng trở nên gay gắt và Liên Xô thì đang tìm cách xây dựng cơ sở cho các hoạt động công nghiệp của nước này, đặc biệt là hoạt động sản xuất các vũ khí hiện đại, Norwood ngày càng được tin tưởng và giao phó cho những công việc quan trọng.

Điệp viên quan trọng nhất của Liên Xô

Năm 1945, khi dự án Tube Alloys chuyển sang giai đoạn thiết kế lò phản ứng để việc sản xuất plutonium, một nguyên tố nhân tạo được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử, việc tiếp cận các tài liệu mật đã được siết chặt đáng kể. Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm đã tiến hành sàng lọc để đảm bảo chỉ một số ít người có thể tiếp cận các tài liệu liên quan đến dự án cũng như đảm bảo những người đó sẽ không thể giữ lại những bản ghi chép hay đánh máy các tài liệu. 

Số ít những người có thể tiếp cận được tài liệu thì phải trải qua một vòng kiểm tra gắt gao do cơ quan tình báo Anh tiến hành. Ở thời điểm đó, một số người trong cơ quan tình báo Anh cũng tỏ ra nghi ngờ Norwood vì mối liên hệ của bà với một số nhóm cánh tả. Song, bà sớm vượt qua được cuộc kiểm tra an ninh và tiếp tục được tiếp cận các tài liệu tối mật, đồng nghĩa với việc phía Nga lại có thể nhận được thông tin.

Những bí mật mà Norwood cung cấp đều được phía Moscow đánh giá cao. Bà trở thành điệp viên quan trọng nhất mà Liên Xô từng tuyển mộ được, là điệp viên của Nga hoạt động lâu nhất ở Anh, đồng thời được xem là một trong những điệp viên thành công nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những tài liệu mà bà Norwood chuyển cho phía Nga khi đó thậm chí giúp Stalin nắm rõ về hoạt động chế tạo bom của Anh hơn cả một số bộ trưởng trong chính nội các của Thủ tướng Anh khi đó Clement Attlee. Nhờ đó mà Liên Xô cũng đã sớm thành công trong việc chế bom nguyên tử. 

Melita Norwood ở tuổi “gần đất xa trời”
Melita Norwood ở tuổi “gần đất xa trời”

Một số người nhận định, chính Norwood đã góp phần ngăn chặn được khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân trong thế kỷ 20. Nhận định này được đưa ra dựa trên giả thuyết cho rằng Mỹ có thể đã sử dụng vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Triều Tiên như đã từng ném bom xuống Nhật Bản nếu biết Liên Xô lúc bấy giờ chưa chế tạo được loại vũ khí tương tự.

Chiến tranh kết thúc, Norwood vẫn tiếp tục làm việc cho tình báo Anh cho đến khi bà nghỉ hưu ở Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm vào năm 1972 ở tuổi 60. Với những đóng góp to lớn của bà, năm 1970, Liên Xô đã trao cho bà Huân chương Cờ Đỏ - phần thưởng mà mãi về sau bà mới có cơ hội nhận khi đến Nga và cũng chỉ đeo 1 lần duy nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân. Năm 1972, bà được phía Liên Xô cấp cho khoản lương hưu 20 bảng Anh mỗi tháng.

Chuỗi may mắn tiếp nối

Norwood là điệp viên có tài là điều mà mọi người đều công nhận. Nhưng, để có được thành công như vậy, bà cũng cần khá nhiều đến sự may mắn, trong đó đáng chú ý là việc chưa bao giờ bị phát giác và bắt giữ dù ngay từ năm 1949, bà đã từng bị chặn việc tiếp cận các tài liệu mật nhưng 2 năm sau đã được cấp lại quyền này.

Trong suốt nhiều năm liền, một số điệp viên đã bị phát giác và phải trả giá nhưng Norwood vẫn âm thầm vượt qua được những hàng rào an ninh để tiếp tục công việc nguy hiểm mà bà lựa chọn. Thậm chí, việc bà từng gia nhập đảng Cộng sản Anh cũng không bị phát hiện.

Đến năm 1965, khi Norwood chỉ còn 7 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, cơ quan an ninh Anh nhận được thêm các thông tin cảnh báo việc bà là một mối đe dọa an ninh. Tại thời điểm đó, cơ quan an ninh Anh cũng đang điều tra những hành vi đáng ngờ của nhiều nhân vật khác.

Do đó nên, khi đối mặt với với lựa chọn hoặc thêm bà vào danh sách những nhân vật đáng ngờ hoặc im lặng để tránh làm tổn hại đến các cuộc điều tra khác, mật vụ Anh quyết định chọn phương án sau. Điều đó đồng nghĩa với việc Norwood vẫn có thể làm việc như không có chuyện gì xảy ra.

Vai trò của bà chỉ bị phanh phui vào năm 1992, khi điệp viên của KGB Vasili Mitrokhin đào tẩu sang phương tây và mang theo 6 thùng tài liệu. Cái tên một điệp viên có bí danh Hola đã xuất hiện trong nhiều tài liệu trong số đó. Nhưng, thật kỳ diệu, may mắn của Norwood vẫn tiếp diễn trong vài năm sau đó vì cơ quan tình báo Anh vẫn chưa xác định được danh tính thực sự của Hola.

Phải thêm vài năm sau đó, khi một sử gia tình báo tên Christopher Andrew vào cuộc, Norwood mới bị tố giác. Khi đó, một số người ở Anh đã đòi truy tố bà về tội phản quốc và tiến hành một cuộc điều tra về việc làm thế nào bà lại có thể tránh được việc bị phát hiện trong thời gian dài như vậy. Tuy nhiên, giữa năm 1999, Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó là ông Jack Straw tuyên bố việc truy tố bà là không thể vì thời hạn khởi tố đã qua khá lâu. 

Về phía Norwood, tại một cuộc phỏng vấn diễn ra năm 1999, sau khi bí mật của mình đã bị đưa ra ánh sáng, bà bày tỏ tự hào và khẳng định mình đã làm đúng. Lý giải về động cơ làm gián điệp, bà cho hay tiền không phải là lý do khiến bà quyết định làm việc cho người Nga.

“Tôi làm vậy không phải để kiếm tiền mà là để có thể mang đến cho những người dân bình thường thức ăn, hệ thống giáo dục cũng như chăm sóc sức khỏe tốt cùng các chi phí sinh hoạt vừa phải bị đánh bại”, bà nói.../.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.