Hám tiền, điệp viên Mỹ lôi cả anh trai, con trai vào vòng tù tội

John Anthony Walker Jr
John Anthony Walker Jr
(PLO) -Không chỉ làm gián điệp để lấy tiền, John Anthony Walker Jr. còn lôi kéo cả anh trai và con trai tham gia hoạt động phạm pháp. Để rồi, cả 3 đã cùng phải vướng vòng lao lý. 

John Anthony Walker Jr. gia nhập lực lượng hải quân Mỹ vào cuối năm 1995 trên cương vị một nhân viên điện đài chuyên phục vụ trên các tàu sân bay. 

Nghịch lý sự nghiệp – gia đình

Sau khi tốt nghiệp trường đào tạo về tàu ngầm, Walker được chỉ định lên tàu Razorback tới làm nhiệm vụ ở Thái Bình Dương. Trong quá trình này, ông ta đã thi qua Chương trình nhân sự tin cậy – một cuộc đánh giá về tâm lý để đảm bảo rằng chỉ những nhân viên đáng tin cậy nhất mới được tiếp cận các vũ khí hạt nhân của Mỹ. 

Trong thời gian tham gia nhiệm vụ giám sát ở ngoài khơi cảng Vladivostok của Nga và trên đội tàu giám sát các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm cao, Walker thể hiện là một nhân viên xuất sắc với những báo cáo luôn được đánh giá cao. Vì thế nên ông ta được điều tới làm việc trên tàu ngầm tên lửa đạn đạo Andrew Jackson, để rồi tiếp tục có những màn thể hiện tốt và được bổ nhiệm làm chỉ huy của nhóm Thủy thủ vàng trên tàu Simon Bolivar. 

Đầu năm 1963, Walker đã được cấp bằng bảo trì thiết bị mật mã và vượt qua kỳ thi thăng chức của Hải quân Mỹ, trở thành một chuẩn úy. Trong 10 năm tiếp sau đó, ông ta đã phục vụ trên gần chục tàu của Mỹ, dần được thăng chức thành sỹ quan chỉ huy cấp cao và là người điều hành hệ thống điện đài trên một tàu ngầm tên lửa hạt nhân. 

Nghịch lý là, trong khi sự nghiệp thăng tiến thì cuộc sống gia đình của Walker lại diễn tiến theo chiều hướng ngược lại. Những chuyến công tác xa nhà liên tục khiến sợi dây gắn kết giữa ông ta với gia đình ngày càng mong manh, đến mức chính ông ta cũng nhận thấy để có được một bữa cơm quây quần đủ các thành viên là vô cùng khó khăn. Không chỉ vậy, Walker còn phát hiện vợ của ông ta đã mắc tật nghiện rượu, bỏ bê gia đình, con cái. 

Trở thành gián điệp

Để cứu vãn cuộc sống hôn nhân, Walker đã quyết định trích một phần tiền tiết kiệm để mở một quầy bar cho vợ làm quản lý nhưng do không có kinh nghiệm nên số tiền mà gia đình ông ta tiết kiệm được ngày càng hao hụt, đến mức lâm vào nợ nần. Trong lúc bấn loạn, Walker nảy sinh ý định trở thành gián điệp, bán tin mật cho Nga để lấy tiền. 

Sau một thời gian giằng co, một ngày mùa thu tháng 10/1967, Walker – lúc đó đang là sỹ quan giám sát tại trụ sở Lực lượng tàu ngầm Đại Tây Dương của Mỹ - quyết định sẽ tự mình sửa thế cân bằng quân sự giữa Mỹ và Liên Xô cũng như những khó khăn tài chính mà ông ta đang đối mặt bằng việc truyền tin mật của Mỹ cho Moscow. Hôm đó, ông ta đã photo một tập tài liệu tại trụ sở rồi lái chiếc 1964 MG thể thao màu đỏ tới thẳng Đại sứ quán Liên  Xô, đề nghị được gặp tùy viên an ninh tại Đại sứ quán. 

Tiếp ông ta là Yakov Lukasevics – chuyên gia an ninh nội địa của Đại sứ quán. Lukasevics không biết phải làm gì nên đã quyết định gọi cho nhân viên KGB tại Đại sứ quán Boris A. Solomatin. Cần phải nói thêm rằng, tại thời điểm đó, KGB thường tỏ ra rất cẩn trọng trong tiếp xúc với những người Mỹ ngang nhiên tới tòa đại sứ vốn được đặt trong sự giám sát kỹ lưỡng của FBI để đề nghị làm gián điệp. Thông thường, những trường hợp như vậy thường khiến họ nghĩ đến một chiếc bẫy.

Trong cuộc làm việc, Walker nói rõ tên tuổi và đề nghị được thỏa thuận hợp  tác với tình báo Nga. Về động cơ, ông ta nói chỉ muốn kiếm tiền. Sau khi xem xét những tài liệu mà ông ta mang tới, Solomatin nhận thấy đó là các tài liệu liên quan đến tàu và tàu ngầm của Mỹ đặc biệt nguy hại với đội tàu của Nga. Trong số các tài liệu đó cũng có một hồ sơ của Cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ về việc lắp đặt máy mã hóa KL-47. Những tài liệu này vốn đã được một điệp viên khác gửi cho KGB. 

Sau khi đối chiếu với tài liệu trước đó, KGB nhận thấy đó là tài liệu thật. Ngay lập tức, Solomatin đã quyết định chớp lấy cơ hội. Việc một trưởng nhóm KGB gặp trực tiếp một điệp viên là chưa từng có tiền lệ nhưng Solomatin sau đó đã dành ra đến 2 tiếng đồng hồ để nói chuyện riêng với Walker. Kết thúc cuộc nói chuyện, Walker trở về với vài ngàn USD trong người. Đây cũng là sự kiện bắt đầu vụ gián điệp gây tổn hại nghiêm trọng nhất tới Hải quân Mỹ.

Những tang vật bị thu giữ trong đợt chuyển tin mật cuối cùng của John Anthony Walker Jr
Những tang vật bị thu giữ trong đợt chuyển tin mật cuối cùng của John Anthony Walker Jr

Lôi kéo cả gia đình

Theo lời khai của John Walker, thông thường, ông ta chuyển tài liệu mật cho Liên Xô mỗi 2 lần một năm. Các tài liệu này bao gồm các chỉ thị hoạt động, các kế hoạch chiến tranh, sách hướng dẫn kỹ thuật và nhiều thông tin tình báo khác. Từ những tài liệu đó, KGB đã có thể trang bị cho các điệp viên của họ những thiết bị điện tử có thể đọc được các thông tin mã hóa của Mỹ. 

Về sau, việc chuyển tin ngày càng khó khăn hơn do Walker không tiếp cận được những thông tin tuyệt mật hoặc bị điều đi các nơi khác nhau. Ví dụ, khi làm nhiệm vụ tại khu Bờ Tây, ông ta phải bay từ Việt Nam tới Mỹ với cớ thăm nhà để chuyển tài liệu. Đến khi được trở về nhà vào năm 1974, ông ta lại đau đầu vì vấp phải sự phản đối của vợ. Cuối cùng, giải pháp được Walker đưa ra là rời khỏi lực lượng hải quân Mỹ và bắt tay vào xây dựng một mạng lưới gián điệp do ông ta quản lý. 

Việc xây dựng mạng lưới gián điệp của Walker bắt đầu với việc lôi kéo một người bạn cũ ở lực lượng hải quân là sỹ quan cấp cao Jerry Whitworth. Tuy nhiên, cuối năm 1980, nhóm điều tra của Hải quân Mỹ đến điều tra một vụ án hiếp dâm ở đơn vị của Whitworth, khiến ông ta hoảng sợ.

Khi nhận thấy thấy Whitworth ngày càng do dự, Walker quyết định lôi kéo con trai là Michael khi đó vừa được nhận làm nhân viên phòng quản lý trên tàu Nimitz cùng tham gia hoạt động gián điệp. Điều đáng nói là, trước đó, năm 1979, ông ta cũng đã tìm cách chiêu mộ chính con gái Laura Walker Snyder nhưng không thành.

Tổng cộng, Michael đã copy hơn 1.500 tài liệu cho KGB, trong đó có nhiều tài liệu về các hệ thống vũ khí của Mỹ, quy định trình tự kiểm soát và chỉ huy vũ khí hạt nhân, các phương pháp nhận dạng kẻ thù, máy bay không người lái… Không chỉ vậy, do nợ tiền Walker nên anh trai của ông ta là Arthur L. Walker – một chỉ huy hải quân đã về hưu và đang làm việc cho một nhà thầu quốc phòng – cũng đã chấp nhận làm việc cho ông ta. 

Đường dây gián điệp của Walker đã tồn tại suốt 18 năm mà giới chức Mỹ không hề hay biết. Phải đến năm 1984, khi Jerry Whitworth vì lo sợ bị phát giác, lại thêm bị giày vò vì cảm giác tội lỗi đã viết thư tố giác tới FBI thì toàn bộ vụ việc mới bị đưa ra ánh sáng.

Ngày 20/5/1984, FBI đã bắt giữ John Walker sau khi thu được 127 tài liệu mật mà ông ta đã để lại điểm hẹn với KGB. Trong quá trình khám nhà ông ta, giới chức Mỹ cũng đã thu thêm được nhiều bằng chứng quan trọng khác. Tại phiên tòa diễn ra năm 1986, John Walker và Arthur đã bị kết án tù chung thân còn Michael nhận án 25 năm tù. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng đường dây gián điệp của Walker là vụ xâm phạm an ninh gây thiệt hại lớn nhất đối với Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Điều này phần nào thể hiện ở việc Chuẩn Đô đốc William O.

Studeman – Giám đốc cơ quan tình báo của Hải quân Mỹ - tuyên bố không một hình phạt nào có thể bù đắp lại “thiệt hại và và sự phản bội chưa từng có tiền lệ” mà Walker đã gây ra cho lực lượng này. Sỹ quan KGB Oleg Kalugin – người đầu tiên tiếp cận Walker – cũng khẳng định đây là vụ gián điệp ngoạn mục nhất mà ông từng xử lý ở Mỹ.

Còn Giám đốc cơ quan tình báo Liên Xô lúc bấy giờ là Boris Solomatin thì cho biết những thông tin mà Walker cung cấp không chỉ là những thông tin tình báo về các sự kiện đang diễn ra ở Mỹ mà nó còn giúp Nga hiểu được những toan tính thực sự của phía Mỹ.

“John Walker là nguồn cung cấp thông tin chính về lực lượng tàu ngầm của hải quân Mỹ cho Nga. Tuy nhiên, những thông tin mà ông ta cung cấp cũng giúp 2 nước tránh được một cuộc chiến tranh hạt nhân bởi nó cho phép Moscow biết được chính xác những ý định của Mỹ”, ông Solomatin nói….

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.